Các cơ quan chức năng đã huy động nhiều nguồn lực để phòng chống nạn hàng gian, hàng giả. Tuy nhiên, công tác phòng chống còn nhiều bất cập do việc quản lý chồng chéo, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương cho biết, việc sản xuất hàng giả thời điểm trước Tết thường phức tạp và có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân là bởi các đối tượng làm ăn phi pháp không từ bất kỳ thủ đoạn nào để buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng lậu.
Theo tính toán không đầy đủ của Cục QLTT, từ đầu năm đến nay, Cục đã xử lý trên 100.000 vụ vi phạm pháp luật, tăng khoảng 15%, số tiền thu tăng gần 390 tỷ đồng. Trong đó, hàng giả, hàng xâm phạm bản quyền chiếm gần 18.000 vụ. “Hàng giả xuất hiện ngày càng đa dạng, từ hàng nông nghiệp đến hàng công nghiệp và văn hóa phẩm… Sự bùng nổ của hàng giả khiến cơ quan chức năng quan ngại khi hàng giả trở thành một ngành công nghiệp với quy mô lớn và có nguy cơ phá hủy nền kinh tế vì bất kỳ cái gì cũng có thể làm giả nếu như có lợi nhuận”, ông Lam lo lắng.
Lực lượng chức năng kiểm tra và thu giữ hàng ngàn chiếc mũ bảo hiểm giả tại chợ Kim Biên (quận 5, TP Hồ Chí Minh). |
Ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng Thư ký Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh cũng đồng tình: “Hiện nay, thị trường xuất hiện sản xuất hàng giả, hàng nhái với quy mô công nghiệp, có tổ chức, dưới danh nghĩa các công ty hàng xuất khẩu theo hợp đồng gia công. Vì vậy, người tiêu dùng và cơ quan chức năng rất khó phân biệt. Thậm chí tem phản quang chống hàng giả của các công ty cũng đang bị làm giả”.
Ông Nguyễn Xuân Hàn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận, chuyên cung cấp mặt hàng máy hát karaoke Arirang không khỏi buồn lòng: “Xử lý hàng giả còn nhẹ quá, không răn đe được người làm hàng giả. Hàng giả khiến sản lượng của doanh nghiệp thiệt hại 30 - 40%. Có cả tình trạng nhập nguyên chiếc máy của Trung Quốc rồi giả làm hàng của chúng tôi. Họ sản xuất ở Trung Quốc rồi đưa về dán nhãn Việt Nam vào”. |
Theo tính toán của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), có trên 31 ngành hàng bị làm giả. Đứng đầu bảng là mỹ phẩm. Chỉ cần một doanh nghiệp có mặt hàng mỹ phẩm nào có chất lượng cao thì không đầy một tháng sau, thị trường mỹ phẩm nhái đã “ăn theo” nhan nhản. Đứng sau mặt hàng mỹ phẩm phải kể đến ngành điện tử, điện lạnh, gas, xăng dầu. Hiệp hội này lo ngại, càng cận Tết Nguyên đán thì hàng giả sẽ có điều kiện tiêu thụ nhiều hơn, đơn cử như mặt hàng bia - rượu - nước giải khát.
Còn theo ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại, mỗi năm, các lực lượng chức năng bắt hàng nghìn vụ hàng giả nhưng đó chỉ là “phần nổi” của “tảng băng chìm”. Hàng giả vẫn nhan nhản trên thị trường. Nguyên nhân chủ yếu, theo ông Phú là bởi chúng ta thực hiện chống hàng giả từ “ngọn”, nghĩa là không quản lý từ việc làm hàng giả mà chỉ đợi đến khi hàng giả tràn ngập thị trường rồi mới đi truy quét.
Ngoài ra, việc phân cấp quản lý còn chồng chéo như hiện nay cũng khiến việc chống hàng giả chưa đạt được hiệu quả cao. Ông Đàm Thanh Thế, đại diện Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) cho biết, hiện có 7 lực lượng quản lý như: QLTT, hải quan, bội đội biên phòng, cảnh sát biển, công an, thuế và các thanh tra liên chuyên ngành.
“Ngoài ra, các mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại rất nhẹ. Mức phạt tối đa chỉ 100 - 200 triệu đồng, trong khi người ta có thể thu hàng tỷ đồng từ việc làm hàng giả, hàng nhái. Số tiền phạt không thấm vào đâu so với lợi nhuận thu được”, ông Phú nói.
Tập trung kiểm soát hàng thiết yếu
Nhằm thực hiện tốt công tác phòng chống hàng gian, hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2015, ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho biết: Chi cục sẽ tập trung kiểm tra hành vi tàng trữ, kinh doanh hàng giả, đặc biệt đối với mặt hàng thiết yếu tiêu dùng. Riêng với mặt hàng thuốc lá điếu nhập khẩu bị làm giả, đơn vị sẽ tiếp tục kiểm tra tại các cửa hàng, tủ thuốc trên địa bàn toàn thành phố.
“Đối với các mặt hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết như bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, lương thực, thực phẩm, mỹ phẩm..., Chi cục QLTT TP sẽ thực hiện kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, kiểm tra việc thực hiện việc ghi nhãn hàng hóa, đo lường với hàng hóa đóng gói sẵn cân đong đo đếm hàng hóa của các tiểu thương trong các khu chợ truyền thống…”, ông Bách cho biết thêm.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh thì cho rằng, đề nghị tuyên truyền nhiều hơn về hàng gian, hàng giả trên các phương tiện truyền thông để cảnh báo cho người tiêu dùng. Ngược lại, người tiêu dùng cần tẩy chay những mặt hàng kém chất lượng, hàng gian, hàng giả.
Bên cạnh các biện pháp phòng chống hàng giả của các cơ quan chức năng, hiện nhiều DN đã có kế hoạch phòng chống hàng gian, hàng giả cho sản phẩm của mình. Ông Nguyễn Bá Cương Trực, quản lý bán hàng của Công ty Kiềm Nghĩa cho biết, khi phát hiện cửa hàng nào bán sản phẩm có hàng giả, công ty sẽ yêu cầu họ gỡ băng rôn quảng cáo của Kiềm Nghĩa xuống để tránh sự hiểu lầm cho khách hàng…
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, hàng giả đang giết ngành sản xuất trong nước, làm hại người tiêu dùng, thất thu thuế ngân sách và làm tha hóa cán bộ. Do vậy, muốn chỉnh đốn tình trạng này, đầu tiên phải chỉnh đốn kỷ cương, phạt nặng đối với các trường hợp vi phạm. Thứ hai là đẩy sản xuất trong nước lên. Thứ ba là phải tổ chức tốt hệ thống phân phối, tạo chuỗi sản xuất phân phối khép kín, để cho hàng giả không lọt vào được. Thứ tư, phải làm trong sạch bộ máy chống hàng giả.
Hoàng - Tuyết - Hồng
Bài cuối: Doanh nghiệp phải cùng tham gia chặn hàng giả