Vì không đặt công trình Trạm Y tế ở khía cạnh di sản văn hóa nên Tờ trình của UBND thị xã Sơn Tây không thông qua các cơ quan quản lý di sản văn hóa. Tất nhiên, do chỉ thông qua cơ quan đầu tư xây dựng nên cơ quan chuyên ngành không nắm vững các văn bản liên quan đến di sản văn hóa, cụ thể là Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích làng cổ ở Đường Lâm nên chưa có tham mưu phù hợp cho UBND thành phố Hà Nội.
Tới cuối năm 2016, UBND thị xã Sơn Tây mới có văn bản xin thỏa thuận của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về thiết kế cải tạo, nâng cấp Trạm Y tế xã Đường Lâm thông qua Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội. Tháng 12/2016, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có văn bản thỏa thuận.
Trạm Y tế xã Đường Lâm được xây dựng bề thế ngay sát cổng làng Mông Phụ. Ảnh: vietnamnet.vn
Trả lời về vấn đề Trạm Y tế xã xây dựng không đúng quy hoạch, ông Hà Hữu Công, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng thị xã Sơn Tây, chủ đầu tư dự án cho rằng, cần phải xem xét lại Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm về nguồn gốc đất ở vị trí mới, trình tự quy hoạch và tính khả thi khi xây dựng tại vị trí mới. Vì theo ông Hà Hữu Công, khi thành phố Hà Nội hoàn thành quy hoạch mới công bố và được hiểu là thành phố quy hoạch tại vị trí mới không lấy ý kiến của nhân dân và quy hoạch tại đó cũng không có tính khả thi.
Bên cạnh việc viện dẫn UBND thành phố Hà Nội có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tại địa điểm Trạm Y tế cũ, ông Hà Hữu Công cũng đưa ra nhiều lý do khác để khẳng định, việc xây dựng Trạm Y tế tại địa điểm cũ là phù hợp.
Theo ông Công, thứ nhất, Trạm Y tế cũ đã xuống cấp cần xây dựng lại. Thứ hai, vị trí cũ phù hợp với việc sơ cứu ban đầu của người dân và nếu phải chuyển lên các bệnh viện tuyến trên sẽ thuận lợi hơn. Nếu xây dựng tại vị trí mới là thôn Cam Thịnh, nhiều người phải đi ngược vào trong sơ cứu rồi lại trở ra để lên tuyến trên sẽ bất tiện. Thứ ba, việc xây dựng Trạm Y tế xã mới đã có sự đồng thuận của người dân xã Đường Lâm thông qua văn bản đề nghị xây dựng cải tạo, nâng cấp Trạm Y tế xã của Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ và Trạm Y tế xã Đường Lâm.
Tuy nhiên, không như lời ông Hà Hữu Công nói, quá trình xây dựng Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị làng cổ ở Đường Lâm được Viện Bảo tồn di tích, đơn vị thực hiện đồ án quy hoạch, tổ chức hội nghị lấy ý kiến đại diện của người dân Đường Lâm về các phương án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích vào tháng 7/2013.
Lý do để Trạm Y tế ở vị trí cũ thuận lợi hơn trong việc sơ cứu ban đầu của người dân cũng chưa hoàn toàn thuyết phục. Bởi lẽ khoảng cách từ vị trí cũ và mới đều trong cùng một xã, không quá xa và chỉ có một bộ phận người dân phải đi ngược lại, không phải là tất cả.
Lý do trước khi xây dựng Trạm Y tế mới có sự đồng thuận của người dân cũng chưa chính xác. Bởi Tờ trình do Sở Kế hoạch Đầu tư và UBND thành phố Hà Nội ký vào tháng 9/2015, văn bản đề nghị cho phép cải tạo, nâng cấp Trạm Y tế xã Đường Lâm do Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ và Trạm Y tế xã Đường Lâm lại ký vào tháng 7/2016.
Hơn nữa, đây là văn bản của các đơn vị quản lý ở xã Đường Lâm và xã Đường Lâm cũng chưa hẳn đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân về việc nên hay không xây dựng trạm y tế tại đây. Chính sự chủ quan này đã dẫn đến một công trình bề thế mọc lên ngay cạnh một không gian rất đậm chất truyền thống của vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ rất khập khiễng.
Bài 2: Không gian di tích bị ảnh hưởng nghiêm trọng