Cựu Đô đốc Mỹ: Nguy cơ xảy ra đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO gia tăng ở Biển Đen

Căng thẳng ở Biển Đen leo thang nghiêm trọng kể từ khi Nga rút khỏi thỏa thuận vận chuyển ngũ cốc với Ukraine do Liên hợp quốc làm trung gian vào tháng 7.

Chú thích ảnh
NATO cho biết hiện họ đang "tăng cường giám sát và trinh sát ở khu vực Biển Đen. Ảnh: U.S. Navy

Tờ Politico của Mỹ dẫn lời cựu Tư lệnh Đồng minh Tối cao của NATO ở châu Âu, Đô đốc Mỹ James Stavridis, ngày 16/8 cảnh báo rằng Nga và NATO có nguy cơ xảy ra đụng độ trực tiếp thông qua việc "chặn tàu trong vùng biển quốc tế ở Biển Đen và tìm cách áp đặt một sự kiểm soát kinh tế đối với Ukraine". 

Đô đốc Stavridis (chỉ huy các lực lượng NATO ở châu Âu từ năm 2009 đến 2013) nói với Politico rằng những diễn biến leo thang trên biển - trong đó có việc tàu tuần tra Nga kiểm tra, bắn cảnh cáo tàu hàng - có thể buộc các đối tác của Kiev phải can thiệp để ngăn chặn nền kinh tế Ukraine bị tê liệt.

"Các diễn biến ở Biển Đen tạo ra nguy cơ leo thang thực sự thành một cuộc chiến trên biển giữa NATO và Nga", ông Stavridis nêu rõ, đồng thời lưu ý "NATO sẽ không đứng nhìn Nga bóp nghẹt nền kinh tế của Ukraine bằng một cuộc phong tỏa trong khi họ đã và đang đổ lượng lớn vũ khí và tiền bạc cho Kiev".

Hôm 15/8, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận tàu tuần tra của nước này đã nổ súng cảnh cáo trước khi kiểm tra tàu Şükrü Okan, một tàu chở hàng treo cờ Palau mà Ngoại trưởng Ukraine xác định là của Thổ Nhĩ Kỳ. Hành động này diễn ra ở phía Tây Nam Biển Đen, ngoài khơi bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO. Ông Stavridis dự đoán Điện Kremlin sẽ có những động thái tiếp theo để "làm suy yếu thương mại giữa Ukraine và phần còn lại của châu Âu".

"Nếu Nga bắt giữ các tàu hoặc tìm cách xua đuổi các tàu chở hàng, tôi nghĩ có khả năng NATO sẽ phản ứng bằng cách hỗ trợ một hành lang nhân đạo để vận chuyển hàng hóa trên biển. NATO có thể bảo vệ các tàu đi và đến cảng Odesa của Ukraine bằng máy bay chiến đấu của NATO và có thể có cả tàu chiến NATO hộ tống", ông Stavridis nói.

Căng thẳng ở Biển Đen leo thang nghiêm trọng kể từ khi Nga rút khỏi thỏa thuận vận chuyển ngũ cốc với Ukraine do Liên hợp quốc làm trung gian vào tháng 7, đồng thời cảnh báo rằng các tàu đi đến các cảng của Ukraine có thể bị coi là mục tiêu quân sự. 

Đáp lại, Ukraine sẵn sàng nhắm mục tiêu nhằm vào xuất khẩu năng lượng của Nga bằng một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trên biển vào một tàu chở dầu và tuyên bố vùng biển xung quanh các cảng trên Biển Đen của Nga là "khu vực có nguy cơ chiến tranh" từ ngày 23/8 tới.

NATO cho biết hiện họ đang "tăng cường giám sát và trinh sát ở khu vực Biển Đen, bao gồm cả máy bay tuần tra biển và máy bay không người lái". Ông Stavridis lập luận rằng sự hỗ trợ từ các thành viên NATO giáp Biển Đen, cụ thể là Thổ Nhĩ Kỳ, Romania và Bulgaria, có nghĩa là "hạm đội Biển Đen của Nga sẽ bị áp đảo về mặt quân sự".

Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi Nga tham gia lại thỏa thuận ngũ cốc, nhấn mạnh rằng căng thẳng ở Biển Đen "không có lợi cho bất kỳ ai". Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan được cho là sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào cuối tháng này, với vấn đề thương mại ngũ cốc có thể sẽ nằm trong chương trình nghị sự.

Trước khi Nga rút khỏi sáng kiến ngũ cốc do Liên hợp quốc làm trung gia, thỏa thuận này được cho là đã đảm bảo 32,9 triệu tấn lương thực rời các cảng Biển Đen của Ukraine một cách an toàn, ngăn chặn nguy cơ xảy ra nạn đói ở các quốc gia nghèo hơn. 

Tổng thống Putin cho biết Moskva "từ chối gia hạn" thỏa thuận, thay vào đó chọn cung cấp ngũ cốc miễn phí cho một số quốc gia châu Phi trên cơ sở từng trường hợp cụ thể. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo rằng “tất cả các tàu đi trong vùng biển của Biển Đen đến các cảng của Ukraine sẽ được coi là tàu chở hàng quân sự tiềm tàng”.

Về phần mình, Ukraine đã tuyên bố một "hành lang tạm thời" cho giao thông hàng hải từ các cảng phía Nam, cho phép các tàu bị chặn trong cảng có thể đi vào vùng biển quốc tế. Ngày 16/8, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov tuyên bố rằng "con tàu đầu tiên, một tàu container treo cờ Hồng Kông, đã rời khỏi cảng của nước này, bất chấp cảnh báo từ Nga". 

Công Thuận/Báo Tin tức
Cảng ở Ukraine bị tấn công 7 lần từ khi Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen
Cảng ở Ukraine bị tấn công 7 lần từ khi Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen

Một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trong đêm đã diễn ra ở khu vực Odessa, miền Nam Ukraine, đánh dấu lần thứ 7 các cảng của Ukraine bị tấn công từ khi Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN