Khôi phục và mở rộng điểm đến
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực làm xanh hóa bản đồ COVID-19 và bắt đầu từ các “vùng xanh” như huyện Cần Giờ, Quận 7 và huyện Củ Chi. Thực tế, số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng và số ca tử vong tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cũng đang giảm dần, được xem là một tín hiệu tích cực để hoạt động du lịch tại TP Hồ Chí Minh sớm khôi phục trở lại.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, hôm nay (19/9), Thành phố đã thí điểm khởi động trở lại ngành du lịch TP Hồ Chí Minh với 2 điểm đến là Cần Giờ và Củ Chi, bởi đây là 2 nơi đang kiểm soát dịch rất tốt và đang sẵn sàng cho việc đón du khách trở lại.
Hai tour du lịch này được thực hiện thí điểm để tri ân đội ngũ tuyến đầu chống dịch tại thành phố và được thiết kế theo dạng “một cung đường khép kín" để đảm bảo yêu cầu phòng dịch nhưng sẽ kết hợp với các hoạt động ngoài trời gắn với yếu tố truyền thống, khai thác văn hóa bản địa.
“Trong quá trình khôi phục và mở cửa dần dần ngành du lịch, TP Hồ Chí Minh cũng xác định lộ trình, giải pháp từng bước đi cùng với kế hoạch phục hồi kinh tế của Thành phố. Việc tổ chức tour sẽ được thực hiện theo quy trình tổ chức du lịch an toàn, mở dần từng điểm đến và các điểm đến này phải nằm trong “vùng xanh” theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nói.
Theo đó, hiện nay, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng xây dựng xong dự thảo 3 giai đoạn khôi phục của ngành du lịch sau ngày 15/9. Cụ thể, giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 16/9 đến 30/10 với tiêu chí an toàn khi yêu cầu nhân viên và khách du lịch đều phải có “thẻ xanh” (đã tiêm 2 mũi vaccine COVID-19). Ở giai đoạn này, ngành du lịch sẽ cho phép loại hình dịch vụ lưu trú hoạt động trở lại trước kèm điều kiện an toàn với dịch bệnh, các loại hình dịch vụ lữ hành, hoạt động tại điểm tham quan du lịch tạm thời chưa đẩy mạnh.
Đối với giai đoạn 2, từ ngày 31/10/2021 đến 15/1/2022, với việc mở cửa các điểm du lịch ngoài trời, tổ chức các tour du lịch khép kín đến nhiều điểm du lịch dành cho du khách có “thẻ xanh”. Đối với giai đoạn sau ngày 15/1/2022, Thành phố sẽ mở cửa hoàn toàn ngành du lịch với các tiêu chí an toàn về dịch được quy định chặt chẽ hơn.
Nói chung, các bước đi khôi phục ngành du lịch TP Hồ Chí Minh sẽ tùy thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh thực tế của Thành phố và ngành du lịch cũng đang xác định tâm lý là "sống chung với dịch trong điều kiện an toàn" để sớm khôi phục lại "ngành công nghiệp không khói" này.
Theo khảo sát, các doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp du lịch rất mong được khôi phục hoạt động trở lại, nhưng không chỉ dừng ở tour thí điểm mà cần mở dần biên độ điểm đến rộng hơn, nghĩa là phải hướng đến phát triển du lịch nội thành và du lịch liên vùng.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông Công ty TST tourist cho biết, hiện doanh nghiệp nào cũng đang chờ cơ hội mở cửa trở lại và mong muốn có biên độ rộng hơn so với tour Cần Giờ, Củ Chi. "Sắp tới, với chiến lược phát triển du lịch bền vững, TP Hồ Chí Minh cần có sự kết nối các địa phương khác xung quanh như Long An, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu… để tạo "vành đai xanh", vừa phát triển tour nội thành vừa phát triển tour liên vùng. Cách làm này sẽ giúp ngành du lịch tạo nên chuỗi liên hoàn cung ứng các sản phẩm du lịch cũng như nhân lực trong ngành để đạt mục tiêu phục hồi mạnh mẽ sau khi kiểm soát dịch bệnh", ông Nguyễn Minh Mẫn cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Mẫn, muốn tạo "vành đai xanh" trong ngành du lịch thì độ phủ vaccine phòng COVID-19 không chỉ dừng lại tại TP Hồ Chí Minh mà còn phải mở rộng ra các tỉnh, thành lân cận. Ngoài ra, mặc dù nhu cầu muốn đi du lịch của người dân đang rất cao nhưng họ vẫn chọn tiêu chí an toàn, vì vậy để thu hút du khách, ngành du lịch cần có những điểm đến an toàn, “vùng xanh”...
"Dù có nhiều góc nhìn khác nhau nhưng các chuyên gia đều có chung quan điểm rằng chúng ta không thể loại hẳn COVID-19 ra khỏi cộng đồng, ít nhất trong thời điểm này và một thời gian nữa.
Trong cuộc chiến với dịch bệnh, tính đến nay TP Hồ Chí Minh đã tương đối đảm bảo các quy định phòng dịch như: mở rộng độ bao phủ vaccine đến mũi 2, có thuốc điều kháng virus, tích cực chăm lo an sinh xã hội, tạo điều kiện để người dân tiếp cận chăm sóc y tế… tốt nhất trong điều kiện có dịch. Vì vậy, đã đến lúc TP Hồ Chí Minh phải tính mức độ giãn cách bảo đảm an toàn, sống trong môi trường có COVID-19 để mở cửa trở lại nền kinh tế với những chiến lược ứng phó phù hợp, trong đó trụ cột nhất vẫn là chiến lược y tế.
Khi chúng ta an toàn đến đâu thì chúng ta mở cửa đến đó để đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân tốt nhất trong điều kiện có dịch bệnh COVID-19", ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh cho biết.
Sớm ban ngành bộ tiêu chí an toàn mới
Là doanh nghiệp đang triển khai các tour du lịch thí điểm đến Cần Giờ, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết, để các tour du lịch có thể sớm khai thác trở lại bình thường, Thành phố cần ban hành bộ tiêu chí an toàn dành cho du lịch mới. Bộ tiêu chí này cần quy định đầy đủ, rõ ràng các yêu cầu đối với doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch... và đặc biệt là những yêu cầu cụ thể đối với du khách như “thẻ xanh”, xét nghiệm COVID-19 âm tính...
“Khi chúng ta có bộ tiêu chí an toàn trong ngành du lịch mới thì không chỉ có tour đi Cần Giờ, Củ Chi được khai thác mà tất cả đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chỉ cần đáp ứng các quy định của bộ tiêu chí mới là có thể triển khai phục vụ khách đi liên vùng, liên tỉnh. Mặt khác, khi chúng ta có bộ tiêu chí an toàn trong ngành du lịch, khi đó tâm lý của khách hàng cũng ổn định hơn, yên tâm hơn khi đồng hành cùng ngành du lịch", ông Nguyễn Hữu Y Yên nói.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Mẫn cũng cho biết, bộ tiêu chí an toàn trong ngành du lịch mới cần có sự thống nhất, cụ thể và áp dụng được trên cả nước để tránh sự chồng chéo, không đồng bộ khi áp dụng tại các tỉnh, thành phố khác. Bởi du lịch là ngành liên kết giữa các tỉnh, thành với nhau, liên kết với các điểm đến và dịch vụ của các tỉnh, thành phố chứ không chỉ phát triển, khôi phục mỗi ngành du lịch TP Hồ Chí Minh.
“Một khi ngành có sự thống nhất về bộ tiêu chí an toàn dành cho lữ hành, lưu trú, điểm tham quan và bộ quy tắc ứng xử, giải quyết các tình huống khi phát hiện F0 trong đoàn hoặc đoàn đi đến "vùng đỏ" vừa phát sinh ở địa phương... khi đó doanh nghiệp sẽ có một “cái sườn” để áp dụng thực hiện khi đầu tư vào việc hồi phục lại ngành du lịch. Hiện nay, nhiều điểm đến như: Nha Trang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Lạt, Ninh Thuận… cũng đang có những động thái kết nối với du lịch các tỉnh, thành an toàn dịch bệnh bằng quy định “thẻ thông hành" - "thẻ xanh COVID-19”. Đây là tín hiệu tích cực để nối lại việc phát triển du lịch nội địa trong thời gian không xa", ông Nguyễn Minh Mẫn cho biết thêm.
Trong khi đó, đại diện Công ty Lữ hành Fiditour - Vietluxtour cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trong thời gian dài thì khó khăn hiện nay của doanh nghiệp lữ hành là phải đáp ứng được yêu cầu du lịch an toàn của khách hàng.
Thực tế, yêu cầu của du khách không chỉ dừng lại ở tham quan, ngắm cảnh mà còn muốn trải nghiệm văn hóa, tính cộng đồng tại điểm đến; muốn được ăn uống, thưởng thức hải sản, mua sắm… tại các điểm đến đó. Vì vậy, muốn các tour du lịch khôi phục trở lại, muốn thu hút, hấp dẫn du khách thì cần có thêm nhiều giải pháp về mở cửa dịch vụ du lịch tại các điểm đến, có thể chọn lọc những nơi "vùng xanh" để mở cửa trở lại cho khách ăn uống, mua sắm, trải nghiệm... với điều kiện tiên quyết là người làm dịch vụ du lịch ở nơi đó phải được tiêm đủ 2 mũi vaccine, xét nghiệm âm tính với COVID-19 và tuân thủ nghiêm quy định 5K để bảo đảm an toàn phòng chống dịch.