Ngày đáng nhớ
"Trong đời tôi có lẽ không bao giờ quên được cái ngày 3/8, khi tôi đi tiêm mũi 2 vaccine phòng COVID-19. Qua test nhanh, tôi đã phát hiện mình bị mắc COVID-19, sau đó kết quả xét nghiệm PCR cũng khẳng định như thế. Tôi được cho về nhà tự cách ly, chờ hướng dẫn của y tế. Việc đầu tiên tôi làm là test nhanh COVID-19 cho cả nhà. Điều tôi lo lắng nhất đã xảy ra khi lần lượt cả bố, vợ và đứa con nhỏ vừa tròn 1 tuổi cũng bị mắc COVID-19. Chỉ riêng đứa con đầu 6 tuổi là có kết quả test nhanh âm tính.
Lúc đầu, cả nhà có chút hoảng loạn, nhất là bố tôi đã 63 tuổi nhưng chưa được tiêm vaccine, lại thêm bệnh lý nền cao huyết áp. Trong khi đó, tôi đã tiêm mũi 1 từ khoảng giữa tháng 6, nhưng thể trạng bị béo phì, vợ thì vừa được tiêm mũi 1 vaccine trước đó hai ngày, lại bị huyết áp thấp. Nói vậy để thấy tình cảnh gia đình tôi lúc đó thực sự là một mớ… bùi nhùi như thế nào”, anh Phan Thanh Long kể lại.
Theo anh Long, lúc gia đình phát hiện mắc COVID-19 cũng là lúc tất cả các bệnh viện đều đang quá tải, nên y tế phường cho cả gia đình cách ly, điều trị tại nhà. Gia đình quyết định cách ly đứa con đầu lòng chưa bị nhiễm vào một phòng riêng. Tuy nhiên, nhìn đứa trẻ mới 6 tuổi chưa biết tự chăm sóc cho bản thân, lủi thủi một mình trong phòng riêng khiến cả nhà bất an, vì vậy cả nhà buộc phải để con sinh hoạt cùng nhưng luôn lưu ý để đảm bảo an toàn cho con. Thế nhưng, do bé ủ bệnh lâu hơn nên đến hôm sau thì đã bắt đầu có triệu chứng mắc COVID-19.
Trước tình cảnh gia đình đang có tâm lý hỗn loạn, anh Long đành tự trấn an mình rằng không được hoang mang lúc này, bởi cả gia đình đang trông chờ vào mình để sắp xếp, xử lý mọi việc đang rối bời. May mắn, anh Long có quen được một số bác sỹ đang trực tiếp điều trị cho bệnh nhân COVID-19, nhờ sự hướng dẫn và đồng hành của bác sĩ này mà trong suốt thời gian điều trị, cả gia đình anh Long đều cảm thấy yên tâm. Anh Long nói: "Đội ngũ y, bác sĩ là một điểm tựa rất lớn giúp cả gia đình tôi vững tâm hơn để chiến thắng COVID-19".
Theo anh Long, dù đã chuẩn bị trước tâm lý sẵn sàng đối phó với các triệu chứng có thể xảy ra khi bị mắc COVID-19, thế nhưng những gì trải qua sau đó, đến giờ khi anh Long nhớ lại vẫn còn cảm giác rất khủng khiếp. "Nếu như hai đứa trẻ dễ dàng vượt qua COVID-19 với một vài triệu chứng nhẹ như sốt, tiêu chảy và nổi mề đay một vài ngày rồi khỏi bệnh thì 3 người lớn trong nhà phải trải qua một “cuộc chiến” thực sự", anh Long nói.
Lúc đầu, anh Long chỉ có cảm giác như dầm mưa bị cảm lạnh, người bừng bừng chớn lạnh rồi đau họng, sổ mũi và ho. Sau đó, anh và mọi người lớn trong nhà bắt đầu sốt và mất cả khứu giác lẫn vị giác. Những cơn sốt cứ lặp đi lặp lại liên tục, cộng với việc bị tiêu chảy khiến ai cũng mệt rã rời. Giai đoạn khủng khiếp nhất là từ ngày thứ năm đến ngày thứ tám, cả nhà ai cũng sốt cao, không thể đi lại được và khi đó chỉ muốn nằm nghỉ ngơi.
Không để chỉ số SpO2 dưới 94%
Theo hướng dẫn của bác sĩ, ở giai đoạn sốt cao, người mắc COVID-19 không nên nằm ngủ nhiều mà cần vận động nhẹ nhàng cho cơ thể hoạt động bình thường, giúp nhanh lướt qua các triệu trứng. Đặc biệt, khi đó, mọi người trong nhà phải thay phiên nhau giám sát chặt lượng oxy trong máu (chỉ số SpO2), nếu dưới 94% phải báo gấp cho ngành y tế hỗ trợ.
May mắn sau 8 ngày, chỉ số SpO2 của hai vợ chồng anh Long không bị tụt dưới 94%. Sang ngày thứ 9, các triệu chứng bắt đầu giảm và sức khỏe hồi phục dần. Đến ngày thứ 12, cả hai vợ chồng thấy khỏe và vui mừng khi kết quả test nhanh đã âm tính.
"Tuy nhiên, đối với bố tôi, vì lớn tuổi lại có bệnh nền cao huyết áp thì đó thực sự là một "cuộc chiến". Khi cả nhà cùng đang sốt cao thì mình bố tôi có chỉ số SpO2 tụt xuống 92-93%, ngày thứ năm, bắt đầu thấy nặng nề và khó thở. Theo hướng dẫn của bác sĩ, tôi chỉ cho ông thở oxy ngắt quãng kết hợp với nằm sấp để cải thiện lượng oxy trong máu. Sang ngày thứ sáu, lượng oxy trong máu của bố bị tụt nhiều hơn nên phải duy trì thở oxy liên tục, những cơn sốt cũng liên tục hành hạ, chỉ số SpO2 không ngừng “nhảy múa” khiến tôi rất lo sợ", anh Long nhớ lại.
Anh Long cho biết, khoảng thời gian đó thật khủng khiếp mà đến nay, mỗi khi nghe tiếng kêu “bíp bíp” của máy SpO2 báo động tụt oxy trong máu, anh vẫn còn thấy ám ảnh. Theo các bác sĩ, chỉ số SpO2 cực kỳ quan trọng đối với người bị mắc COVID-19 nên anh phải ngày đêm theo dõi, giám sát chặt chẽ chỉ số này của bố. Các bác sĩ khuyến cáo mỗi ngày đo 4 lần nhưng nhà đang có sẵn máy SpO2 nên cứ 30 phút anh lại đo một lần cho bố để có biện pháp xử lý kịp thời. Vì vậy, mỗi khi phát hiện SpO2 bị tụt, anh lại cho bố nằm sấp kết hợp vỗ nhẹ sau lưng để ông cảm thấy thoải mái hơn. Tuy nhiên, có những đêm, cả hai bố con thức trắng vì ông vừa nằm một lúc thì SpO2 bị tụt, có lúc xuống mức 76%.
"Lúc đó tôi rất sợ, sợ ông sẽ chuyển nặng. Tuy nhiên, sau nhiều này kiên trì tập thở kết hợp các biện pháp trên mà bố tôi đã kéo được chỉ số SpO2 lên mức an toàn (trên 95%), nhịp thở cũng trong ngưỡng bình thường, khi đó cả hai bố con mới thở phèo nhẹ nhõm", anh Long cho biết.
Theo anh Long, đối với bệnh nhân COVID-19, việc tuân thủ phác đồ điều trị của các bác sỹ, kết hợp với kinh nghiệm dân gian như: xông hơi với chanh sả, uống nước cam, nước dừa tươi đun sôi với đường phèn, ăn tỏi… đã giúp sức khỏe của cả nhà cải thiện rất tốt trong suốt thời gian chiến đấu với COVID-19. Nhưng quan trọng nhất, cả gia đình đã luôn giữ được sự bình tĩnh và một tinh thần “chiến binh” kể cả trong những lúc ngặt nghèo nhất khi đứng giữa làn ranh của sự nguy hiểm.
"Trong cuộc chiến với COVID-19, tôi rất khâm phục bố mình khi ông là người bị nặng nhất nhưng ông vẫn luôn giữ vững tinh thần lạc quan, vui vẻ để động viên và làm chỗ dựa tinh thần cho cả nhà phấn đấu vượt qua COVID-19. Những lúc mệt mỏi, tưởng không thể gắng gượng được, bố tôi vẫn ráng húp từng chén súp, hộp sữa để có sức chiến đấu cùng với gia đình. Nhờ đó, từ ngày thứ 10 trở đi, sức khỏe ông bắt đầu hồi phục và nhanh chóng vượt qua được cột mốc 14 ngày", anh Long nhớ lại.
Sang ngày thứ 15, sức khỏe của bố anh Long đã hồi phục thấy rõ, cả nhà vui mừng nghĩ đến chiến thắng rất gần thì bất ngờ đến trưa cùng ngày, bố anh than cánh tay bị đau nhức rồi trắng bệt như thiếu máu. "Ngay lập tức, tôi báo tình trạng cho bác sỹ điều trị và được nhận định bị huyết khối làm tắc mạch máu cánh tay, phải nhập viện gấp. Khi đến Bệnh viện Chợ Rẫy, cánh tay bố tôi đã bắt đầu tím tái, nhưng nhờ được phát hiện và cấp cứu kịp thời nên bố đã vượt được giai đoạn nguy hiểm này và kiên cường chiến thắng được “tử thần” COVID-19. Theo các bác sĩ, với những bệnh nhân COVID-19, huyết khối là một trong những diễn tiến bệnh ít gặp nhưng đáng sợ nhất vì nó có thể dẫn đến tử vong", anh Long nói tiếp.
Sau khi trải qua những ngày tháng kiên trì chiến đấu với dịch bệnh, đặc biệt là chứng kiến bố mình kiên cường vượt qua dịch bệnh đã khiến anh Long cảm thấy mình rất may mắn, khi ngoài kia vẫn có hàng ngàn người không thể qua khỏi khi bị mắc COVID-19. Anh Long tâm sự: "Gia đình tôi rất cảm ơn các y, bác sĩ đã nhiều lần tư vấn, cấp cứu kịp thời để giúp chúng tôi tự tin bước qua làn ranh của "tử thần" COVID-19".
Sau khi khỏi bệnh, anh Long cũng đã tình nguyện gia nhập nhóm tình nguyện viên hỗ trợ các F0 khác đang cách ly tại nhà. Theo đó, anh Long đã giúp tư vấn cho các F0 khi cần, anh còn nhiệt tình hỗ trợ máy thở, máy đo SpO2, thuốc điều trị... Bởi với kinh nghiệm thực tế từ bản thân và gia đình mình, anh Long cũng muốn nhiều người mắc COVID-19 nhanh chóng vượt qua bệnh tật và sớm trở lại cuộc sống bình thường mới.
Bài cuối: Khỏi bệnh, tình nguyện đi chống dịch