Mưu sinh ở vỉa hè qua ống kính

Nhiều năm nay, vỉa hè đã mang đến bát cơm, manh áo cho biết bao gia đình và khi họ phải trả lại “khoảnh đất” từng nuôi sống gia đình mình là một điều hoàn toàn không hề đơn giản.

Báo Tin Tức gửi tới đọc giả một câu chuyện bằng ảnh về đôi vợ chồng già mưu sinh ở vỉa hè đường Chu Mạnh Trinh (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh). Câu chuyện xoay quanh cuộc sống mưu sinh của họ sau khi bị thu hồi phần lấn chiếm vỉa hè và điều đọng lại chính là những nỗi niềm và hi vọng đằng sau việc lập lại trật tự đô thị của chính quyền Thành phố đang diễn ra quyết liệt trong thời gian qua.

Khoảng hai tuần qua, khi mặt trời vừa ló dạng, bà H.T.K.K. (66 tuổi) xin gửi những bịch trái cây như: quít, thanh long, dưa hấu, ổi… là những món hàng kinh doanh của vợ chồng bà từ nhiều năm qua, tại một vài cửa hàng bán thức ăn nóng dọc tuyến đường Chu Mạnh Trinh. Bà bùi ngùi nói: “Kể từ khi bị tháo dỡ phần công trình lấn chiếm vỉa hè để buôn bán trái cây trước ngôi nhà số 14/1D Chu Mạnh Trinh, vợ chồng tôi chấp hành chủ trương của nhà nước, không dám bày bán lấn chiếm vỉa hè nữa nên xin mấy hộ kinh doanh ở đây cho gửi nhờ trái cây”.

Được biết, vợ chồng bà kinh doanh trái cây từ năm 2000 và có khá nhiều mối quen. Buổi sáng chúng tôi có mặt, bà K. đang loay hoay soạn mớ trái cây theo đơn đặt hàng cho khách trong không gian chật chội của cửa hàng thức ăn nóng.

Theo lời bà K., vợ chồng bà phải dậy từ 3 giờ sáng để đến chợ đầu mối nông sản, chọn những trái cây tươi ngon và đặc biệt là mua tận điểm bán sỉ để có được giá rẻ. “Lúc chưa tháo dỡ phần lấn chiếm, trái cây tôi mua nhiều lắm. Nay chỉ mua mỗi loại một ít, phần vì ít khách, phần vì các cửa hàng bán thức ăn nóng cũng chật hẹp. Họ cho mình để nhờ là may lắm rồi”, bà chia sẻ thêm.

Cũng theo lời bà, dù không còn địa điểm bày bán trái cây và tình hình kinh doanh giảm sút, sức bán chỉ đạt khoảng 25% so với trước đây vì mất nguồn khách hàng mua lẻ, vãng lai, nhưng may mắn là vẫn còn một lượng khách quen ở quán karaoke, nhà hàng thường xuyên đặt hàng nên việc buôn bán vẫn tiếp tục duy trì. Sau khi soạn hàng xong, chồng bà sẽ đưa ra xe máy và vận chuyển đến tận nơi cho khách.

Ông Đ.V.Đ. (72 tuổi), người bạn đời của bà K., kể rằng quê ông ở Nam Định, đi bộ đội từ năm 1969 cho đến khi đất nước hoàn toàn thống nhất thì giải ngũ và gặp bà nên duyên vợ chồng. Tuy nhiên, hai vợ chồng không có con cái vì ông nhiễm chất độc màu da cam trong chiến tranh. Hiện hai ông bà đang sống trong một căn phòng nhỏ ở đường Hà Tôn Quyền (quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh).

Phía yên sau chiếc xe gắn máy, ông Đ. đặt khay nhựa được lót giấy cẩn thận và cột thêm một ống nhựa thẳng đứng để luồn miệng bao trái cây, tránh tình trạng trái cây rơi xuống đường trong lúc vận chuyển. Ông cho biết, những trái có vỏ cứng thì được để ở dưới, những trái vỏ mềm, dễ dập vỡ thì để phía trên.

Ông Đ. kể thêm: Trung bình mỗi ngày vợ chồng ông có khoảng từ 3 – 4 mối khách quen đặt hàng với số lượng vài ký/khách. “Tính ra vợ chồng tôi kinh doanh trái cây ở đây cũng đã 17 năm. Ngoài khách mua số lượng lớn thì cũng có khách quen mua lẻ. Thường thì chỉ giao hàng cho mối lớn đến buổi trưa là xong. Thời gian còn lại, vợ chồng tôi đứng ngoài đường, khi nào có khách quen biết mình mua hàng thì vào soạn trái cây cho họ”, ông nói.

