Bí ẩn đằng sau mối quan hệ quốc phòng Nga-Ukraine

Tại sao Nga và Ukraine lại cần nhau?

Theo Alexei Arbatov, chuyên gia tại Trung tân Moskva về Chương trình không phổ biến vũ khí, từng là thành viên của Duma Quốc gia Nga và Thiếu tướng Vladimir Dvorkin, nhà nghiên cứu Chính tại Trung tâm An ninh Quốc tế, Học viện Khoa học Kinh tế thế giới và Quan hệ Quốc tế (Nga), từng là Giám đốc Viện Nghiên cứu - Bộ Quốc phòng, Cố vấn của Lực lượng tên lửa chiến lược Nga, những biến động ở miền đông và nam Ukraine đã gây ra những tổn thất vô hình đối với một trong số những lĩnh vực hợp tác thành công mà ít người biết đến đó là: Mối quan hệ chặt chẽ giữa các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga và Ukraine.

Nga và Ukraine đã có sự hợp tác phát triển trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.


Vào cuối tháng 3, Yuri Tereshenko, người đứng đầu tập đoàn công nghiệp quốc phòng Ukroboronprom do nhà nước Ukraine kiểm soát, đã tuyên bố rằng Kiev có kế hoạch cắt giảm sự hợp tác quân sự và kỹ thuật với Moskva để phản ứng lại sự sáp nhập Crimea vào Nga. Một tháng sau, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đáp trả. Tại một cuộc họp với các nhà quản lý công nghiệp quốc phòng và chỉ huy quân sự hàng đầu của Nga, ông Putin nói: "Chúng ta cần phải làm hết sức mình với bất cứ giá nào để ngành công nghiệp quốc phòng của Nga hoạt động trên lãnh thổ của chúng ta, để chúng ta không phụ thuộc vào bất cứ ai".

Thật khó để tưởng tượng ra rằng sự hợp tác trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng giữa hai nước sẽ bị gián đoạn như thế nào nếu như ông Tereshenko và Putin thực hiện những cam kết của mình, điều sẽ khiến cho sự hợp tác lâu dài trong nhiều thập kỷ trong một ngành công nghiệp quy mô lớn, phát triển sẽ đi đến hồi kết thúc.

Di sản


Sau sự khởi đầu thất bại của kế hoạch xây dựng ngành công nghiệp 5 năm lần thứ nhất vào những năm 1930, ngành công nghiệp vũ khí của Liên Xô đã phát triển đáng kể trong những thập kỷ sau đó, dẫn đến sự mở rộng các cơ sở khoa học và lĩnh vực phân phối. Đến cuối những năm 1980, Ukraine chiếm 30% các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Liên Xô với khoảng 750 nhà máy và 140 tổ chức khoa học và kỹ thuật, sử dụng khoảng 1,5 triệu lao động vào thời điểm đó.

Sự tan rã của Liên Xô vào năm 1991 đã giáng một đòn nặng nề đối với tất cả các lĩnh vực của ngành công nghiệp Liên Xô. Nó còn là một thảm họa thực sự đối với các khu tổ hợp công nghiệp-quốc phòng. Thực tế là, chỉ qua một đêm, nó đã biến một siêu cường quân sự ngang bằng với Mỹ bị sụp đổ. Một dây chuyền sản xuất phức tạp và đa dạng đột nhiên bị phân rã nằm rải rác trên một số quốc gia.

Nhằm cứu vãn và hạn chế thiệt hại này, chính phủ Nga và Ukraine đã nỗ lực hợp tác để duy trì các tổ hợp công nghiệp-quốc phòng trên và thiết lập mối quan hệ thương mại bền vững. Điều này đặc biệt quan trọng đối với Ukraine, bởi vì, vào thời điểm đó, hơn 70% doanh nghiệp quốc phòng Ukraine phụ thuộc vào các thành phần được chế tạo từ các nhà máy của Nga. Trong khi đó, 20% doanh nghiệp quốc phòng Nga phụ thuộc vào Ukraine. Trong thập kỷ tiếp theo, hai nước đã ký một số thỏa thuận nhằm khuyến khích hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp - quốc phòng, duy trì việc làm trong các nhà máy ở cả hai nước và cùng nhau sản xuất vũ khí xuất khẩu (một nguồn thu ngoại tế quan trọng đối với cả nước) và lực lượng vũ trang của từng nước.

Mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng sự hợp tác giữa hai bên cũng đã giảm đi sau đó. Năm 1994, Nga là điểm đến hàng đầu cho các mặt hàng xuất khẩu quân sự của Ukraine, chiếm 68%, tương đương 620 triệu USD mỗi năm. Đến năm 2010, Moskva chỉ đứng ở vị trí thứ năm, sau Trung Quốc, Iraq, Ấn Độ và Azerbaijan. Thị trường Nga chỉ chiếm 64 triệu USD, thấp hơn 10% tổng số giá trị xuất khẩu quân sự của Ukraine. Hơn nữa, năm 1996, có 262 doanh nghiệp Ukraine đã tham gia hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng với Nga năm 1996, thì đến năm 2013 con số này đã giảm xuống còn 156.

Xe tăng của quân đội Nga trong lễ diễu binh kỷ niệm Ngày chiến thắng 9/5 vừa qua.


Bán bí mật quân sự cho Trung Quốc

Vậy lý do cho sự suy giảm trên là gì? Vì ngân sách mua sắm hạn hẹp, Ukraine chủ yếu dựa vào sự xuất khẩu vũ khí. Có nghĩa là trong khi Nga có thể tự sản xuất xe tăng cho riêng mình và xuất khẩu cho bất cứ quốc gia nào, thì Ukraine chỉ bán cho một số đối tác. Năm 2000, Kiev bán một số tên lửa hành trình chiến lược Kent 12Kh -55/AS-15 (không có đầu đạn hạt nhân) cho Iran và Trung Quốc.

Ukraine cũng đã chuyển cho Trung Quốc những bí mật về thiết kế động cơ được sử dụng trong tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và máy bay chiến đấu Sukhoi Su-27SK/Flanker của Nga-Ukraine. Những thiết kế này sau đó được sử dụng như là nguyên mẫu cho máy bay chiến đấu J- 11B của Trung Quốc. Trong cuối những năm 1990, Kiev đã cạnh tranh với Moskva và giành được một hợp đồng bán xe tăng T-80 cho Pakistan trị giá 650 triệu USD. Một thập kỷ sau, Ukraine đánh bại Nga một lần nữa khi ký hợp trị giá 230 triệu USD chuyển giao xe tăng T-84 cho Thái Lan.

Mặc dù có một số trở ngại, nhưng Nga và Ukraine vẫn tiếp tục hợp tác trong một số lĩnh vực quốc phòng quan trọng. Trước khi Liên Xô sụp đổ, nhiều tên lửa liên lục địa của Nga được thiết kế và xây dựng tại các nhà máy của Ukraine. Sau năm 1991, các cơ sở này của Ukraine vẫn tiếp tục tham gia vào một số công đoạn chế tạo tên lửa cho các hạm đội của Nga. Trong thực tế, các nhà máy của Ukraine chịu trách nhiệm nâng cấp và kéo dài tuổi thọ cho các tên lửa của Nga, một trong số chúng là những tên lửa hiện đại nhất thế giới như tên lửa SS- 18 theo định danh của phương Tây. Nếu sự hợp tác tiếp tục đến năm 2020, nỗ lực chung này sẽ cho phép Nga tiết kiệm khoảng 500 triệu USD trong khi không phải vội vàng phát triển một hệ thống tên lửa liên lục địa mới.

Một lĩnh vực hợp tác quan trọng khác đó là hệ thống phóng vũ trụ Dnepr, trong đó Nga và Ukraine hợp tác theo một Hiệp định chung năm 1998. Hệ thống này được thiết kế để phóng các vệ tinh đa năng có trọng lượng lên đến 4 tấn. Dự án hợp tác trên được giám sát bởi các công ty vũ trụ quốc tế Kosmotras có trụ sở tại Moskva với một chi nhánh tại Kiev. Cổ phần của công ty này được chia như sau: 45% thuộc về Nga, 45% là của Ukraine và 10% thuộc về Kazakhstan. Kể từ khi Dnepr ra mắt lần đầu tiên vào tháng 4/1999, 18 hệ thống này đã phóng 86 vệ tinh vào quỹ đạo gần trái đất cho 19 quốc gia, trong đó có cả Mỹ, Anh, Đức và Pháp.

Hàng không quân sự cũng là một trong số những lĩnh vực hợp tác chính giữa Nga và Ukraine. Điều này bao gồm việc đại tu các loại máy bay MiG-29 và Su-25, các máy bay trực thăng Mi-24 cũng như việc thiết kế và sản xuất động cơ máy bay, thiết bị vô tuyến điện tử, tên lửa phóng từ không trung, phương tiện bay không người lái và tên lửa hành trình. Nga và Ukraine cũng đang hợp tác với nhau sửa chữa và hiện đại hóa hệ thống phòng không, bao gồm cả tên lửa đất -đối-không, radar phòng không và hệ thống kiểm soát không lưu.

Nga và Ukraine vẫn còn hợp tác chặt chẽ về động cơ máy bay cũng như công tác bảo dưỡng, đại tu một số loại vũ khí.


Cuối cùng, mặc dù sự hợp tác giữa Nga và Ukraine về các loại vũ khí cho các lực lượng mặt đất có hạn chế so với sự hợp tác trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, nhưng hai nước cũng đã cùng nhau hiện đại hóa và phát triển tên lửa chống tăng, hệ thống phòng không tầm ngắn, kính ngắm súng trường và phát triển áo giáp chống đạn. Và quy mô của sự hợp tác này tuy có giảm, nhưng tổng danh mục đầu tư của các hợp đồng quốc phòng của Nga ở Ukraine vẫn trị giá hơn 15 tỷ USD.

Phục vụ lợi ích nhiều quốc gia

Ngay cả khi mối quan hệ giữa Nga và Ukraine có suy giảm trong thời gian gần đây, nhưng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp -quốc phòng vẫn còn rất quan trọng đối với cả hai nước. Nó phục vụ lợi ích quân sự của mỗi quốc gia, củng cố mối quan hệ chính trị của họ và góp phần phát triển kinh tế của mỗi bên. Ở Ukraine, các hoạt động công nghiệp quốc phòng tập trung chủ yếu ở phía Đông, Đông Nam, Tây Nam của nước này, nơi mà người nói tiếng Nga chiếm một phần lớn và phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp Nga.

Do hệ thống ngân sách tập trung của Ukraine, nên không có con số chính xác về số liệu nộp ngân sách của các khu vực, nhưng khoảng 40% nguồn thu ngân sách của Ukraine đến từ các khu vực phía đông và nam. Vì vậy, nếu hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp - quốc phòng Nga - Ukraina bị gián đoạn vì lý do chính trị, các doanh nghiệp lớn sẽ đóng cửa, dẫn đến tình trạng thất nghiệp hàng loạt, không chỉ mất nguồn thu thuế cho Ukraine, mà còn khiến tình hình thêm bất ổn. Tình hình này cũng sẽ xấu đi nếu như Ukraine cải cách cơ cấu kinh tế sâu rộng khi gia nhập Liên minh châu Âu, điều này chắc chắn giáng một đòn đau đối với ngành công nghiệp nặng ở miền đông Ukraine.

Đối với Nga, ngành công nghiệp quốc phòng của nước này cũng sẽ mất đi một đối tác quan trọng. Thật khó có thể định lượng rằng Nga sẽ mất bao nhiêu và những gì. Thị phần hợp tác với Ukraine có thể chiếm ít hơn 10% nhu cầu sản xuất quốc phòng Nga, nhưng trong một số lĩnh vực chuyên môn, Ukraine là nước duy nhất có thể sản xuất và cung cấp những thiết bị quân sự quan trọng. 

Nói cách khác, cả hai bên sẽ bị thiệt nếu như hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng suy yếu. Sự hợp tác này giữa Nga và Ukraine không gây ra mối đe dọa quân sự đối với phương Tây. Trong một số lĩnh vực, chẳng hạn trong hợp tác hàng không vũ trụ, những nỗ lực chung Nga- Ukraine phục vụ lợi ích của nhiều quốc gia ở phương Tây và toàn bộ thế giới. Lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine là phải giảm leo thang căng thẳng và bạo lực ở miền Đông và Nam nước này, phục hồi lại sự hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp - quốc phòng cùng có lợi giữa Nga và Ukraine trong khi tôn trọng quyền tự chủ hơn về kinh tế của khu vực này.


Công Thuận

Nga đề nghị Ukraine chấm dứt chiến dịch quân sự
Nga đề nghị Ukraine chấm dứt chiến dịch quân sự

Tổng thống đắc cử Ukraine Petro Poroshenko có thể thấy ở Nga một đối tác tin cậy và nghiêm túc nếu hành động vì lợi ích của toàn thể người dân Ukraine, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết ngày 27/7.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN