Giải mã chiến lược năng lượng Nga ở châu Á

Trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký kết với Trung Quốc một hợp đồng năng lượng trị giá hàng trăm tỷ USD cùng với việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt sau hơn một thập kỷ đàm phán.

 

Các công ty của Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc đang ngày càng quan tâm và muốn tham gia vào các thỏa thuận năng lượng với Nga.


Đây có thể là một trong số những thỏa thuận đầu tiên trong khu vực mà ông Putin đang "hướng Đông" nhằm giúp Nga có thêm thị trường xuất khẩu ngoài châu Âu và hạn chế ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến khủng hoảng Ukraine.


Trước nguy cơ có thể phải chia sẻ thị trường năng lượng châu Âu, vì có thể khí đốt từ Bắc Mỹ sẽ chuyển tới châu Âu trong vòng 10 năm tới, Moskva đang hướng về thị trường châu Á, nơi nhu cầu nhập khẩu năng lượng đang tăng lên một cách nhanh chóng. “Các công ty của Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc đang ngày càng quan tâm và muốn tham gia thỏa thuận năng lượng với Nga. Về mặt chiến lược, đó là điều dễ hiểu” - Kyle Davis, chuyên gia năng lượng tại công ty luật Goltsblat BLP, nói.


Cuối tháng 4 vừa qua, Quốc hội Nga đã bỏ phiếu thông qua quyết định xóa 90% nợ cho CHDCND Triều Tiên và đầu tư 1 tỷ USD trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và năng lượng tại Triều Tiên, đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của nền kinh tế Nga. Dự án năng lượng đã được lên kế hoạch có thể là một đường ống dẫn khí đốt đi qua Triều Tiên.


Moskva cũng đã lên kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn khí đốt song song với tuyến đường xe lửa từ đảo Sakhalin của Nga qua phía bắc Nhật Bản, qua Triều Tiên, tới Hàn Quốc. "Rõ ràng là nguy cơ lớn nhất trong dự án này là vấn đề bán đảo Triều Tiên. Quan hệ liên Triều hiện nay chưa đủ tin cậy để xây dựng một đường ống năng lượng quy mô lớn”, Chris Faulkner, Giám đốc điều hành của Công ty năng lượng Breitling có trụ sở tại Texas cho biết. Dự kiến, đường ống này sẽ cung cấp cho Hàn Quốc 10 tỷ m3 khí đốt/năm. Điều này sẽ giúp Triều Tiên trở thành “Ukraine ở châu Á” và Hàn Quốc giống như châu Âu với sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Hàn Quốc nhập khẩu 97% nhu cầu năng lượng, là nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn thứ hai trên thế giới sau Nhật Bản.


Nga và Ấn Độ cũng đã đàm phán để xây dựng một đường ống dẫn dầu trị giá 30 tỷ USD - đường ống đắt nhất thế giới vì phải đi qua nhiều địa hình phức tạp. Cái gọi là đường ống “Con đường tơ lụa” này sẽ liên kết khu vực miền núi Altai của Nga đến tỉnh Tân Cương của Trung Quốc và miền bắc Ấn Độ.


Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), Ấn Độ là nước nhập khẩu dầu lớn thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Trung Quốc, và hiện đang dựa chủ yếu vào nguồn nhập khẩu từ Trung Đông. Dự kiến Ấn Độ sẽ trở thành nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới vào năm 2020. Giống như Trung Quốc, tiêu thụ năng lượng của Ấn Độ đã tăng gấp đôi kể từ năm 1990. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Ấn Độ muốn đảm bảo nhập khẩu năng lượng bổ sung và đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng từ Nga.


Nga và Ấn Độ đã thảo luận về dự án xây dựng đường ống dẫn khí từ khá lâu. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và Tổng thống Putin đã đưa ra một tuyên bố chung tại Moskva ngày 21/10/2013 xác nhận rằng hai nước đang hợp tác "để nghiên cứu khả năng vận chuyển hydrocarbon dưới lòng đất trực tiếp” giữa hai nước. Các cuộc đàm phán về việc xây dựng các đường ống trên dự kiến sẽ kết thúc vào giữa năm nay và thời gian hoàn thành vào năm 2020 - 2022.


Tuy nhiên, theo tạp chí Economist, Trung Quốc vẫn là khách hàng triển vọng nhất của Nga, với mức tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt dự kiến sẽ tăng gần 90% trong giai đoạn 2011 - 2020, trong khi Ấn Độ dự kiến sẽ tăng khoảng 50%.


"Khi đường ống dẫn khí đốt tại Trung Quốc được xây dựng, Nga có thêm vài thị trường xuất khẩu bên ngoài châu Âu, do đó sẽ không bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây và có thể cạnh tranh với khí đá phiến xuất khẩu của Mỹ. Tổng thống Putin biết rõ điều này”, Faulkner nói.


Công Thuận (B.I)

Putin: Hợp đồng khí đốt với Trung Quốc là công trình lớn nhất TG
Putin: Hợp đồng khí đốt với Trung Quốc là công trình lớn nhất TG

Hợp đồng giữa tập đoàn khí đốt quốc doanh Gazprom của Nga và Công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã trở thành thỏa thuận lớn nhất trong các thời kỳ của Liên Xô trước đây và Nga trong lĩnh vực khí đốt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN