'Trỗi dậy hòa bình' của Trung Quốc không đi vào thực chất

Kể từ khi ông Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch nước Trung Quốc vào năm ngoái, chính quyền Bắc Kinh đã nỗ lực để giải quyết một mâu thuẫn vốn có giữa "trỗi dậy hòa bình" và khả năng quân sự ngày càng tăng của nước này. Ông Tập Cận Bình vẫn tiếp tục tuyên bố về sự phát triển hòa bình trên các diễn đàn quốc tế trong khi trên thực tế, chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã bước vào giai đoạn của sự khiêu khích hơn về các vấn đề lãnh thổ.

Những tín hiệu mới nhất cho phương phát tiếp cận trên là việc Trung Quốc đang thực hiện các bước mở rộng tham vọng lãnh thổ của mình xuống phía đông nam, cụ thể là việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi đầu tháng 5 này.

Hải quân Trung Quốc trong một cuộc diễn tập bắn đạn thật.


Tháng trước, lực lượng vũ trang Philippines tuyên bố rằng tàu Cảnh sát biển của Trung Quốc đã sử dụng vòi rồng để xua đuổi tàu cá của Philippines ra khỏi khu vực bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền với phần lớn khu vực Biển Đông với cái gọi là "đường 9 đoạn" mơ hồ, chồng lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của một số quốc gia khác trong khu vực.

Mặc dù dư luận vẫn chưa biết hết sức mạnh tiềm năng của Hải quân Trung Quốc, nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng nó như một công cụ để giải quyết những tranh chấp lãnh thổ bằng vũ lực. Thái độ ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc khi đưa giàn khoan vào sâu thềm lục địa của Việt Nam có nguy cơ làm trầm trọng thêm những căng thẳng trong khu vực.

Theo Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang tích cực hiện đại hóa để có được vũ khí công nghệ cao nhằm cải thiện hệ thống phòng thủ bờ biển và hệ thống phòng không của nước này. Chúng bao gồm các tên lửa chống vệ tinh, khả năng chiến tranh không gian mạng, tên lửa đạn đạo chống tàu, nâng cấp lực lượng hạt nhân chiến lược... nhằm ngăn chặn sự tiếp cận của Mỹ đối với khu vực vốn được Bắc Kinh coi là nằm trong phạm vi ảnh hưởng của mình.

Cần phải nhấn mạnh rằng nỗ lực hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc cũng nhằm tái khẳng định những tuyên bố chủ quyền hàng hải của nước này ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và nằm trong nỗ lực lớn hơn để thay đổi toàn bộ thế trận quân sự của Bắc Kinh.

Trong khi ngân sách quốc phòng của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với Mỹ, Bắc Kinh vẫn tiếp tục tăng nhanh chi tiêu quân sự từ 139,2 tỷ USD lên 188 tỷ USD trong vòng 1 năm. Mặc dù ngân sách của PLA chỉ chiếm 2% GDP của Trung Quốc - so với con số hiện nay của Mỹ là 4,4% - nhưng sự gia tăng đột ngột cũng đã gây ra căng thẳng đáng kể trong khu vực.

Lý do nâng cấp quân đội

Việc nâng cấp quân đội của Trung Quốc phục vụ nhiều mục đích: bảo vệ an ninh quốc gia, củng cố sức mạnh cơ bắp của đất nước như là một cường quốc kinh tế mới nổi... Tuy nhiên, mức tăng của chi tiêu quân sự của Trung Quốc có nguy cơ thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, khi một số quốc gia khác cố gắng tìm cách cân bằng tiềm năng quân sự của Bắc Kinh. Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, chi phí quốc phòng của châu Á đã vượt qua châu Âu.

Chi tiêu quân sự của riêng châu Á trong năm 2013 tương đương 282 tỷ USD, vượt qua Trung Đông (150 tỷ USD), Nam Mỹ (67 tỷ USD) và châu Phi (45 tỷ USD). Một phần lớn trong tổng số ngân sách quốc phòng của châu Á là của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích đã hoài nghi về những con số này và cho rằng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2013 cao hơn nhiều so với báo cáo, vào khoảng hơn 200 tỷ USD.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận bình tuyên bố nước này sẽ sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp lãnh hải nhưng trên thực tế, Bắc Kinh ngày càng có hành động gây hấn với các nước láng giềng.


Nhiều nhà phân tích phương Tây cho rằng hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc sẽ dẫn đến những hành động khiêu khích hơn. "Trung Quốc sẽ kích động một giai đoạn chuyển tiếp quyền lực. Bất cứ ai quan sát về ý định tương lai của Bắc Kinh thông qua lĩnh vực quân sự cũng có thể kết luận rằng Trung Quốc đang hướng tới một sự xâm lược",  John Mearsheimer, Giáo sư Khoa học Chính trị người Mỹ tại Đại học Chicago, cho biết. Nhưng một số chuyên gia khác cũng cho rằng Trung Quốc đang gia tăng chi tiêu cho các vấn đề văn hóa và lịch sử, trong đó có một lý do nhằm không bị xâm lược từ bên ngoài, phát triển sự hòa hợp theo Nho giáo.

Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã tạo ra những hậu quả không mong muốn khi nước này luôn tạo ra sự gây hấn với các quốc gia láng giềng. Các hành động gây hấn của Bắc Kinh đối với các nước láng giềng nhỏ hơn thời gian gần đây có thể trở nên nghiêm trọng hơn và những mối quan tâm chung về an ninh có thể khiến Mỹ và các nước khác trong khu vực xích lại gần nhau hơn.

Trung Quốc có quân đội thường trực lớn nhất và chi tiêu quân sự cao nhất ở châu Á. Nhưng sự gia tăng ngân sách quốc phòng không phải luôn phản ánh khả năng triển khai sức mạnh thực sự của một quốc gia. PLA nổi tiếng là thích số lượng hơn chất lượng và quân đội Trung Quốc vẫn được cho là có công nghệ lạc hậu hơn so với phương Tây. Mặc dù chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản chỉ gần 50 tỷ USD, nhưng Tokyo vẫn có một lực lượng hải quân tiên tiến hơn hải quân của Trung Quốc.

Để cho tuyên bố về "trỗi dậy hòa bình" đi vào thực chất, Trung Quốc phải có trách nhiệm hơn và dựa vào các biện pháp ngoại giao, chứ không phải đối đầu, trong giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh hải với các nước láng giềng.


Công Thuận (B.I)
Trung Quốc thử nghiệm chiến đấu cơ trên đường cao tốc
Trung Quốc thử nghiệm chiến đấu cơ trên đường cao tốc

Không quân Trung Quốc đã lần đầu tiên tiến hành thử nghiệm bay đối với các máy bay chiến đấu trên một tuyến đường cao tốc ở tỉnh Hà Nam, miền Trung nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN