Theo GS Meir Litvak, Trưởng Khoa lịch sử Trung Đông - châu Phi, Đại học Tel Aviv, việc Israel tối 14/10 thông báo đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự lớn theo cả “đường không, đường biển và đường bộ” vào Dải Gaza có thấy nguy cơ đang tăng dần, thương vong của cả hai bên có thể tăng lên và cuộc chiến sẽ kéo dài.
GS Litvak cho rằng Israel có bước chuẩn bị này là vì họ nhận thấy tấn công Dải Gaza từ xa không mang lại hiệu quả. Mặc dù các vụ tấn công từ xa đã phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng cũng như gây thương vong lớn nhưng không thể ngăn chặn hoàn toàn khả năng tấn công của Hamas. Vì vậy, trong chính giới Israel đã xuất hiện quan điểm cho rằng cần phải thay đổi chiến thuật và giải pháp tiến vào dải đất hẹp Gaza.
Trong khi đó, theo Giáo sư Kobi Michael, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS) tại Israel, sẽ có nhiều khả năng và kịch bản xảy ra nếu Israel tiến vào Gaza. Hiện tại, quân đội nước này đang tập trung mục tiêu vào Hamas để xóa bỏ năng lực quân sự, thậm chí làm tan rã tổ chức này. Giáo sư Kobi Michael cho rằng sau khi hoàn thành các mục tiêu trên, “lựa chọn tốt nhất cho Israel và toàn bộ khu vực là đưa chính quyền Palestine nắm quyền quản lý Dải Gaza". Tuy nhiên, đây không phải là một bước đi dễ dàng và cũng khó thực hiện trong tương lai gần.
Trong các cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN thường trú tại Israel, các chuyên gia đều cho rằng khó có thể đưa ra nhận định về thời gian kéo dài cuộc chiến song cuộc chiến hiện nay sẽ không thể sớm kết thúc. GS Litvak cho rằng giai đoạn quyết định sẽ là khi Israel tiến hành chiến dịch ở Dải Gaza và nếu chiến dịch này diễn ra thì có thể sẽ kéo dài một vài tháng.
Khi nói về nguy cơ xung đột có thể lan rộng khi có sự tham gia của các bên liên quan khác, GS Litvak nhận định hiện nay lực lượng Hezbollah ở Liban mới chỉ đang thực hiện một số cuộc tấn công cường độ thấp nhằm vào Israel và cũng đã bị phía Israel tấn công trả đũa. Hiện chưa biết Hezbollah có thực sự quyết định tham gia cuộc chiến giữa Israel và Hamas hay không. Giáo sư Litvak nghiêng về kịch bản các bên sẽ leo thang dần cuộc chiến để thử giới hạn phản ứng của nhau, nhưng sẽ khó xảy ra làn sóng Intifada thứ 3 của người Palestine nhằm vào Israel.
Giáo sư Litvak đánh giá Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) vẫn là lực lượng quân sự mạnh nhất ở Trung Đông và nhiều người Arab không muốn tham gia vào một làn sóng Intifada mới, thể hiện qua việc cách đây 3 năm tại Bờ Tây cũng đã xảy ra một số vụ nổi dậy của người Arab nhưng sau đó tình hình đều được kiểm soát.