Doanh nghiệp "tự chống"
Hiện nay, có rất nhiều cơ quan chức năng tham gia công tác chống hàng giả, hàng nhái (Biên phòng, Công thương, Y tế, Nông nghiệp, Hải quan, Cảnh sát điều tra, UBND phường – xã – thị trấn) nhưng các lực lượng này thường xuyên than rằng tình trạng hàng giả vẫn diễn biến phức tạp và tinh vi nên khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý. Thậm chí, khi đụng chuyện, cơ quan này đổ lỗi cơ quan kia. Vì vậy, công tác chống hàng giả đạt hiệu quả chưa cao khiến hàng gian, hàng giả vẫn tràn lan ngoài thị trường.
Để chống lại vấn nạn hàng giả, hàng gian, nhiều DN cũng đã phối hợp tích cực với các cơ quan chức năng, tuy nhiên DN nhận thấy hiệu quả không cao cho nên họ đành phải tự mình "bảo vệ mình". Bà Lâm Thị Thanh Thủy, đại diện Công ty TNHH Hóa Nông Hợp Trí, cho biết công ty đã phát hiện phân bón lá giả nhãn hiệu công ty tại địa bàn tỉnh Long An, Tiền Giang nhưng khi kiến nghị với cơ quan chức năng thì các đơn vị lại lấy lý do vì số lượng hàng giả quá ít, cần theo dõi với số lượng lớn nhằm xử lý tận gốc. Kết quả, đến thời điểm này công ty vẫn "tự chống" trong công tác này.
Hàng giả, hàng nhái ngày càng nhiều khiến doanh nghiệp phải tự chống. |
Đồng quan điểm với Công ty TNHH Hóa Nông Hợp Trí, ông Nguyễn Ngọc Tí, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn, cho hay số lượng nón Sơn bị làm giả hiện nay ngày càng nhiều, trong khi đó công tác phối hợp chống hàng giả lại không hiệu quả.Vì vậy, đơn vị quyết định lên kế hoạch “đơn thân, độc mã” chống hàng giả. "Chúng tôi sẽ tự tìm đến các đại lý, DN khác để xin họ đừng làm giả hàng của chúng tôi nữa", ông Tí cho biết.
Kiên quyết xử lý
Ông Trần Hùng, Phó chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, cho biết trong 9 tháng đầu năm, lực lượng chức năng bắt giữ hơn 149.000 vụ việc, tăng 29% so với năm 2014. Hàng lậu, hàng giả tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM. Tại sáu tỉnh biên giới phía Bắc, đặc biệt là Lạng Sơn và Quảng Ninh, là điểm nóng của hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Ngoài ra có hiện tượng nếu DN nào xây dựng thương hiệu tốt được người tiêu dùng quan tâm thì chắc chắn bị làm giả ngay.
Theo ông Hùng, trước đây chỉ hàng nội mới bị làm giả, còn bây giờ hàng ngoại cũng bị “trá hình” bằng cách sản xuất trong nội địa, thậm chí là nhập khẩu hàng hiệu rồi “đánh tráo” chất lượng. Hiện hàng ngoại đang bị làm giả phải kể đến giày Nike, đồng hồ Thụy Sỹ, áo thun Lacoste; mỹ phẩm Shiseido, Mac, Chanel, E’Tude… "Bất kỳ sản phẩm nào có trên thị trường đều có thể bị “đội lốt” bằng các sản phẩm chất lượng kém", ông Hùng cho biết.
“Để công tác chống hàng giả đạt hiệu quả, chúng ta phải kiên quyết xử lý mạnh tay hơn bằng việc có những chế tài thật nặng, tăng mức xử phạt với đối tượng vi phạm như: khi phát hiện đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái thì xử phạt bằng cách cấm vĩnh viễn không cho hoạt động nữa, tịch thu giấy phép kinh doanh, hoặc xử lý hình sự, phạt tù. Bên cạnh đó, cần công khai thông tin trên các phương tiện truyền thông để người tiêu dùng biết mà “tẩy chay” hàng gian, hàng giả”, ông Hùng cho biết thêm.