Tại buổi tọa đàm xây dựng và bảo vệ thương hiệu, đấu tranh chống hàng giả sáng 20/6, các doanh nghiệp đã bày tỏ bức xúc về tình trạng hàng giả hiện nay, cũng như đề xuất các giải pháp để ứng phó thời gian tới. Tọa đàm do Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu (VATAP), Cục Quản lý thị trường và Tập đoàn Hoa Sen phối hợp tổ chức.Ðến tham dự tọa đàm có ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo 389 quốc gia, ông Ðỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương và đại diện nhiều doanh nghiệp.
Những năm qua, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo. Đặc biệt từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định Thành lập Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia), công tác này đã có chuyển biến và bước đầu đạt được kết quả tích cực, một số vi phạm lớn được phát hiện và xử lý.
Ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen phát biểu. |
Tuy nhiên, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn tồn tại và thách thức xã hội. Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nổi lên là công tác thông tin tuyên truyền còn hạn chế; sự phối hợp giữa các lực lượng thực thi với Hiệp hội, doanh nghiệp còn chưa chặt chẽ.
Riêng trong lĩnh vực tôn, thép, tình trạng hàng giả rất phổ biến. Ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen cho biết, gian lận thương mại trong lĩnh vực tôn thép chủ yếu được thực hiện qua các hình thức như: Tôn kém chất lượng, in thông số mập mờ về tiêu chuẩn chất lượng gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng; các doanh nghiệp không xuất hóa đơn khi bán hàng nhằm chiếm đoạt một khoản thuế VAT đáng kể... Theo ông Thanh, hàng nhái, hàng giả kém chất lượng làm giảm uy tín của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính, làm mất lòng tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm tôn thép chính hiệu.
Lễ kí thỏa thuận hợp tác chống hàng giả. |
Ông Thanh đề nghị các cơ quan chức năng cần tiến hành kiểm tra thường xuyên và có chế tài đủ mạnh mang tính răn đe đối với các trường hợp gian lận, đồng thời có chính sách buộc các doanh nghiệp, cửa hàng niêm yết công khai: tiêu chuẩn, chất lượng, giá cả.
Tại buổi tọa đàm, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả cộng đồng góp phần tạo chuyển biến căn bản về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới, VATAP đã kêu gọi toàn thể cộng đồng, doanh nghiệp và người tiêu dùng gắn kết với lực lượng thực thi, hỗ trợ lẫn nhau tạo sức mạnh trong cuộc đấu tranh này. Hiệp hội VATAP mong muốn các cơ quan thông tấn báo chí sẽ là một lực lượng không thể thiếu trong cuộc đấu tranh chống vấn nạn hàng giả, hàng vi phạm SHTT.
Cục Quản lý thị trường và VATAP cũng đã kí kết Thỏa thuận hợp tác trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và thực thi sở hữu trí tuệ.