Vì sao hàng lậu, hàng giả lộng hành?

Đã thành quy luật, cứ dịp cận Tết Nguyên đán, số vụ buôn lậu, hàng giả, hàng nhái được các cơ quan chức năng phát hiện ngày một nhiều thêm. Không thể thống kê hàng lậu, hàng giả được phát hiện chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong tổng số được tung ra thị trường. Nhưng có điều chắc chắn, không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, tác động tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp trong nước, hàng lậu, hàng giả, hàng nhái còn làm suy yếu sức cạnh tranh của cả nền kinh tế.

Đoàn công tác thực hiện kiểm tra các mặt hàng thiết yếu, hàng phục vụ tết trong siêu thị Co.op Mart Vĩnh Long. Ảnh: Thế Anh - TTXVN


Đáng chú ý, tình trạng hàng giả xuất xứ đang có chiều hướng gia tăng, phổ biến là hàng nhập lậu từ Trung Quốc sau đó thay đổi nhãn ghi xuất xứ của Việt Nam. Hàng giả, hàng nhái tấn công vào tất cả các mặt hàng, cứ mặt hàng nào có khả năng sinh lợi đều có thể bị làm giả, làm nhái; từ quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm, sản phẩm y tế, đến phân bón... Theo thống kê, năm 2014, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã xử lý 17.396 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; so với năm trước, số vụ phát hiện tăng 24,2%.

Tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng nhái không chỉ gây thiệt hại trước mắt, trong một thời điểm nhất định, mà nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì sẽ ảnh hưởng lâu dài tới nền kinh tế. Không chỉ chảy máu ngoại tệ, thất thu ngân sách, nó còn bóp chết hàng hóa sản xuất trong nước. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới cũng như trong nước vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ở thời điểm khi một số hiệp định thương mại sắp có hiệu lực hoặc đang trong quá trình đàm phán, thì sự gia tăng của hàng lậu, hàng giả sẽ làm suy yếu thương hiệu Việt.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng nhái rộng đất lộng hành. Trước hết, là do một số doanh nghiệp, người dân lóa mắt vì lợi nhuận mà làm ăn bất chính, tham gia sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái. Một bộ phận người tiêu dùng thiếu "thông thái", tham rẻ mà vô tình tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái. Hệ thống văn bản pháp lý còn nhiều lỗ hổng, nhất là cơ chế xử lý vi phạm còn nhẹ, không đủ sức răn đe. Nhưng có một nguyên nhân rất cơ bản là chưa huy động được sức mạnh của cả cộng đồng vào cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái. Đâu đó, vì lợi ích cục bộ, mà địa phương này, địa phương kia chưa thật quyết liệt ngăn chặn hàng lậu, hàng giả. Rồi một bộ phận cán bộ làm công tác chống hàng lậu, hàng giả, hàng nhái tha hóa, biến chất, tiếp tay cho hàng lậu, hàng giả lũng đoạn thị trường...

Thực tế, không quá khó để nhận ra hàng giả, hàng nhái, bởi nó nhan nhản trên thị trường, thậm chí được bày bán công khai. Nếu các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương không nhận thức đầy đủ, không kiên quyết làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác này, thì hàng lậu, hàng giả khó lòng được ngăn chặn và tiếp tục tác động tiêu cực đến nền kinh tế đất nước.

Tại buổi tọa đàm về chống hàng lậu, hàng nhái, hàng giả được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 28/1 vừa qua, có đại biểu dẫn kinh nghiệm của Ấn Độ: Lập tổng đài, tiếp nhận những tin nhắn, hình ảnh sản phẩm giả, kém chất lượng do người tiêu dùng gửi tới; sau đó họ thống kê, công bố để nhận diện những doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng. Một giải pháp khác cũng nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu, là các cơ quan truyền thông đưa vào “danh sách đen” những cơ sở sản xuất kinh doanh hàng giả...


Chắc chắn, đó là những giải pháp hữu ích, thiệt thực..., và còn chần chừ gì nữa mà không triển khai thực hiện.   


Yến Nhi

Gian nan cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả
Gian nan cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả

Hàng gian,hàng giả không chỉ gây thiệt hại cho nền kinh tế, các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Để ngăn chặn vấn nạn này, cần có những giải pháp phối hợp đồng bộ của các cấp ban ngành, doanh nghiệp, người tiêu dùng...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN