Căng thẳng Mỹ và Iran trên biển: Nhìn lại trận hải chiến khốc liệt 35 năm trước

Quân đội Mỹ hiện đang triển khai lực lượng tới Vịnh Ba Tư để phản ứng với việc Iran bắt giữ các tàu chở dầu. Diễn biến này được so sánh với một hoạt động của Mỹ vào năm 1987 - 1988 để bảo vệ tàu chở dầu khỏi các cuộc tấn công của Iran. Tuy nhiên, hiện nay, Iran có lực lượng quân sự mạnh hơn nhiều và tình hình ở vùng Vịnh đã thay đổi, theo các chuyên gia.

Chú thích ảnh
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường của hải quân Mỹ USS Hawes hộ tống một tàu chở dầu ở Vịnh Ba Tư vào tháng 10/1987. Ảnh: US Navy

Căng thẳng ngày càng gia tăng ở Vịnh Ba Tư, nơi Mỹ đang triển khai thêm lực lượng không quân và hải quân để ngăn chặn các vụ bắt giữ tàu chở dầu thương mại tiềm tàng của Iran. Việc triển khai đã dẫn đến những lo ngại mới về xung đột giữa Mỹ và Iran, khiến người ta so sánh với một cuộc đụng độ khác cách đây 35 năm, dù đó là một chiến thắng với Mỹ và thất bại đối với Iran.

Vào cuối tháng 4/2023, như một phần trong nỗ lực thực thi lệnh trừng phạt của mình, Mỹ đã tịch thu một tàu chở dầu của Iran đang trên đường hướng đến Trung Quốc. Vài ngày sau, Iran đáp trả bằng cách bắt giữ một tàu chở dầu treo cờ Quần đảo Marshall. Tháng 7 vừa qua, hải quân Mỹ cho biết họ đã ngăn chặn việc Iran bắt giữ hai tàu chở dầu khác và cáo buộc "Iran đã quấy rối, tấn công hoặc bắt giữ gần 20 tàu buôn mang cờ quốc tế" kể từ năm 2021.

Trong những tuần gần đây, Mỹ đã triển khai các máy bay chiến đấu F-35 và F-16 tới vùng Vịnh cùng với các tàu chiến và 3.000 lính thủy đánh bộ, thủy thủ. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden thậm chí đang xem xét đưa Thủy quân lục chiến lên các tàu thương mại để ngăn chặn các vụ bắt giữ của Iran.

Đầu tháng này, trong các cuộc tập trận gần một hòn đảo do Iran kiểm soát ở vùng Vịnh, hải quân Iran đã tiết lộ các tàu chiến mới, được trang bị tên lửa với tầm bắn được cho là 570 km - có thể là sự phô diễn sức mạnh có chủ ý.

Căng thẳng gia tăng và việc triển khai lực lượng quân sự trong khu vực đã dẫn đến sự so sánh với Chiến dịch Earnest Will, trong đó các tàu chiến của Mỹ được triển khai tới vùng Vịnh từ năm 1987 đến năm 1988 để hộ tống các tàu chở dầu treo cờ Kuwait mà Tehran đã nhắm mục tiêu trong suốt nửa sau của Chiến tranh Iran - Iraq.

Cùng với Chiến dịch Earnest Will, Mỹ đã phát động Chiến dịch Prime Chance bí mật để ngăn chặn hoạt động rải thủy lôi của Iran ở vùng Vịnh. Tàu chở dầu đầu tiên được hộ tống trong Chiến dịch Earnest Will, SS Bridgeton, đã va phải một quả thủy lôi của Iran vào ngày 24/7/1987.

Chú thích ảnh
Tàu khu trục IS Sahand của Iran sau khi bị trúng tên lửa Harpoon và bom chùm từ máy bay Hải quân Mỹ ngày 19/4/1988. Ảnh: US Navy

Đã có các cuộc đụng độ và đối đầu giữa các lực lượng Mỹ và Iran trong suốt Chiến dịch Earnest Will, lớn nhất trong số đó là Chiến dịch Praying Mantis mà Washington đã phát động 4 ngày sau khi tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Samuel B. Roberts va vào một quả thủy lôi của Iran vào ngày 14/4/1988.

Chiến dịch Praying Mantis là hoạt động hải quân lớn nhất của Mỹ kể từ Thế chiến II. Trong cuộc chiến kéo dài nhiều giờ, các lực lượng Mỹ đã đánh chìm tàu khu trục Sahand của Iran và vô hiệu hóa tàu khu trục Sabalan. Hơn 50 nhân viên và lính hải quân Iran đã thiệt mạng, trong khi Mỹ mất một trực thăng SeaCobra và 2 phi công lái trực thăng này.

Một cuộc xung đột hải quân hiện nay có thể sẽ có một hậu quả thảm khốc hơn nhiều. Xét cho cùng, Iran đã có những thay đổi đáng kể về lực lượng và chiến thuật hải quân của mình trong 35 năm qua, trở nên "bất đối xứng hơn nhiều", theo Bryan Clark, thành viên cấp cao tại Viện Hudson và chuyên gia về các hoạt động hải quân.

Chuyên gia Clark nói: "Hải quân Iran hiện nay hoạt động ở Vịnh Ba Tư sử dụng hầu hết các tàu nhỏ, tốc độ cao mà một lực lượng hải quân truyền thống khó có thể đối phó. Những chiếc tàu có tốc độ cao này thường mang tên lửa chống hạm hoặc được thiết kế để hoạt động có điều khiển từ xa như những máy bay không người lái tấn công".

Về phần mình, Farzin Nadimi, nhà phân tích quốc phòng và an ninh tại Viện Washington về Chính sách Cận Đông, cũng nhấn mạnh sự khác biệt về khả năng và nhiệm vụ của lực lượng hải quân Iran: "Hải quân Iran đã thay đổi so với 35 năm trước với một lực lượng lớn hơn và mạnh hơn được bố trí dọc theo bờ biển Iran".

Chú thích ảnh
Các nhóm tàu cao tốc vũ trang của hải quân Iran. Ảnh: Reuters

Theo chuyên gia Nadimi, mặc dù hải quân Iran vẫn chủ yếu dựa vào "các nhóm tàu cao tốc được trang bị vũ khí hạng nhẹ (tên lửa và súng máy), nhưng họ đã bổ sung "một số lượng lớn tàu cao tốc chất lượng cao hơn" được trang bị tên lửa chống hạm tầm ngắn đến tầm xa và ngư lôi. 

Hải quân Iran cũng có nhiều loại máy bay không người lái, số lượng lớn thiết bị nổ tự chế dưới nước, tên lửa và pháo có uy lực hơn, cũng như mạng lưới tình báo hiệu quả hơn so với 35 năm trước. Đặc biệt, hệ thống phòng không của Iran cũng tốt hơn nhiều so với cuối những năm 1980.

Tóm lại, chuyên gia Nadimi cho biết, lực lượng hải quân của Iran đã "tăng số lượng; chất lượng cao hơn; thông tin liên lạc tốt hơn; tổ chức, huấn luyện tốt hơn; có lợi thế địa hình (địa lý) không thay đổi, ngoại trừ việc họ có nhiều vật cản ngầm dưới biển hơn". 

Bên cạnh đó, Iran hiện có hàng trăm bệ phóng tên lửa hiện đại hướng vào vùng Vịnh. Chuyên gia Nadimi nhấn mạnh liệu Iran có sử dụng những tên lửa đó, hay kho thủy lôi lớn và một số phương tiện khác để tấn công tàu chở dầu do Mỹ bảo vệ ở vùng Vịnh ngày nay hay không vẫn còn là vấn đề suy đoán.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Business Insider)
Cựu Đô đốc Mỹ: Nguy cơ xảy ra đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO gia tăng ở Biển Đen
Cựu Đô đốc Mỹ: Nguy cơ xảy ra đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO gia tăng ở Biển Đen

Căng thẳng ở Biển Đen leo thang nghiêm trọng kể từ khi Nga rút khỏi thỏa thuận vận chuyển ngũ cốc với Ukraine do Liên hợp quốc làm trung gian vào tháng 7.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN