Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng họ sẽ không bao giờ hết tên lửa hành trình Kalibr, được minh chứng bằng cuộc oanh tạc quy mô lớn nhất từ trước tới nay vào các thành phố Kiev, Lviv, và Odessa của Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga đã đăng một hình ảnh trên kênh Telegram chính thức cho thấy một tên lửa hành trình được phóng từ một con tàu không xác định, với dòng chú thích: "Sẽ không bao giờ hết Kalibr”.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Anh đã có báo cáo về khả năng Nga bắt đầu thiếu đạn dược, dẫn đến việc phải giảm tần suất tấn công tại Ukraine.
Tên lửa hành trình Kalibr, lần đầu tiên ra mắt năm 1994, là một trong những vũ khí tầm xa chiến lược chính của Nga. Quân đội Nga đã sử dụng Kalibr để nhằm vào các mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng của Ukraine kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào cuối tháng 2.
Cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo ban đầu cho biết phía Nga đã bắn trên 120 tên lửa vào các mục tiêu của Ukraine hôm 29/12. Đó có thể là một trong những cuộc tấn công lớn nhất kể từ khi xung đột nổ ra.
Bộ Quốc phòng Ukraine sau đó thông báo lực lượng phòng không đã phá hủy 54 trong số 69 tên lửa hành trình được bắn đi vào sáng cùng ngày. Tại Kiev, các quan chức cho biết tất cả 16 tên lửa đã bị bắn hạ, nhưng các mảnh vỡ đã làm hư hại 3 ngôi nhà và làm 3 người bị thương.
Thị trưởng Lviv, ông Andriy Sadovyi cho biết phần lớn thành phố phía Tây Ukraine đã bị mất điện còn dịch vụ xe điện phải dừng hoạt đông. Thống đốc Odessa Maksym Marchenko cho biết loạt tấn công mới của Nga đã khiến thành phố này phải cắt điện khẩn cấp, trong khi Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko cho biết 40% dân số thành phố phải sống trong cảnh mất điện.
Phó Thị trưởng Lviv Serhiy Kiral giải thích rằng quyết định cắt điện là một biện pháp phòng ngừa để tránh gây thiệt hại lớn trong trường hợp xảy ra thêm tấn công.
"Một phần của thành phố vẫn không có điện, nước được cung cấp với áp suất thấp hơn”, ông Kiral nói. Người dân nơi đây đã dần quen với tiếng ồn của máy phát điện diesel. Chính quyền thành phố đang đề nghị chi trả 50% chi phí máy phát điện cho các doanh nghiệp và nhóm chủ sở hữu căn hộ.
Loạt tấn công dồn dập bằng tên lửa của Nga trong những tháng gần đây đã khiến các đồng minh phương Tây của chính phủ Ukraine mở rộng viện trợ máy phát điện, thiết bị để sửa chữa hệ thống năng lượng, và quan trọng là các hệ thống phòng không để bảo vệ tốt hơn các cơ sở của Ukraine trước tên lửa hành trình và máy bay không người lái của Nga.
Trong số các vũ khí mới mà Ukraine vừa được cam kết cung cấp có hệ thống tên lửa đất đối không MIM-104 Patriot của Mỹ. Đây là loại vũ khí đắt nhất được các đối tác nước ngoài gửi tới Ukraine kể từ đầu năm nay. Quân đội Ukraine đang được huấn luyện điều khiển khẩu đội Patriot và quá trình này sẽ mất vài tháng.
Moskva đã nhiều lần cảnh báo các nước phương Tây về sự nguy hiểm của việc cung cấp vũ khí cho Kiev. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ Washignton không có ý định ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine.
"Tôi nhắc lại một lần nữa, điều này sẽ khiến cuộc xung đột kéo dài và đau đớn hơn cho phía Ukraine, nhưng nó sẽ không thay đổi mục tiêu của chúng tôi cũng như kết quả cuối cùng đạt được", ông Peskov nói.
Từ tháng 10/2022, chỉ vài ngày sau vụ đánh bom chết người mà Moskva nghi là do Kiev dàn dựng trên cầu Crimea, Nga bắt đầu tập kích dồn dập vào hạ tầng năng lượng của Ukraine.
Giờ đây, điều thường thấy là tiếng còi báo động không kích vang lên khắp nơi ở Ukraine, từ thủ đô Kiev đến các miền biên viễn sát biên giới với Nga như vùng Belgorod.
Phát biểu tại lễ trao huân chương Sao Vàng cho các "Anh hùng Nga" ở Điện Kremlin hôm 8/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết những cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine là phản ứng sau vụ nổ trên cầu Crimea và các cuộc tấn công khác.
Người đứng đầu Điện Kremlin cũng cáo buộc Kiev cho nổ tung đường dây điện từ nhà máy điện hạt nhân Kursk ở miền Nam nước Nga và không cung cấp nước cho thành phố Donetsk ở miền Đông Ukraine; đồng thời tuyên bố các lực lượng Nga sẽ tiếp tục tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine, bất chấp chỉ trích của phương Tây.