Chuyên gia chỉ ra những thách thức quân sự Israel đối mặt ở Liban

Các nhà phân tích cho rằng Hezbollah đã xây dựng mạng lưới đường hầm phức tạp, cùng với địa hình gồ ghề và các chiến thuật phòng thủ mạnh mẽ, gây khó khăn cho lực lượng Israel. 

Chú thích ảnh
Tên lửa của Hezbollah phóng vào miền Bắc Israel nhằm đáp trả các cuộc tấn công của Israel vào miền Nam Liban. Ảnh: IRNA/TTXVN

Theo kênh truyền hình France 24 (france24.com) của Pháp ngày 13/10, trong bối cảnh cuộc xung đột ở Gaza tiếp diễn, quyết định của Israel phát động chiến dịch tấn công trên bộ nhằm vào Hezbollah ở Liban đã làm dấy lên những cuộc tranh luận sôi nổi về việc mở một mặt trận mới.

Đối với quân đội Israel, môi trường chiến đấu ở Liban khác xa so với những gì họ đã trải qua ở Gaza, nơi chiến tranh diễn ra chủ yếu trong các khu đô thị đông đúc. Các nhà phân tích quân sự cho rằng Hezbollah đã xây dựng một mạng lưới đường hầm phức tạp, ăn sâu vào các ngọn đồi ở miền Nam Liban, tạo ra những thách thức không nhỏ cho lực lượng Israel.

Có thể nói, sau nhiều lần thực hiện các cuộc tấn công trên bộ vào miền Nam Liban trong trong vòng 50 năm qua, quân đội Israel lại tiếp tục đối mặt với địa hình gồ ghề và nhiều cạm bẫy. Trong các cuộc chiến trước đây, lực lượng Israel đã phải chiến đấu trong những điều kiện tương tự, nhưng giờ đây, họ còn đứng trước một nhiệm vụ còn khó khăn hơn, khi đối mặt với một Hezbollah được trang bị tốt và chuẩn bị kỹ hơn.

Cụ thể, kể từ ngày 30/9, quân đội Israel đã phát động các cuộc tấn công "có mục tiêu" nhằm vào Hezbollah, lực lượng đã nã tên lửa vào miền Bắc Israel suốt một năm qua. Quyết định này đã gây ra những tranh cãi trong giới phân tích quân sự, khi nhiều người đặt câu hỏi về khả năng và hiệu quả của việc mở một mặt trận mới trong bối cảnh tình hình ở Gaza vẫn chưa ổn định.

Jonathan Conricus, sĩ quan quân đội Israel từng tham gia các cuộc chiến ở Liban, nhấn mạnh rằng địa hình ở Liban rất khác biệt và tạo thành một khu vực chiến sự lớn hơn nhiều lần so với Gaza. Ông cho biết, địa hình hiểm trở và dốc đứng tạo điều kiện cho Hezbollah dễ dàng triển khai các chiến thuật phục kích và sử dụng thiết bị nổ tự chế, gây ra nhiều khó khăn cho quân đội Israel.

Miri Eisen, cựu sĩ quan tình báo Israel, cũng đã chia sẻ về những khó khăn trong việc cơ động và chiến đấu trên những ngọn đồi dốc, nơi mà các tảng đá có thể dùng làm nơi trú ẩn và làm "bia chắn đạn". Sự phức tạp của địa hình cùng với việc Hezbollah đã xây dựng một mạng lưới đường hầm sâu dưới lòng đất khiến tình hình trở nên càng thêm khó khăn cho quân đội Israel.

Kinh nghiệm từ các cuộc xung đột trước đây cho thấy rằng các chiến dịch quân sự ở Liban thường kết thúc với những hệ quả không mong muốn. Từ chiến dịch "Litani" vào năm 1978 đến cuộc xung đột năm 2006, Israel đã gánh chịu những tổn thất nặng nề và không đạt được mục tiêu quân sự rõ ràng.

Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah trước khi thiệt mạng đã từng tuyên bố rằng mọi nỗ lực tạo ra vùng đệm an ninh tại miền Nam Liban sẽ biến nơi này thành một "vũng lầy" cho quân đội Israel. Ông Nasrallah khi đó cảnh báo về những cạm bẫy và nguy cơ mà Israel sẽ phải đối mặt nếu tìm cách xâm nhập sâu vào lãnh thổ Liban. Cuộc chiến năm 2006 cũng đã để lại nhiều bài học, khi Israel đã chịu tổn thất lớn và bị chỉ trích vì cách xử lý của mình.

Tính đến thời điểm hiện tại, theo thống kê của AFP, đã có hơn 10 binh sĩ Israel thiệt mạng trong các cuộc giao tranh ở Liban, cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình. Các chuyên gia cho rằng quân đội Israel đã rút ra bài học từ những thất bại trong quá khứ và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc chiến này. Tuy nhiên, việc tấn công Hezbollah ở trên bộ không hề đơn giản, khi phong trào này đã có những cải tiến đáng kể trong chiến thuật và vũ khí.

Rabha Allam tại Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Chiến lược Al-Ahram, một viện nghiên cứu của Ai Cập, nhấn mạnh rằng Hezbollah hoạt động theo "cách phi tập trung" giống như một đội quân du kích, cho phép lực lượng này sẵn sàng phản công ở phía Nam. Bà Allam nói với AFP: "Giả định rằng việc tấn công vào ban lãnh đạo và hệ thống truyền thông của (Hezbollah) sẽ làm tê liệt phong trào là sai lầm".

Về phần mình, Mounir Shehadeh, cựu điều phối viên chính phủ Liban cho lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở nước này (UNIFIL), cho rằng Hezbollah có một kho dự trữ lớn tên lửa chống tăng và các loại vũ khí khác: "Đây là điều mà họ phụ thuộc rất nhiều vào để ngăn chặn sự tiến công của xe tăng (Israel). Họ vẫn chưa sử dụng chúng. Họ đang dựa vào các cuộc phục kích, cài đặt chất nổ để chống lại lực lượng tiến công của Israel".

Như vậy, sự phức tạp của cuộc xung đột Israel-Hezbollah cho thấy rằng cả hai bên đều phải chuẩn bị cho một cuộc chiến có thể kéo dài và tốn kém, không chỉ về mặt cơ sở hạ tầng, tài chính mà còn cả nhân mạng.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo france24.com)
Nỗ lực của Iran nhằm duy trì vị thế tại Liban
Nỗ lực của Iran nhằm duy trì vị thế tại Liban

Cuộc khủng hoảng hiện tại đã buộc Iran phải điều chỉnh chiến lược nhằm đảm bảo tầm ảnh hưởng tại khu vực, đặc biệt trong việc đối phó với Israel và bảo vệ các lợi ích của mình tại Liban.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN