Quyết liệt chống hàng nhái, hàng giả- Bài 1

Gần đến Tết, cùng với nhu cầu mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng tăng cao thì hàng giả, hàng nhái cũng có thêm “đất sống”. Với các chiêu thức ngày càng tinh vi, hàng giả dễ dàng qua mắt người tiêu dùng, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của doanh nghiệp làm ăn chân chính và quyền lợi của người tiêu dùng.

Từ chợ dân sinh đến các cửa hàng, siêu thị, các cơ quan chức năng đều đã phát hiện ra tình trạng lưu hành hàng giả, hàng nhái. Người tiêu dùng hoặc vì chủ quan, hoặc vì ham rẻ mà sa chân vào ma trận hàng giả giăng giăng mọi lúc mọi nơi.

Mới tung hàng ra đã bị làm nhái

Ghi nhận của phóng viên tại TP Hồ Chí Minh, hàng giả, hàng nhái tập trung nhiều tại các chợ trung tâm, chợ bán buôn như: Bến Thành, An Đông, Kim Biên, Bình Tây, Tân Bình và một số trung tâm thương mại. Trong đó, các mặt hàng may mặc, tiêu dùng hoặc đồ da, giả da như: giày dép, va li, ba lô du lịch, túi xách thời trang… là các mặt hàng bị làm giả nhiều nhất. Phương thức làm hàng giả, hàng nhái phổ biến là một số đối tượng tự sản xuất hàng hoặc mua thành phẩm trôi nổi có giá rẻ, sau đó dán nhãn của các thương hiệu uy tín vào để đưa đi tiêu thụ. Hàng giả cũng có thể được sản xuất từ Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam dưới dạng thành phẩm hoặc vận chuyển linh kiện, phụ kiện, bao bì rồi lắp ráp và sau đó gắn mác của các thương hiệu nổi tiếng.

Cảnh sát niêm phong số hàng công tơ điện giả tại Công ty TNHH đầu tư và kinh doanh thương mại Hoàng Lan (Hoàng Mai, Hà Nội). Đây là công tơ điện loại 1 pha và 3 pha giả nhãn hiệu GELEX (được bảo hộ cho chủ sở hữu là Tổng Công ty cổ phần thiết bị điện Việt Nam). Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Điều đáng lo ngại là hầu hết các mặt hàng giả là thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng, thuốc men có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Thủ đoạn sản xuất hàng giả phổ biến hiện nay là sử dụng các nguyên liệu rẻ tiền pha trộn với hàng thật (đối với mặt hàng bột ngọt, phân bón). Đối với mặt hàng rượu, bia thì các đối tượng sử dụng vỏ chai, nắp còn nguyên nhãn hàng hoá.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh lo lắng: “Thời gian xuất hiện hàng giả, hàng nhái hiện nay nhanh hơn trước rất nhiều. Nếu trước đây, sau khi doanh nghiệp cho ra đời sản phẩm mới phải trên nửa năm thì mới có hàng giả, hàng nhái thì hiện nay, chỉ khoảng nửa tháng là hàng giả, hàng nhái đã xuất hiện trên thị trường”.

Trao đổi với phóng viên Tin Tức, đại diện công ty May Việt Tiến cũng cho biết, các sản phẩm của công ty, đặc biệt là áo sơ mi, vừa mới “ra lò” thì chỉ vài tuần sau là trên thị trường đã có sản phẩm nhái với giá thành chỉ bằng 1/3 - 1/4 giá hàng chính hãng. Nhiều người tiêu dùng mặc dù biết đó là hàng nhái nhưng do giá rẻ nên vẫn mua bởi sự khác biệt giữa hàng giả - hàng thật không nhiều.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, hàng giả sản xuất trong nước thường được làm giả về nhãn hiệu, kiểu dáng tương tự, giống hệt thật, hoặc sản xuất hàng giả dùng mác thật có cả chỉ dẫn địa lý. Đáng lo ngại là tốc độ công nghiệp hóa quá nhanh nên nhiều nông dân mất đất hoặc thời gian nông nhàn nhiều hơn. Từ đó bọn đầu nậu, thương lái đến lôi kéo họ đi làm hàng nhái, hàng giả. Ví dụ như nghề sản xuất tròng kính và mắt kính giả ở Thái Bình với các nhãn hiệu nổi tiếng như Rayban, Gucci, Pilot… Ngay ở một số xã ở ngoại thành Hà Nội cũng có tổ chức sản xuất bánh kẹo dán các nhãn hiệu Bảo Ngọc, Hải Hà, Kinh Đô… và hàng may mặc giả các nhãn hiệu May 10, Thành Công, Nhà Bè…

Càng sính ngoại càng dễ mắc bẫy

Chị Nguyễn Huyền Trang (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ kỉ niệm nhớ đời của mình khi mua chiếc áo khoác lông vũ siêu nhẹ tại một cửa hàng “Việt Nam xuất khẩu” trên phố Phan Chu Trinh. Chiếc áo được gắn mác UniQlo, một thương hiệu thời trang nổi tiếng của Nhật Bản được nhiều người Việt Nam ưa chuộng, thương hiệu này cũng đặt may các nhà máy tại Việt Nam sản xuất hàng xuất đi các nước.

“Chiếc áo tôi mua chỉ có giá hơn 500.000 đồng trong khi chiếc áo tương tự nếu đặt mua tại Nhật có giá hơn 1 triệu đồng. Tin lời chủ cửa hàng nói đây là xuất dư xịn và nhìn chiếc áo không thấy khác gì so với áo mua tại thị trường Nhật Bản nên quyết định mua. Nhưng chỉ dùng được vài lần là lông ở trong áo đã xô lệch lộn xộn, khóa áo cũng hỏng nhanh chóng chứ không giữ được phom áo và chất lượng như hàng tôi đặt mua từ nước ngoài”, chị Trang bức xúc cho biết.

Ông Trần Hùng, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại nhận định, trước đây, trong nước chỉ hàng nội mới bị làm giả. Còn bây giờ, đánh vào tâm lý sính hàng ngoại của người dân, hàng ngoại cũng bị “trá hình” bằng cách sản xuất ngay trong nội địa. Hiện nay, nhiều thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài như giày Nike, đồng hồ Thụy Sỹ, áo thun Lacoste, mỹ phẩm Shiseido, Chanel… đều đã bị phát hiện có hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam.

Một báo cáo của C15 Bộ Công an cho biết, hàng giả những nhãn hiệu nổi tiếng thường được sản xuất ở nước ngoài, sau đó nhập khẩu vào thị trường Việt Nam bằng cả đường tiểu ngạch và chính ngạch. Thủ đoạn để nhập hàng giả theo đường chính ngạch là đặt làm hàng giả nước ngoài, sau đó thay bằng nhãn mác khác, về thị trường Việt Nam mới bỏ nhãn mác đó đi và thay bằng nhãn mác nổi tiếng. Đáng chú ý là hàng giả của Trung Quốc, hầu như trong lĩnh vực nào, trong tất cả các chủng loại hàng hóa từ cao cấp đến rẻ tiền, Trung Quốc đều làm nhái được với mẫu mã, hình thức giống y hàng thật. Với hàng giả sản xuất tại nước ngoài, phần lớn đều là những loại hàng trong nước không sản xuất được hoặc muốn sản xuất phải mất chi phí cao như hàng điện tử, điện lạnh, phụ tùng ô tô, thiết bị viễn thông.

“Sáu tỉnh biên giới phía Bắc, đặc biệt Lạng Sơn và Quảng Ninh, là điểm nóng của hàng giả, hàng nhái thương hiệu nước ngoài tràn vào nội địa. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là các địa bàn tiêu thụ mạnh loại hàng giả này bởi người tiêu dùng có thu nhập cao và sính ngoại”, ông Hùng cho biết thêm.

Mới đây, Bộ Khoa học - Công nghệ đã tổ chức tiêu hủy các sản phẩm nhái thương hiệu thời trang Charles and Keith thu giữ được tại Hà Nội. Nhìn bề ngoài những chiếc túi xách hay ví bị thu giữ, bản thân lực lượng chuyên trách cũng phải thừa nhận rất khó phân biệt hàng thật, hàng giả bởi công nghệ làm giả quá tinh vi.


Hoàng Dương - Hoàng Tuyết
Siết chặt quản lý, ngăn chặn hàng giả
Siết chặt quản lý, ngăn chặn hàng giả

Thời điểm cuối năm, mức tiêu thụ hàng hóa tăng mạnh để phục vụ cho dịp Noel, dịp Tết... Đây cũng là cơ hội cho các đối tượng sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng lậu tăng cường hoạt động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN