Nga đang dẫn dắt một "OPEC về khí đốt"

Các nước phương Tây chỉ có thể đảm bảo được an ninh năng lượng của mình bằng cách dựa vào nguồn khí đốt đá phiến dồi dào của họ. Nếu không khai thác được tiềm năng về khí đốt của riêng mình, họ sẽ không bao giờ thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ cái gọi là bộ "Tam đại" về khí đốt, bao gồm Iran, Nga và Qatar.

 

Phương Tây lo ngại bị kiểm soát nguồn cung.

Công nghệ "fracking" (khai thác khí đốt từ đá phiến bằng phương pháp thủy lực) có vẻ như đang hứa hẹn một tương lai tươi sáng khi nó cho phép khai thác nguồn năng lượng tương đối dồi dào ở nhiều nước phương Tây với giá phải chăng. Tuy nhiên, việc nhiều quốc gia ở châu Âu vẫn chưa cho phép hoặc chưa mặn mà với công nghệ, mà họ cho là có thể gây động đất và chưa giải quyết được nguy cơ ô nhiễm môi trường này, khiến cho bài toán năng lượng của nhiều nước vẫn hết sức nan giải.


Iran là nước có trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới. Nga đứng ở vị trí thứ hai, chỉ kém Iran chút ít. Và đứng thứ ba là Qatar. Ba nước này đã thống trị thị trường khí đốt thế giới từ nhiều năm nay. Mỹ gần đây được coi là một nhà sản xuất năng động nhất thế giới khi họ sản xuất được một lượng lớn khí đốt tự nhiên từ đá phiến. Nhưng sản lượng khí đốt của Mỹ cũng chủ yếu để phục vụ nhu cầu trong nước. Xét về mặt trữ lượng, Mỹ chỉ là một phần nhỏ nếu so với ba nước khổng lồ nêu trên. Iran, Nga và Qatar nắm tới 60% trữ lượng khí đốt tự nhiên của toàn thế giới.


Năm 2001, 11 nhà sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới đã lập ra Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt (GECF). Ban đầu, GECF tuyên bố là "một tập hợp các nhà sản xuất khí đốt hàng đầu thế giới, được thành lập như một tổ chức quốc tế ở cấp chính phủ với mục tiêu tăng cường hợp tác và phối hợp giữa các nước thành viên". Nhưng chỉ một năm sau, Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu đề cập đến việc biến GECF thành một "OPEC về khí đốt". Năm 2006, khi tập đoàn Gazprom của Nga đấu tranh với các khách hàng châu Âu về giá cả thì Phó Chủ tịch Alexander Medvedev cảnh báo rằng Nga sẽ xây dựng "một liên minh các nhà cung cấp khí đốt có nhiều ảnh hưởng hơn so với OPEC". Tại các cuộc họp GECF, Nga đã thúc đẩy kế hoạch phân chia thị trường khí đốt toàn cầu thành các khu vực, với mỗi nhà sản xuất nắm độc quyền tại một khu vực được giao.


Hai năm sau, vào năm 2008, Nga, Iran và Qatar đã tuyên bố rằng họ sẽ hợp thành một cartel trong lĩnh vực khí đốt, theo kiểu OPEC. Chủ tịch Gazprom, ông Alexey Miller, đã tuyên bố thành lập một bộ "Tam đại" được nhìn nhận như là một động thái nhằm đe dọa phương Tây thông qua việc kiểm soát phần lớn khí đốt tự nhiên của thế giới.


Năm 2009, Bộ trưởng Năng lượng Nga Sergey Shmatko đã tuyên bố rằng GECF đã "đủ lông đủ cánh" để chính thức trở thành một "OPEC về khí đốt". Nhận xét về việc Nga được bầu làm Tổng thư ký của tổ chức này, ông Shmatko nói: "Điều này cho thấy rằng các nước thành viên mong đợi Nga sẽ sử dụng sức mạnh chính trị của mình để đưa tổ chức này đi lên… Chúng tôi sẽ phối hợp để tránh sản xuất quá nhiều khí đốt".


Trong những năm qua, sự "phối hợp" của các nước này thông qua việc hạn chế nguồn cung đã đẩy giá khí đốt lên cao. Các nhà phân tích cho rằng hành động duy nhất có thể thực sự làm giảm sức mạnh của "OPEC về khí đốt" là việc giải phóng các nguồn cung cấp khí đốt tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Ba Lan, Ukraine, Bungari, Pháp, Israel và các quốc gia khác hiện đang có các mỏ khí đốt đá phiến lớn. Càng sản xuất được nhiều khí đốt đá phiến thì giá khí đốt trên thế giới càng giảm, và khả năng thao túng thị trường khí đốt của "OPEC về khí đốt" cũng giảm theo. Tuy nhiên, khả năng này xem ra còn khá xa vời do tâm lý phản đối “fracking” còn rất mạnh ở nhiều nước. Nếu không vượt qua được rào cản này, an ninh năng lượng của phương Tây sẽ tiếp tục bị đe dọa, nhất là trong bối cảnh đối đầu giữa Nga và phương Tây như hiện nay.


Minh Đức (Theo "National Post")

Nga đặt điều kiện hạ giá khí đốt cho Ukraine
Nga đặt điều kiện hạ giá khí đốt cho Ukraine

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak tuyên bố nước này sẵn sàng thảo luận việc giảm giá khí đốt cho Ukraine nếu Kiev thanh toán 2,237 tỷ USD tiền nợ khí đốt tính đến ngày 1/4 cho Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN