Nỗ lực chiến thắng COVID-19 của F0 - Bài cuối: Khỏi bệnh, tình nguyện đi chống dịch

Sau 21 ngày chiến đấu với dịch bệnh COVID-19, 9 thành viên trong gia đình anh Nguyễn Trọng Hoàng (38 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh) đã khỏi bệnh và 4 thành viên tình nguyện ở lại để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tiếp tục chống dịch.

Chú thích ảnh
Bốn người trong gia đình anh Nguyễn Trọng Hoàng đang tham gia hỗ trợ công tác chống dịch tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Mắc bệnh khi đi tình nguyện

Anh Nguyễn Trọng Hoàng, Phó Giám đốc công ty TNHH bao bì Phúc Thịnh cho biết, từ ngày 23/7, anh đã tham gia đội hình tình nguyện lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng tại thành phố Thủ Đức, tham gia hỗ trợ tại điểm tiêm Trung tâm y tế Quận 12, Trạm y tế phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12... Đến ngày 3/8, khi test nhanh, anh phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 và ngày 4/8, anh test lại bằng PCR cũng cho kết quả dương tính.

Nhận kết quả về nhà, anh đã test nhanh cho 11 thành viên trong gia đình thì có đến 9 thành viên dương tính với COVID-19, chỉ có 2 người con trai là có kết quả âm tính.

“Thời gian đầu, khi phát hiện bị mắc COVID-19 mình cảm thấy hụt hẫng và cũng rất lo lắng vì bố mẹ đã lớn tuổi, bố bị bệnh nền nên có triệu chứng khó thở và phải đưa đi cách tại khu cách ly quận Gò Vấp. Trong khi đó, hai vợ chồng tôi và các thành viên còn lại thì không có triệu chứng vì đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Tôi cố gắng trấn an các thành viên trong gia đình, nghỉ ngơi và nghe theo sự tư vấn của bác sĩ, vì thời điểm đó chưa có tổ y tế cộng đồng như bây giờ”, anh Hoàng nhớ lại.

Chú thích ảnh
Anh Nguyễn Trọng Hoàng và chị Lưu Ngọc Anh cùng đồng lòng tham gia chống dịch để mong cuộc sống của người dân sớm trở lại bình thường. Ảnh: NVCC

Anh Hoàng cho biết: “Trước khi tham gia tình nguyện làm công tác hỗ trợ chống dịch, tôi cũng chuẩn bị tâm lý sẽ bị nhiễm bệnh COVID-19; tuy nhiên tôi không nghĩ tất cả người thân trong gia đình cũng đều bị nhiễm như tôi. Tuy nhiên, với lượng người thân bị nhiễm lớn đã khiến tôi tỉnh ra là mình phải thật bình tĩnh đễ hỗ trợ các thành viên khác trong gia đình cùng chữa bệnh. Thế là tôi bắt đầu hướng mình và người thân đến với những thông tin tích cực để lấy lại tinh thần chiến đấu với bệnh tật. Vì vậy, cả gia đình thống nhất không xem và nghe những tin tiêu cực trên báo hoặc các trang mạng xã hội nói về sự thảm khốc của dịch bệnh COVID-19. Ngoài ra, tôi cũng tuyệt đối làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế, chịu khó ăn, uống thuốc theo chỉ định và tập thể dục thường xuyên, tập thở mỗi ngày".

Theo anh Hoàng, dù tâm lý có vững nhưng biết người thân mình đang bị COVID-19 cũng khiến anh lo lắng, mất ăn mất ngủ mấy đêm, nhất là khi bố mẹ có bệnh nền không thể điều trị tại nhà phải đưa vào khu thu dung điều trị COVID-19 của quận Gò Vấp. Ở đây, bố mẹ không có các con chăm sóc nên anh khá lo lắng, tuy nhiên nhờ có đội ngũ y tế hỗ trợ nhiệt tình mà bố mẹ anh Hoàng cũng đã chiến thắng dịch bệnh COVID-19 trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. 

"Nhờ có những thông tin tích cực từ việc bố mẹ tôi đã an toàn với COVID-19 nên các thành viên còn lại trong gia đình tôi cũng có động lực để tự chữa bệnh tại nhà. Theo đó, các thành viên cách ly tại nhà ở riêng từng phòng và thay phiên hỗ trợ lẫn nhau những công việc từ ăn uống, điều trị để cùng nhau cố gắng vượt qua dịch bệnh", anh Hoàng cho biết. 

Chú thích ảnh
Chị Lưu Ngọc Anh hỗ trợ người dân đo huyết áp tại một điểm tiêm ở quận Gò Vấp. Ảnh: NVCC

Trong khi đó, chị Lưu Ngọc Anh, vợ anh Hoàng cho biết: "Lúc đầu khi nghe tin chồng mình dương tính mình cũng bất ngờ và lo lắng một chút. Tuy nhiên, khi biết cả mình và các thành viên trong gia đình đều mắc COVID-19 (trừ 2 con của mình) thì cảm xúc của mình thật khó diễn tả, hoang mang, lo sợ và rất lo lắng cho sức khỏe của bố mẹ vì bố mẹ đã lớn tuổi lại có bệnh nền".

Tuy nhiên, sau đó, mọi người trong gia đình cũng động viên chị Ngọc Anh phải bình tĩnh để cùng nhau vượt qua dịch bệnh. Theo đó, đối với các thành viên còn lại trong gia đình không phải đi cách ly tập trung, đã cùng chia nhau làm các công việc nhà như: nấu ăn, giặt đồ, lau dọn nhà cửa, nhắc nhau uống thuốc đúng giờ, tập thể dục và cùng nhau trồng cây, trồng rau, chơi các trò chơi nho nhỏ trong nhà với các con trong điều kiện an toàn để các con không bị nhiễm bệnh...

"Sau một thời gian tích cực điều trị, gia đình tôi đã nhanh chóng lấy lại được sức khỏe và bố mẹ tôi cũng được xuất viện trở về nhà. Điều đọng lại trong tôi sau cuộc chiến chống lại COVID-19 chính là sự cố gắng, lạc quan của các thành viên trong gia đình và sự hướng dẫn, chăm sóc của các nhân viên y tế đã giúp gia đình tôi vượt qua COVID-19 một cách đầy ngoạn mục”, chị Lưu Ngọc Anh chia sẻ.

Trong khi đó, anh Nguyễn Trọng Hoàng cũng cho biết, khoảng thời gian điều trị tại nhà là khoảng thời gian mà anh và các thành viên trong gia đình có dịp sống chậm lại một chút so với nhịp sống hối hả hàng ngày. Đây cũng là cơ hội mọi thành viên gần nhau hơn, chia sẻ và hỗ trợ nhau vượt qua dịch bệnh một cách nhanh nhất. Sau 21 ngày chiến đấu với dịch bệnh, cuối cùng 9 thành viên trong gia đình anh đã chiến thắng với COVID-19.

Đồng lòng đi chống dịch

Vốn là một cán bộ đoàn và là một đảng viên, anh Nguyễn Trọng Hoàng đã tích cực tham gia nhiều chương trình, chiến dịch mùa hè xanh, nhất là 18 năm liền (2002 - 2019) gắn bó với chương trình Tiếp sức mùa thi. Chính vì vậy, khi dịch bệnh bùng phát, anh Hoàng cũng không thể ngồi yên một chỗ.

Tuy nhiên, khi tham gia chống dịch, anh không chỉ làm một mình mà còn vận động vợ là chị Lưu Ngọc Anh (Phó giám đốc công ty TNHH sản xuất TM SG Anh Minh) cùng 2 em gái là Nguyễn Thị Hậu (nhân viên Phòng Công tác sinh viên Trường Đại học FPT) và Hồ Thị Quỳnh Như (em họ anh Hoàng, sinh viên Trường Đại học FPT) cùng tham gia chống dịch với mình.

Chú thích ảnh
Em Quỳnh Như hỗ trợ người dân điền thông tin khi tiêm chủng tại điểm tiêm Phường 16, quận Gò Vấp. Ảnh: NVCC

Anh Nguyễn Trọng Hoàng nói: "Trong thời gian bố mẹ và gia đình bị cách ly, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ tận tình của các tình nguyện viên và y, bác sĩ. Nhờ đó, cả gia đình đã may mắn vượt qua và đều khỏe mạnh, vậy thì chẳng có lý do gì lại phải suy nghĩ về việc tiếp tục cùng chung tay hỗ trợ công tác chống dịch của Thành phố, để cùng Thành phố sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường mới".

Gia đình anh Hoàng đang tham gia hỗ trợ tại điểm tiêm vaccine ở Phường 16, quận Gò Vấp với công việc điều phối, đo thân nhiệt, hướng dẫn người dân điền thông tin... khi đi tiêm vaccine. Công việc của các thành viên trong gia đình anh bắt đầu vào 7 giờ 30 phút mỗi sáng và kết thúc vào cuối buổi chiều. Hàng ngày, ngoài việc hỗ trợ công tác chống dịch, các thành viên còn phải sắp xếp công việc gia đình, chăm sóc con cái và tập trung vào việc học trực tuyến...

Trong 4 thành viên của gia đình đi chống dịch thì Quỳnh Như là thành viên duy nhất vẫn còn đi học, vì vậy Quỳnh Như luôn sắp xếp vừa học trực tuyến vừa dành thời gian cùng anh chị đi hỗ trợ địa phương chống dịch.

Chú thích ảnh
Sau khi khỏi bệnh, em Nguyễn Thị Hậu đã tích cực tham hỗ trợ công tác chống dịch tại địa phương. 

"Bản thân trong những ngày gia đình bị cách ly điều trị đã thấy mấy anh chị tình nguyện viên bạn của anh Hoàng mang đồ tới cho gia đình, cũng như thường xuyên gọi điện thoại hỏi thăm, động viên nên khi được anh Hoàng hỏi có tham gia đi tình nguyện không em đã đồng ý ngay không cần suy nghĩ. Bởi khi tham gia hỗ trợ công tác chống dịch, em đã được quen thêm mấy anh chị tình nguyện viên khác, mọi người vui vẻ và hỗ trợ nhiệt tình cho người dân... Đặc biệt, dù công việc rất vất vả nhưng các anh chị không kêu than, nề hà bất cứ việc gì khi người dân cần. Nhờ tham gia tình nguyện mà em học hỏi được rất nhiều thứ như các kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống và biết sống vì mọi người hơn...", Quỳnh Như cho biết. 

Trong khi đó, em Nguyễn Thị Hậu cũng cho biết mình đã từng tham gia các chương trình tình nguyện và hiện tại đang làm công tác sinh viên nên công việc tham gia hỗ trợ cho địa phương trong công tác chống dịch là chuyện rất bình thường. Ngoài ra, với Hậu, việc cho đi là còn mãi vì vậy công việc giúp đỡ mọi người luôn khiến Hậu thấy vui vẻ. "Động lực của mình khi thấy các bác sĩ và các tình nguyện viên khác đã hỗ trợ gia đình và bố mẹ mình rất nhiệt tình nên khi mình khỏe lại thì mình không thể ngồi yên được", em Nguyễn Thị Hậu nói. 

Chú thích ảnh
Trong quá trình đi tình nguyện, anh Nguyễn Trọng Hoàng còn tham mưu cho Ban giám đốc công ty  công ty TNHH bao bì Phúc Thịnh tặng 11.000 ly giấy, tô giấy cho UBND Phường 16, quận Gò Vấp; tặng 10.000 ly giấy, tô giấy cho Quận đoàn 12 và 10.000 ly giấy tô giấy cho Bệnh viện dã chiến Phước Lộc,  huyện Nhà Bè... Trước đó, công ty anh còn tặng các vật phẩm dùng trong công tác chống dịch cho Đoàn thanh niên tỉnh Hải Dương. Ảnh: NVCC

Theo anh Nguyễn Trọng Hoàng, từ trước đến giờ, mỗi khi tham gia các chương trình tình nguyện, anh luôn có một cảm xúc rất đặc biệt, nhưng đây có thể là một mùa hè đáng nhớ đối với bản thân anh cùng các thành viên trong gia đình.

“Mình cảm thấy rất tự hào vì có thể góp 1 phần nhỏ công sức của mình giúp cho TP Hồ Chí Minh thân yêu, nơi nuôi dưỡng và cho mình một gia đình hoàn thiện. Đây cũng là quê hương thứ 2 của mình nên mình sẽ tiếp tục đóng góp sức mình vì cho bình yên của người dân TP Hồ Chí Minh”, anh Nguyễn Trọng Hoàng chia sẻ thêm.

Chú thích ảnh

 

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Du lịch TP Hồ Chí Minh 'tỉnh giấc' - Bài cuối: Kỳ vọng sớm mở rộng
Du lịch TP Hồ Chí Minh 'tỉnh giấc' - Bài cuối: Kỳ vọng sớm mở rộng

Theo các doanh nghiệp, muốn khôi phục ngành du lịch, TP Hồ Chí Minh cần mở rộng từ tour thí điểm đến Cần Giờ, Củ Chi sang các tour liên kết với các tỉnh thành lân cận trong điều kiện có dịch bệnh; đồng thời sớm ban hành bộ tiêu chí an toàn mới trong ngành du lịch để doanh nghiệp dễ thực hiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN