Các nước đua nhau phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6

Tính đến nay, mới chỉ có 3 quốc gia sản xuất được chiến đấu cơ thế hệ thứ 5. Tuy nhiên, đã có hàng chục nước đang bắt tay phối hợp hoặc tự phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ 6.

Chú thích ảnh
Chiến đấu cơ F-35 của Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ Business Insider (Mỹ), có 4 mẫu chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của ba quốc gia, đó là F-22 và F-35 của Mỹ, J-20 của Trung Quốc và Su-57 của Nga. Nhiều quốc gia khác quyết tâm có những mẫu chiến đấu cơ riêng thế hệ tiếp theo.

Ít nhất 9 quốc gia đã tự phát triển máy bay thế hệ thứ 6 hoặc hợp tác với các quốc gia khác. Người ta biết rất ít về các chương trình này, nhưng quy mô của công việc đang được thực hiện cho thấy nhiều quốc gia kỳ vọng chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 sẽ trở thành một phần quan trọng trong đội bay trong những thập niên tới.

Phân biệt chiến đấu cơ "thế hệ thứ 5" hay "thế hệ thứ 6" là chủ đề vẫn gây tranh luận. Nói chung, chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 là nhóm bắt đầu được phát triển vào cuối những năm 1990 hoặc đầu những năm 2000, có thiết kế hoàn toàn mới so với máy bay thế hệ thứ 4 và đẩy mạnh các tính năng tàng hình hoặc khả năng quan sát thấp.

Đặc điểm của thế hệ thứ 6 khó có thể xác định hơn, vì chưa có máy bay thế hệ thứ sáu nào tồn tại. Máy bay ném bom B-21 Mỹ mới ra mắt gần đây được quảng cáo là chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 đầu tiên trên thế giới, nhưng khả năng của nó vẫn chưa được biết đến rộng rãi. Có đồng thuận chung rằng chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 sẽ có một số tính năng mới hoặc nâng cao, trong đó có khả năng kết nối toàn diện, khả năng phối hợp với máy bay không người lái và tàng hình.

Việc sản xuất chiến đấu cơ với các tính năng của thế hệ thứ 5 đòi hỏi kiến thức công nghệ tiên tiến, cơ sở công nghiệp hiện đại và quan trọng nhất là đầu tư tài chính lớn. Chẳng hạn, việc phát triển F-35 ước tính tiêu tốn tới 412 tỷ USD, chưa bao gồm chi phí vận hành và bảo trì. Do đó, hầu hết các quốc gia đang gắn bó với các mẫu chiến đấu cơ thế hệ thứ 4, mua chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 từ một quốc gia đã phát triển chúng, hoặc tham gia chương trình phát triển và sản xuất nhưng không đóng vai trò lớn.

Tương tự chiến đấu cơ thế hệ thứ 5, việc phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 sẽ cần đầu tư lớn, vì vậy nhiều quốc gia đã hợp tác để chia sẻ chi phí và giảm thời gian phát triển.

NGAD và F/A-XX

Mỹ đang tiến hành hai dự án chiến đấu cơ thế hệ thứ 6, một dành cho Không quân và một cho Hải quân nước này. Cả hai đều chính thức được gọi là Thế hệ thống trị trên không tiếp theo (NGAD), nhưng máy bay của Hải quân thường được gọi là F/A-XX. Các dự án NGAD là tuyệt mật và người ta biết rất ít về chúng - thậm chí không biết nhà thầu nào sẽ phát triển hoặc các máy bay trông rao sao. Lockheed Martin, Northrup Grumman và Boeing được cho là đang cạnh tranh và tất cả đều đã tung hình ảnh minh họa về máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6. Không quân Mỹ mới thừa nhận phát triển 4 công nghệ cho chương trình NGAD.

F/A-XX có khả năng kết nối với các hệ thống không người lái, phù hợp với mục tiêu của Hải quân là có 60% phi đội trên tàu sân bay trong tương lai là máy bay không người lái. Hải quân Mỹ được cho là đang trong giai đoạn hoàn thiện ý tưởng cho F/A-XX.

Không quân Mỹ hy vọng sẽ đưa NGAD vào phục vụ năm 2030, trong khi Hải quân dự kiến đưa F/A-XX vào phục vụ trong cùng thập niên.

FCAS/SCAF

Chú thích ảnh
Mô hình FCAS tại triển lãm hàng không Paris (Pháp) năm 2019. Ảnh: AFP

Hệ thống Chiến đấu Trên không Tương lai (FCAS) là dự án chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 được Pháp và Đức công bố vào năm 2017 và có thêm Tây Ban Nha tham gia vào năm 2019.

Trung tâm của FCAS là Thế hệ Chiến đấu cơ tiếp theo (NGF). Tờ Business Insider (Mỹ) cho biết NGF dự kiến có hệ thống động cơ, vũ khí mới, cảm biến hiện đại cùng công nghệ tàng hình, bên cạnh đó là năng lực liên kết với máy bay không người lái và kết nối với mạng đám mây không chiến.

NGF dự kiến sẽ thay thế Rafale của Pháp và Typhoon của Đức và Tây Ban Nha. Ngoài ra còn có kế hoạch cho một biến thể sử dụng trên tàu sân bay tương lai của Pháp. Với chi phí ước tính khoảng 106 tỷ USD, FCAS là một trong những chương trình vũ khí chung lớn nhất từ trước đến nay của châu Âu.

Tempest

Chú thích ảnh
Mô hình chiếc Tempest tại triển lãm hàng không Farnborough ở Anh năm 2018. Ảnh: Reuters

NGF không phải là chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 duy nhất tại châu Âu. Anh và Italy đã cùng bắt tay vào năm 2015 và đến 2018 ra mắt Tempest.

Không quân Hoàng gia Anh cho biết Tempest sẽ có một loạt các khả năng tiên tiến, trong đó có năng lực hoạt động với máy bay không người lái, cảm biến hiện đại và "buồng lái có thể đeo được" mà trong đó. phi công sử dụng mũ bảo hiểm thực tế ảo để vận hành máy bay thông qua màn hình tương tác.

Tempest đang ở giai đoạn ý tưởng, đánh giá với giai đoạn phát triển và sản xuất đầy đủ sẽ bắt đầu từ năm 2025. Vào ngày 18/7/2022, Bộ Quốc phòng Anh thông báo đã lên kế hoạch bay thử vào năm 2027. Việc giới thiệu chính thức chiếc máy bay này được lên lịch trình vào 2035.

Nga và Trung Quốc

Năm 2019, nhà thiết kế trưởng của Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Thành Đô – ông Wang Haifeng tiết lộ Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu chiến đấu cơ thế hệ tiếp theo và có thể ra mắt sớm nhất là 2035. Ông Wang Haifeng cho biết chiếc máy bay quân sự này có năng lực phối hợp với máy bay không người lái, sử dụng trí tuệ nhân tạo và cảm biến đa hướng.

Trong quá khứ, Nga từng công bố các dự án "thế hệ thứ 6", trong đó có một máy bay chiến đấu không người lái vào năm 2013. Đến năm 2016, Moskva cũng đã công bố bản thiết kế cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6.

Vào tháng 1/2021, tập đoàn nhà nước Rostec xác nhận đang phát triển chiếc chiến đấu cơ thế hệ tiếp theo thay thế cho MiG-31 có tên PAK DP. Chiếc máy bay này còn được gọi là MiG-41. Không có nhiều thông tin về năng lực và đặc điểm của MiG-41.

Hà Linh/ Báo Tin tức (Theo Business Insider)
Sử dụng hệ thống phòng không đắt đỏ để bắn hạ UAV giá rẻ của Nga, Ukraine sẽ trả giá đắt?
Sử dụng hệ thống phòng không đắt đỏ để bắn hạ UAV giá rẻ của Nga, Ukraine sẽ trả giá đắt?

Giới chuyên gia cảnh báo việc Ukraine sử dụng tên lửa phòng không đắt đỏ chống máy bay không người lái (UAV) giá rẻ của Nga có thể khiến Kiev và các đồng minh phương Tây phải trả giá đắt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN