Nga-Trung hợp tác những gì khiến phương Tây khiếp sợ?

Xét trong mọi trường hợp, chuyến công du của Tổng thống Vladimir Putin tới Trung Quốc mới đây là một thành công chiến lược. Tuy nhiên, hợp tác lớn hơn Nga - Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế cũng đi kèm với rủi ro mà Moskva có thể bị kéo vào một số vụ tranh chấp địa chính trị mới ở châu Á, Tiến sĩ Khoa học Andrei Kazantsev, Giám đốc Trung tâm phân tích của Viện Quan hệ quốc tế Moskva, Đại học Quốc gia Quan hệ Quốc tế Moskva (của Bộ Ngoại giao Liên bang Nga) nhận định.
 
Không có gì đáng ngạc nhiên khi các vấn đề chính trị và địa chính trị đã chi phối chương trình nghị sự tại Thượng Hải trong tuần qua, nơi Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa giành hợp đồng cung cấp 38 tỷ m3 khí đốt/năm cho Trung Quốc trong vòng 30 năm thông qua đường ống mới lắp ở miền đông nối giữa hai nước này.

Sự thay đổi lớn trong các vấn đề toàn cầu

Thỏa thuận được định giá không chính thức trên 400 tỷ USD này đã trở thành thông tin nóng bỏng nhất trên các phương tiện truyền thông lớn của phương Tây. Trong bối cảnh căng thẳng tại Ukraine và sự suy giảm lớn trong quan hệ Nga - phương Tây, các nhà lãnh đạo của Moskva và Bắc Kinh nhấn mạnh trong một tuyên bố chung rằng cả hai nước có đồng quan điểm về các vấn đề quan trọng toàn cầu. Sự hợp tác mới này giữa Nga và Trung Quốc báo trước một sự thay đổi lớn trong các vấn đề của thế giới.

Tàu chiến Nga, Trung trong cuộc diễn tập chung tại Thượng Hải mới đây.


Moskva và Bắc Kinh đã bày tỏ quan điểm chung của họ rằng, chủ quyền quốc gia là một giá trị quan trọng trên trường quốc tế hiện nay, châu Âu hay bất cứ cộng đồng quốc tế nào không nên tìm cách áp đặt các giá trị hoặc lợi ích của mình đối với các nước độc lập không thuộc phương Tây. Điều này bao gồm các biện pháp trừng phạt cũng như bất kỳ hình thức tham gia nào vào công việc nội bộ của nước khác, chẳng hạn như sự hỗ trợ đối với các phe nhóm đối lập chính trị.

Một điều rõ ràng là nền kinh tế Nga phụ thuộc rất lớn vào việc xuất khẩu nguyên liệu sang các thị trường châu Âu. Do đó, Điện Kremlin cũng nên tính đến các nỗ lực của châu Âu nhằm đa dạng hóa nguồn nhập khẩu, đặc biệt là khí đốt tự nhiên, như một cách để giảm sự phụ thuộc vào Nga.

Tất nhiên, nếu châu Âu đang tìm cách đảm bảo an ninh năng lượng của mình, không phụ thuộc và Nga và muốn rằng Moskva cũng chỉ đơn phương phụ thuộc vào việc xuất khẩu sang châu Âu, thì "lục địa già" cũng phải xem xét đến việc Nga sẽ tìm cách tăng cường an ninh năng lượng của mình bằng việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Cách duy nhất để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu năng lượng của Nga là phát triển mối quan hệ với các thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.

Một nhiệm vụ chiến lược quan trọng khác đối với cả Nga và Trung Quốc là hợp tác trong khu vực Trung Á, nơi thách thức an ninh phi truyền thống sẽ tăng lên sau khi lực lượng quân sự quốc tế rút khỏi Afghanistan.

Theo Tiến sĩ Kazantsev, Trung Quốc chính thức có quan điểm trung lập (và, về bản chất, có một nửa sự thân thiện) với Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Với tình hình kinh tế khẩn cấp ở Crimea (Crưm), giá trị của sự hợp tác Nga - Trung Quốc đối với Điện Kremlin chỉ có tăng lên. Ví dụ, tháng 12/2013, Tổng thống Ukraine bị lật đổ, ông Yanukovych đã ký một thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc để xây dựng một cảng biển nước sâu ở Crimea.

Ngoài ra, hai bên đã nhất trí về một số dự án đầu tư khác trên bán đảo này. Bây giờ tất cả những thỏa thuận trên được coi là giữa Nga và Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đã đề xuất xây dựng một cây cầu qua eo biển Kerch. Cây cầu này có tầm quan trọng sống còn vì Nga hiện nay không có đường sắt trực tiếp hoặc đường cao tốc nối với Crimea.

Trong chuyến thăm của ông Putin tới Bắc Kinh vừa qua, thỏa thuận quan trọng về hợp tác trong lĩnh vực quân sự giữa Nga và Trung Quốc đã được thảo luận. Diễn tập hải quân chung hai nước đã được tiến hành và các cuộc tập trận quân sự mới cũng được lên kế hoạch.

Hệ thống tên lửa S-400 hiện đại của Nga.


Năm 2012, nguồn cung cấp vũ khí của Nga sang Trung Quốc chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga. Tháng 3/2013, Nga và Trung Quốc đã ký Hiệp định khung về việc cung cấp 24 máy bay chiến đấu Su-35 và 4 tàu ngầm lớp Lada. Ngoài ra, hai bên còn có kế hoạch tăng cường hợp tác trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí. Trung Quốc bây giờ có thể mua các hệ thống phòng không tiên tiến S-400 cũng như các loại máy bay quân sự IL -76 và IL -78 của Nga.

Các nhà phê bình ở cả Nga và phương Tây đề cho rằng giá trị thương mại của hiệp định năng lượng mới trên giữa Moskva và Bắc Kinh không phải quá lớn, khi lượng khí đốt mà Nga bắt đầu bán cho Trung Quốc từ năm 2018 là 38 tỷ mét khối, chỉ chiếm 16% tổng lượng khí đốt xuất khẩu của tập đoàn Gazprom, và tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Nga chỉ bằng 1/3 so với kim ngạch giữa Trung Quốc với EU và bằng 1/5 so với kim ngạch Trung Quốc-Mỹ. Nhưng giá trị về chính trị thì vô cùng lớn, đến mức Tổng thống Putin đã buộc các nhà thương lượng của Nga phải đẩy nhanh quá trình đàm phán và "chốt" toàn bộ trước chuyến thăm sắp tới của ông sang Trung Quốc, dự kiến tháng 11 tới.

Hợp đồng này cũng giúp cho khu vực Siberia phát triển cơ sở hạ tầng. Phát triển vùng Siberia và Viễn Đông của Nga là một nhiệm vụ chiến lược quan trọng chưa được giải quyết của Moskva. Thị trường cũng đã có phản ứng tích cực với hợp đồng này và giá cổ phiếu của Gazprom trên thị trường chứng khoán tăng lên đáng kể sau khi công bố thỏa thuận.

Paolo Garimberti - một trong những nhà bình luận thời sự quốc tế hàng đầu của Italy - đã viết trên nhật báo "La Republica" rằng sự xích lại gần nhau trong một mối quan hệ thân thiết chưa từng có giữa Moskva và Bắc Kinh trong lịch sử đang khiến thế giới phương Tây đi từ chỗ bực tức đến sợ hãi.

Rủi ro trong mối quan hệ Moskva-Bắc Kinh

Tuy nhiên, một số nhà bình luận khác, đặc biệt là ở phương Tây, đã nhấn mạnh những rủi ro trong quan hệ đối tác chiến lược Nga - Trung Quốc khi cho rằng Moska có sự bất cân đối trong thương mại với Bắc Kinh và nguy cơ trở thành một nhà cung cấp nguyên liệu cho Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Putin trong một cuộc gặp tại Bắc Kinh mới đây.


Hơn nữa, giá của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là khí đốt tự nhiên của Nga, bán cho Trung Quốc sẽ thấp hơn so với ở châu Âu. Bên cạnh đó, do có mối quan hệ chiến lược với Bắc Kinh, nên Moskva có thế bị kéo vào các cuộc tranh chấp lãnh hải và cạnh tranh địa chính trị giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Ngoài ra còn có một vấn đề nguy hiểm khác chưa được giải quyết, đó là vấn đề Đài Loan và “sự gia tăng chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc cũng là một mối đe dọa tiềm năng đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga”, ông Andrei Kazantsev cho biết.

Cuối cùng, trong chiến lược "con đường tơ lụa" mới của Bắc Kinh, có một xu hướng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong vùng không gian hậu Xô Viết. Một vấn đề đặt ra là làm thế nào để dung hòa sự ảnh hưởng này của Trung Quốc với tầm nhìn chiến lược “Hội nhập Á-Âu” của Tổng thống Nga Putin. Điều này có thể nhìn thấy rõ ràng nhất hiện nay là trong trường hợp của Kyrgyzstan.

Các chuyên gia Nga không phủ nhận những rủi ro tiềm tàng trên. Tổng thống Nga Putin cũng đã nhấn mạnh rằng Moskva và Bắc Kinh không xây dựng liên minh và khẳng định Nga - Trung không làm bạn với nhau để chống lại bất kỳ ai. Có nghĩa là, Moskva đã tạo ra một không gian cho sự linh hoạt trong chính sách đối ngoại của mình. Mặc dù vậy, theo quan điểm của các tầng lớp chính trị Nga, ở thời điểm hiện tại, những lợi ích của sự hợp tác Nga - Trung lớn hơn những nguy cơ tiềm ẩn của nó.


Công Thuận
'Trỗi dậy hòa bình' của Trung Quốc không đi vào thực chất
'Trỗi dậy hòa bình' của Trung Quốc không đi vào thực chất

Để cho tuyên bố về "trỗi dậy hòa bình" đi vào thực chất, Trung Quốc phải có trách nhiệm hơn và dựa vào các biện pháp ngoại giao, chứ không phải đối đầu, trong giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh hải với các nước láng giềng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN