“Dường như cơ sở Starokonstantinov thời Liên Xô đã được chuẩn bị tốt để tiếp nhận các máy bay F-16, loại chiến đấu cơ thường cần một sân bay tiên tiến, không chỉ được trang bị đường băng tốt mà cần cả tháp chỉ huy, các trạm radar cũng như các nhà máy nhỏ để tạo không khí áp suất cao và lọc dầu hàng không”, ông Litovkin cho biết khi bình luận về khả năng các máy bay chiến đấu F-16 sẽ được đồn trú tại sân bay Starokonstantinov.
Ngoài ra, theo nhà phân tích người Nga, cần phải có các nhà chứa máy bay hoặc nhà kho để lưu trữ đạn dược, tên lửa không đối không và tên lửa không đối đất, cùng các nhà chứa máy bay bằng bê tông để chúng không bị phá hủy trên mặt đất trong trường hợp bị kẻ thù tấn công.
Vị chuyên gia này cho rằng nhiều dấu hiệu cho thấy tất cả cơ sở hạ tầng này hiện có thể đã được Ukraine chuẩn bị tại sân bay Starokonstantinov.
Nhà phân tích Litovkin giải thích lực lượng Không quân Nga liên tục tấn công sân bay Starokonstantinov cũng như các sân bay khác. Điều đó có nghĩa là giới lãnh đạo cấp cao của Moskva đã biết rõ ý định của Ukraine và đang theo dõi chặt chẽ các sân bay này.
Theo ông, mục tiêu chính của các cuộc không kích là phá hủy các cơ sở và ngăn chặn F-16 được triển khai trên lãnh thổ Ukraine. Ông nói thêm rằng lực lượng Nga rất có thể sẽ sử dụng tên lửa Iskander trong các cuộc không kích để gây thiệt hại tối đa cho các sân bay quân sự của Ukraine, bao gồm cả cơ sở Starokonstantinov.
Hà Lan và Đan Mạch là một trong những quốc gia đầu tiên đồng ý cung cấp F-16 cho Ukraine. Nhà Trắng sau đó đã xác nhận rằng Kiev sẽ nhận được các máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất từ các nước thứ ba sau khi các phi công Ukraine hoàn thành khóa đào tạo vận hành vũ khí này.
Trong tuyên bố hồi tháng 5, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo Moskva sẽ coi các máy bay chiến đấu đa năng F-16 do Ukraine vận hành là vũ khí có khả năng hạt nhân.
“Chúng tôi không thể bỏ qua thực tế rằng những chiếc máy bay này là nền tảng có mục đích kép có thể được sử dụng cho cả nhiệm vụ hạt nhân và phi hạt nhân. Bất kể máy bay được cung cấp cho Ukraine dưới dạng nào, chúng tôi sẽ coi chúng là có khả năng hạt nhân và chúng tôi sẽ coi bước đi này của Mỹ và NATO là một hành động khiêu khích có chủ đích”, bộ trên tuyên bố.
Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh ngay cả khi phương Tây chuyển giao máy bay F-16 cho Kiev thì điều này cũng sẽ không thay đổi tình hình trên chiến trường.
Nga liên tục cảnh báo về việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, nói rằng điều này chỉ kéo dài cuộc xung đột. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trước đây đã nói rằng việc cung cấp vũ khí mới, bao gồm cả F-16, không thể thay đổi cơ bản tình hình trên thực địa.
Chuẩn tướng Ben Barry, thuộc nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), bình luận: “F-16 sẽ không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi vì Nga sẽ nhanh chóng tìm ra cách chống lại F-16 sau khi đã lường trước được điều này. Nhưng chúng rất hữu ích khi có thể nhanh chóng lấp đầy khoảng trống trong hệ thống phòng không của Ukraine”.
Về phần mình, ông Jim Townsend, một thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, nhấn mạnh rằng mọi người không nên mong đợi phép màu từ F-16. Điều dễ bị tổn thương là những sân bay phục vụ F-16 sẽ là những mục tiêu hấp dẫn và Nga đã tấn công một số để cảnh báo về những chiếc F-16 này.