Theo Bloomberg, Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz ủng hộ yêu cầu bồi thường chiến tranh của Ukraine nhưng chưa đưa ra quan điểm chính thức về việc tịch thu tài sản của nhà nước Nga. Theo những người hiểu biết về các cuộc thảo luận nội bộ, vấn đề này rất phức tạp và một số nhóm trong liên minh cầm quyền tỏ ra hăng hái hơn, trong khi số khác dè dặt.
Những căng thẳng nội bộ tại Đức phản ánh tranh cãi rộng lớn hơn của cộng đồng quốc tế nhằm củng cố một lập trường chung về vấn đề tịch thu tài sản của Nga. Nếu Berlin có thể tự giải quyết các vấn đề của mình, họ có thể tạo động lực mới cho các cuộc thảo luận ở Liên minh châu Âu (EU) và gây áp lực lên Mỹ về tịch thu tài sản, chẳng hạn như dự trữ của ngân hàng trung ương Nga, vốn đã bị đóng băng để trả đũa chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock muốn Nga bồi thường thiệt hại gây ra ở Ukraine. Cựu lãnh đạo Đảng Xanh vốn là người lâu năm ủng hộ lập trường cứng rắn hơn đối với Điện Kremlin và khẳng định rằng việc thu giữ ít nhất một số tài sản bị đóng băng cần phải là một lựa chọn - theo nguồn tin quan chức giấu tên tiết lộ với Bloomberg.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner, người đứng đầu Đảng Dân chủ Tự do, tỏ ra thận trọng hơn. Các quan chức cho biết ông lo ngại việc tịch thu tài sản của ngân hàng trung ương Nga có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, đẩy các quốc gia châu Âu và các đồng minh vào một vũng lầy pháp lý.
EU và các đối tác từ nhóm G7 đã đóng băng khoảng 300 tỷ euro (311 tỷ USD) dự trữ của Ngân hàng trung ương Nga. EU cũng đã phong tỏa khoảng 19 tỷ euro tài sản do các doanh nhân Nga nắm giữ thông qua lệnh trừng phạt, mặc dù những ước tính này vẫn chưa đầy đủ. Các tài sản đang ở tình trạng không rõ ràng và hiện không thể được tiếp cận sử dụng.
Một nguồn tin cho biết thay vì tịch thu hàng loạt với các tài sản của Nga, có một cách xử lý hợp pháp hơn có thể là nhắm vào tài sản của những cá nhân đã được chứng minh là có liên quan đến các tội ác chiến tranh của Nga. Tuy nhiên, những vụ việc như vậy có thể mất nhiều năm để vượt qua các tòa án, điều này có thể làm khiến một sáng kiến như vậy chỉ còn là một biểu tượng đơn thuần.
Chi tiết của các cuộc thảo luận cho thấy khả năng thu giữ tài sản của Nga đang vượt ra ngoài chuyện lý thuyết và hướng tới việc thực hiện như thế nào, nhưng vẫn còn những rào cản lớn. Ông Scholz muốn bất kỳ động thái nào cũng cần được phối hợp với các đồng minh và chặt chẽ về mặt pháp lý.
"Thiệt hại là rất lớn. Nó sẽ tiêu tốn hàng tỷ đô la và sẽ đòi hỏi cộng đồng toàn cầu phát triển các giải pháp hợp lý", Thủ tướng Đức nói với các phóng viên vào tháng 8, "Đó sẽ là một nhiệm vụ lớn, rất lớn so với Kế hoạch Marshall. Nó sẽ lớn hơn".
Các cuộc thảo luận tương tự cũng đang diễn ra ở những nơi khác. EU sẽ "tìm ra những con đường hợp pháp" để tịch thu tài sản Nga, giúp cho quỹ tái thiết Ukraine - Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết. Bà Leyen nói thêm rằng khối sẽ tìm cách tạo ra một cơ cấu để quản lý các khoản tiền đó và đầu tư chúng để mang lại lợi ích cho Kiev.
Tại hội nghị thượng đỉnh Brussels vào tháng trước, các nhà lãnh đạo EU đã thảo luận về một số phương án sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ Ukraine - theo kết luận được công bố sau cuộc họp.
Giới lãnh đạo EU kêu gọi các cơ quan hành pháp của khối đưa ra một kế hoạch chi tiết, nhưng họ cũng nhấn mạnh rằng bất kỳ động thái thu giữ tài sản nào cũng phải tuân theo luật pháp quốc tế. EU lưu ý rằng việc truy tố các tội ác chiến tranh là mối quan tâm với cộng đồng và châu Âu nên tìm kiếm tiếng nói chung với Mỹ.
Hồi tháng 6/2022, EU đã chính thức chấp nhận Ukraine là ứng cử viên gia nhập khối. Các quan chức EU cho biết liên minh này sẽ đóng góp phần lớn hỗ trợ tài chính tổng thể cho việc tái thiết Ukraine. Số tiền có thể vượt quá 500 tỷ euro và có khả năng gây ra một cuộc tranh luận gay gắt về cách huy động tiền.
Tại Mỹ, các nhà lập pháp cũng đã hối thúc chính quyền của Tổng thống Joe Biden xem xét tịch thu một số tài sản của Nga, đưa ra luật cho phép điều đó trong một số trường hợp nhất định. Tuy nhiên, Nhà Trắng đã từ chối những yêu cầu đó vì lo ngại một động thái như vậy sẽ gây lo lắng và khiến các ngân hàng trung ương nước ngoài khác e ngại gửi tài sản tại Mỹ.
Tịch thu tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga sẽ là một bước hiếm hoi nhưng không phải là động thái đầu tiên như vậy. Vào tháng 9/2022, chính quyền Mỹ đã quyết định đưa 3,5 tỷ USD dự trữ ngân hàng trung ương của Afghanistan đặt dưới sự kiểm soát của một ủy ban giám sát có trụ sở tại Thụy Sĩ để đảm bảo chế độ Taliban không tiếp cận được với số tiền này.
Các khoản tiền mà Mỹ đã đóng băng sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan vào năm 2021, sẽ được giữ tại Ngân hàng Thanh toán Quốc tế và chỉ được phân phối với sự đồng ý của một hội đồng quốc tế gồm bốn thành viên. Một quá trình như vậy có thể là một hình mẫu cho việc sử dụng các tài sản bị đóng băng của Nga để tái thiết Ukraine.
Trong khi đó, Điện Kremlin đã cáo buộc việc đóng băng kho dự trữ của Nga là bất hợp pháp và cho biết họ sẽ chống lại bất kỳ nỗ lực nào nhằm tịch thu tài sản của Nga và sử dụng chúng cho các mục đích khác.