Sau khi giao hàng cho khách, vợ chồng ông lại “đứng, ngồi” ngay trước căn nhà số 14/1D trên con đường Chu Mạnh Trinh. Sau lưng là đống gạch đá vỡ vụn còn nằm ngổn ngang trên vỉa hè, ông ngồi trên trên chiếc ghế nhựa nhỏ và cho chúng tôi xem bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể do UBND quận 1 cấp từ năm 2000 của vợ chồng ông tại địa điểm kinh doanh là số nhà nói trên.

Theo lời ông, căn nhà số 14/1D được người chủ cho mượn một phần công trình tính từ mép cửa sắt lấn ra phần vỉa hè khoảng hơn 1 mét để kinh doanh từ năm 2000. Tuy nhiên nhiều năm trước, người chủ này đã trả nhà lại cho nhà nước, cụ thể là bệnh viện Nhi Đồng 2 quản lý và sau đó tiếp tục trải qua nhiều biến động về cư ngụ nhưng vợ chồng ông vẫn buôn bán tại địa điểm này cho đến khi phần lấn chiếm này bị tháo dỡ cách đây khoảng 2 tuần.

Suốt những ngày qua, đôi vợ chồng già lo lắng không biết công việc kinh doanh sắp tới đây sẽ ra sao, nhưng vẫn nhen nhóm hi vọng khi biết được đề án mà UBND quận 1 đã đề xuất Thành phố cho được tổ chức phố hàng rong tại ba khu vực. Trong đó, tuyến đường Chu Mạnh Trinh dài 140m được bố trí khoảng 35 hộ. “Nghe được thông tin này, vợ chồng tôi mừng lắm vì sau khi chấn chỉnh lại trật tự vỉa hè, chính quyền Thành phố tổ chức cuộc sống mưu sinh cho những người dân như chúng tôi. Vợ chồng tôi chỉ có một nguyện vọng là mong Thành phố sớm triển khai để ổn định cuộc sống”, ông Đ. xúc động.

Đó không chỉ là mong muốn của chỉ riêng vợ chồng ông Đ. mà cũng còn là nguyện vọng của nhiều hộ kinh doanh tại đây. Bởi kể từ khi đập bỏ bậc tam cấp lấn chiếm vỉa hè, nhiều hộ bị ảnh hưởng đến sinh hoạt và kinh doanh. Hiện những hộ dân này tự làm những bậc tam cấp bằng gỗ, thang gỗ, thậm chí để ghế gỗ chồng lên nhau để lên xuống nhà, vì vỉa hè thấp hơn nền nhà, có nơi gần 1 mét.

Dưới ánh nắng sớm mai, hình ảnh ông Đ. xa dần trên chiếc xe gắn máy, phía sau là khay đựng trái cây nặng trĩu như những nỗi niềm và hi vọng của ông về cuộc sống mưu sinh. Bỗng chúng tôi chợt nhớ đến câu nói của Bí Thư Thành uỷ Đinh La Thăng: “Người dân buôn bán ở lòng đường, vỉa hè ngoài chuyện mưu sinh, họ cũng có những đóng góp cho sự phát triển của Thành phố. Chúng ta phải thấy được điều đó, một mặt làm quyết liệt, một mặt phải đảm bảo tính nhân văn, thấu tình đạt lý, tạo sự đồng thuận của người dân. Phải kết hợp giữa siết chặt kỷ cương với việc tạo công ăn việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho những người trả lại lòng đường, vỉa hè. Đây là trách nhiệm của chúng ta phải lo cho dân có cuộc sống tốt hơn, an toàn hơn, góp phần đưa Thành phố phát triển…”.


Anh Đức/Báo Tin Tức
Làm rõ chặt cây phản cảm 'đòi' vỉa hè ở Hà Nội
Làm rõ chặt cây phản cảm 'đòi' vỉa hè ở Hà Nội

Liên quan đến việc chặt cây xanh hai bên đường liên thôn Yên Lỗ, Cẩm Đào, Kinh Dạ tại huyện Thạch Thất - Hà Nội, UBND huyện Thạch Thất đã đề nghị xã Cẩm Yên báo cáo về mục đích và lý do ngay trong ngày 23/3.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN