Không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, tác động xấu đến các doanh nghiệp trong nước, hàng lậu, hàng giả, hàng nhái còn làm suy yếu sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thời gian gần đây, rất nhiều vụ hàng giả xuất xứ được cơ quan chức năng phát hiện, đó là hàng nhập khẩu từ nước ngoài, sau đó thay đổi nhãn ghi là hàng sản xuất tại Việt Nam. Hàng giả, hàng nhái tấn công vào tất cả các mặt hàng có mặt trên thị trường, cứ mặt hàng nào có khả năng sinh lợi đều có thể bị làm giả, làm nhái, từ quần áo, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, thực phẩm, đến phân bón... Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389), trong 10 tháng năm 2015, các lực lượng chức năng cả nước đã bắt giữ, xử lý 168.939 vụ việc vi phạm; nộp ngân sách nhà nước tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt 10.120 tỷ 598 triệu đồng, khởi tố 1.066 vụ án hình sự.
Đề cập tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái đang có nguy cơ lũng đoạn thị trường, lâu nay người ta vẫn thường viện dẫn một số nguyên nhân, như không ít doanh nghiệp và người dân vì lợi nhuận nên làm ăn bất chính, tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh, vận chuyển tiêu thụ; một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng còn thiếu "thông thái" nên đã tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái; hệ thống văn bản pháp lý còn nhiều "lỗ hổng", nhất là cơ chế xử lý vi phạm còn nhẹ, không đủ sức răn đe…; đặc biệt là mặc dù hiện có tới 5 lực lượng tham gia xử lý song lý do "địa bàn rộng, lực lượng mỏng" dường như đã trở nên quen thuộc đối với dư luận và người dân.
Hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, đồng nghĩa với hàng kém chất lượng thừa cơ tràn ngập thị trường, làm thất thu ngân sách, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng. Đáng báo động hơn cả là sự gia tăng của tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái không chỉ gây thiệt hại trước mắt, trong một thời điểm nhất định mà nếu không được ngăn chặn kịp thời thì vấn nạn này sẽ ảnh hưởng tiêu cực, lâu dài tới nền kinh tế nước nhà. Đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới cũng như trong nước vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ở thời điểm khi một số hiệp định thương mại sắp có hiệu lực, thì sự gia tăng nạn buôn lậu, hàng giả, hàng nhái sẽ càng làm tổn thương đến các thương hiệu Việt, gây bất lợi cho các doanh nghiệp trong nước.
Chính những nguyên nhân trên đã khiến hàng giả, hàng nhái ngày càng lũng đoạn thị trường, nhất là ở khâu phân phối, tiêu thụ. Thực tế không quá khó để nhận ra hàng giả, hàng nhái đang chiếm tỷ lệ không nhỏ trên thị trường, thậm chí được bày bán công khai tại các siêu thị, trung tâm thương mại và trên đường phố.
Vậy, vì sao cuộc chiến chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái cứ mãi gian nan? Nhiều ý kiến cho rằng, muốn chống hàng giả cần có sự vào cuộc của nhiều tổ chức xã hội, các doanh nghiệp chủ động chống hàng giả, người tiêu dùng chủ động tố giác các doanh nghiệp vì lợi nhuận mà làm ăn sai trái. Tuy nhiên, khâu có tính quyết định là vai trò của cơ quan chức năng và sự vào cuộc mạnh mẽ, kịp thời của các cấp chính quyền. Chỉ khi cơ quan công quyền làm hết trách nhiệm vụ của mình, với tinh thần quyết liệt, thì khi đó hàng lậu, hàng giả, hàng nhái mới được ngăn chặn, doanh nghiệp mới yên tâm làm ăn, người dân tự tin mua sắm, nền kinh tế mới ổn định phát triển.