Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết Bộ Quốc phòng Nhật Bản chưa xác nhận “quốc tịch” của tàu ngầm nước ngoài bị phát hiện. Tàu ngầm này chưa xâm phạm lãnh hải Nhật Bản nhưng Tokyo đã cử một tàu khu trục và máy bay tuần tra để theo dõi chuyển động của phương tiện này.
Giáo sư Garren Mulloy tại Đại học Daito Bunka (Nhật Bản) nhận định việc phát hiện tàu ngầm hoạt động gần vùng biển Nhật Bản là không bất ngờ nhưng việc Tokyo công khai về sự hiện diện của phương tiện này là điều đáng chú ý.
Thay đổi được cho liên quan đến việc Nhật Bản tạm ngưng triển khai Aegis Ashore. Tờ Asahi dẫn nguồn thạo tin cho biết các quan chức Nhật Bản sẽ sớm thảo luận để sửa lại Chiến thuật An ninh Quốc gia.
Chiến thuật hiện tại, được thông qua vào tháng 12/2013 có trọng tâm là bảo vệ Nhật Bản khỏi mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo. Nhưng những nhân tố mới khiến Nhật Bản phải xem xét lại kế hoạch phòng thủ bao gồm yếu tố như ảnh hưởng từ dịch COVID-19, cam kết của Mỹ đối với các đồng mnh và tình hình kinh tế trong nước.
Giáo sư Akitoshi Miyashita tại Đại học Sophia phân tích rằng Nhật Bản muốn chứng kiến hành động của Mỹ đối với chính sách quốc phòng mới của Tokyo, sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay. Ngay cả trong trường hợp ông Donald Trump tái đắc cử thì Nhật Bản vẫn cần có phương pháp khác đối với các vấn đề an ninh.
Ông Miyashita nhận định: “Nhiều khả năng chính Mỹ sẽ thay đổi các dự án phòng thủ tên lửa của nước này và Nhật Bản cần xem xét liệu chúng ta có thể hợp tác và tham gia vào những kế hoạch đó không”.
Cả hai giáo sư Miyashita và Mulloy đều có chung ý kiến rằng Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã xử lý chưa tốt kế hoạch triển khai hệ thống phòng không Aegis Ashore khi lựa chọn vị trí. Do thiếu cân nhắc, một khi Aegis Ashore triển khai tại những vị trí này thì các bộ phận tên lửa khi phóng lên không trung có thể rơi vào khu vực dân cư. Điều này khiến dư luận Nhật Bản không ủng hộ kế hoạch liên quan đến Aegis Ashore.
Giáo sư Mulloy bổ sung rằng lý do khác khiến Nhật Bản tạm ngưng triển khai Aegis Ashore là do kinh phí cao.
Trên thực tế, tên lửa đạn đạo vẫn luôn là mối nguy hiểm tiềm tàng với Nhật Bản. Có khả năng Tokyo sẽ chuyển nhiệm vụ đánh chặn tên lửa lên những tàu khu trục được trang bị Aegis.
Những vấn đề khác sẽ được quan chức Nhật Bản thảo luận về sửa đổi Chương trình Phương châm Phòng vệ Quốc giao bao gồm tăng chuỗi cung ứng cho thiết bị y tế và tìm biện pháp xử lý các đại dịch trong tương lai, từng bước ngăn chặn rò rỉ công nghệ quốc phòng quốc gia.