16 giờ chiều, kết thúc 3 ca học trong ngày, Hải Anh, cô gái trẻ với mái tóc đen, dài truyền thống, tay cầm chắc chiếc điện thoại gắn tai nghe (sử dụng phần mềm đọc âm thanh khi có tin nhắn) vẫn tràn đầy năng lượng. Những ý tưởng cho bài tập giữa kỳ học liên tục được cô đưa ra thảo luận với bạn cùng lớp… “Chúng tôi vẫn cùng nhau đi tác nghiệp, viết bài, gửi cộng tác… Dù hai mắt không nhìn được, nhưng thính giác của tôi nhạy bén, cộng sự của tôi chính là đôi mắt của tôi…”, Hải Anh nói.
Đôi mắt không có ánh sáng, nên ngay từ nhỏ Hải Anh đã nỗ lực lắng nghe, cảm nhận thế giới bằng các giác quan còn lại, bằng trái tim… Nỗ lực vượt lên chính mình, trong những năm đầu đời, hàng loạt âm thanh không ngừng văng vẳng bên tai cô gái nhỏ. Cô không biết những thái độ, cảm xúc đó, không hiểu những âm thanh ồn ào lặp lại… Cô hò reo, rạng rỡ, nắm chặt tay mẹ cùng rong ruổi khắp nơi và hào hứng, đầy mong chờ khi mẹ thủ thỉ: “Ngày mai chúng ta sẽ đến lớp mới, có bạn, có thầy cô, con sẽ được học chữ, học nhạc, học vẽ… Khi trưởng thành tôi dần hiểu rằng, để nói những lời đó, không ít lần mẹ gạt đi nước mắt, cất giấu nỗi buồn để cùng tôi tiến về phía trước…”, cổ họng Hải Anh nghẹn lại, nước mắt chỉ chực ứa ra.
Khi không một cánh cửa trường học nào mở ra vì con, mẹ sẽ là người làm điều đó… Khi vạn vật vẫn đang say giấc, những điều hy vọng về ngày mai dường như còn xa vời… một người mẹ đã cặm cụi dậy sớm, học chữ nổi Braille để dạy lại cho cô con gái khiếm thị những con chữ… Đó là những cảm nhận, cảm xúc của Hải Anh về mẹ, người hùng trong lòng cô. Cô gái trẻ cũng từng khắc hoạ lại câu chuyện này tại cuộc thi viết thư quốc tế UPU năm 2019, giải thưởng danh giá tại cuộc thi cũng giúp cô gái trẻ có “tấm vé tuyển thẳng” vào ngôi trường đại học hiện tại.
Mười ba tuổi, lần đầu được nhận vào học tại Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (TP Hà Nội), cũng là lần đầu tiên cô bé khiếm thị Hải Anh sống xa nhà. Niềm vui được đến trường ngắn ngủi; nỗi lo chi phí học tập, sinh hoạt đè nặng lên gia đình Hải Anh. Bố mẹ Hải Anh làm công nhân may, sức khỏe yếu, anh trai thì mắc bệnh tuyến giáp…. Đó là quãng thời gian đầy thử thách với cô gái nhỏ, ban ngày nỗ lực lên lớp, học tập; tối về làm thêm công việc xoa bóp, bấm huyệt, gỡ băng cho các trung tâm nghiên cứu vì không muốn trở thành “gánh nặng” cho gia đình.
“Thiếu thốn vật chất, nhưng đổi lại, luôn có tình yêu thương của mẹ. Mẹ luôn lấy hình ảnh hạt gạo trong bài thơ ‘Nghe tiếng giã gạo’ (Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh) để cổ vũ, động viên tôi. Mẹ nói, để có một hạt gạo thơm, trắng, tròn… cho chúng ta những bữa cơm ngon, hạt gạo cũng trải qua muôn vàn thử thách: Xay, giã, dần, sàng… rất đau đớn. Thử thách, “bóng tối” đang đối mặt sẽ tôi luyện con trở thành một người sống đẹp, sống có ích, ngày càng tỏa sáng…”, Hải Anh cười rạng rỡ, tự hào nhắc về lời dạy của mẹ.
Tại trường THCS Nguyễn Đình Chiểu và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hải Anh luôn cố gắng học tập, trang bị nhiều kỹ năng. Bởi cô hiểu rằng khi nỗ lực học tập tốt, bên cạnh việc có được những “tấm vé tốt” cho tương lai, cũng cần trau dồi kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm… để hiện thực hóa giấc mơ trở thành chuyên viên truyền thông tại các cơ quan, doanh…
Mỗi khi về quê, Hải Anh lại “lăn vào bếp”, nấu những mâm cơm đủ các món như: Canh, rau luộc, rau xào, trứng rán… chờ bố mẹ đi làm về cùng quây quần bên nhau. Đôi khi, cô bạn cũng cùng mẹ vào bếp làm những món phức tạp hơn như: Món hầm, nem, bún chả… Từ những món ăn, bữa ăn đầu tiên còn nhiều thiếu sót… Hải Anh lấy đó làm động lực để nấu ngon hơn trong những lần tiếp theo.
Đam mê các dự án cộng đồng
“Tớ rất muốn làm một dự án dạy nấu ăn cho các bạn khiếm thị? Cậu thấy sao?”
Từ những câu nói tâm sự với bạn cùng lớp, Hải Anh bất ngờ khi dự án dạy nấu ăn cho học sinh khuyết tật đã được hiện thực hóa. Được sự tài trợ của Quỹ Abilis (Phần Lan) dự án dạy nấu ăn cho người khiếm thị đã trang bị nhiều kỹ năng cho 30 bạn học sinh cùng hoàn cảnh. Sau khi tốt nghiệp dự án, các bạn học sinh cũng tự tin tranh tài tại cuộc thi nấu ăn dành cho người khuyết tật…
Hải Anh hạnh phúc chia sẻ niềm vui khi nhiều học sinh tham gia dự án có những phản hồi tích cực: “Nhờ dự án nấu ăn của Hải Anh mà trong các buổi giỗ chạp của gia đình, tôi có thể phụ giúp mọi người nhặt rau, rửa rau, rán đậu, rán trứng… thay vì ngồi chờ mọi người dẫn vào mâm… Tôi cảm thấy bản thân có ích, có giá trị hơn.”
Đặc biệt, Hải Anh còn là người đồng sáng lập và quản lý điều phối của dự án hành chính công trực tuyến. “Dự án ra đời với mục tiêu giúp người khuyết tật, đặc biệt là người khiếm thị có thể tiếp cận và sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến một cách thuận tiện, độc lập. Dự án không chỉ đóng góp vào việc cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật mà còn hỗ trợ mục tiêu chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030, giúp họ tự tin sử dụng các dịch vụ hành chính trực tuyến, thu hẹp khoảng cách giữa người khuyết tật và xã hội, giúp họ hòa nhập một cách toàn diện hơn trong kỷ nguyên số”, Hải Anh chia sẻ.
Cùng học tại trường với Hải Anh, Trần Văn Dũng (24 tuổi, quê ở Bắc Ninh) chia sẻ: “Tôi được truyền nhiều cảm hứng từ Hải Anh, tôi tích cực tham gia nhiều hoạt động, dự án vì cộng đồng. Thời gian qua tôi cũng thử sức làm tại ban truyền thông của các câu lạc bộ, các giải đá bóng của trường, học sáng tạo nội dung trên mạng xã hội…. Tôi cũng học hỏi được sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, không chùn bước trước khó khăn, thử thách…từ người bạn này.”
Hiện tại, với vai trò Phó Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam và Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ Hoa đá nhân văn (Câu lạc bộ dành cho sinh viên khuyết tật phát triển bản thân), Hải Anh luôn nỗ lực hết mình, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động hay một chuỗi các lớp học kỹ năng như: Kỹ năng thuyết trình, tổ chức dự án, kỹ năng tự tin trước đám đông… cho các sinh viên khuyết tật, những sinh viên từ vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số mới ra Hà Nội học tập… để họ có thể bắt nhịp, làm quen với môi trường nhanh chóng hơn.
Ngoài việc tổ chức các dự án xã hội, Hải Anh còn nhiệt tình tham gia các cuộc thi truyền cảm hứng tới cộng đồng và được vinh danh ở nhiều giải thưởng như: Tấm gương người lao động tốt trong phong trào tự học thành tài năm 2023 (Hội Khuyến học Việt Nam); Giải Đại sứ Văn hóa đọc Thủ đô năm 2019, giải đặc biệt cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 48; Bằng khen Thanh niên khuyết tật tiêu biểu trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022 (Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam).... Bên cạnh đó, Hải Anh cũng tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ với vai trò là người dẫn chương trình, biểu diễn các loại nhạc cụ, đàn nhị đàn tranh khi các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam.
“Dịp Tết Ất Tỵ 2025, chúng tôi sẽ đến những vùng sâu, vùng xa để thực hiện các hoạt động vì cộng đồng… đặc biệt các hoạt động này được tổ chức bởi chính các sinh viên khuyết tật… Mặc dù chúng tôi sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng mỗi chúng tôi đều mong muốn có thể đóng góp sức nhỏ bé của mình, lan tỏa nguồn năng lượng tích cực, xây dựng một xã hội hòa nhập, bình đẳng, một xã hội tràn ngập sự sẻ chia, tình yêu thương…”, Hải Anh trải lòng.