Tại Thừa Thiên - Huế, hiện đang rộ lên việc nhiều người dân bị lừa và vỡ nợ do nuôi chồn nhung đen đa cấp. Số lượng thống kê ban đầu cho thấy đã có hàng ngàn con chồn nuôi, tập trung ở xã Phú Mậu (huyện Phú Vang), phường An Tây (thành phố Huế), thị trấn Bình Điền và xã Bình Thành (thị xã Hương Trà). Cơ sở nuôi chồn nhung đen của ông Lê Viết Tăng ở xã Phú Mậu. Ảnh: nongnghiep.vn |
Chồn nhung xâm nhập vào địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế thông qua một đối tượng tên là Đoàn Việt Châu, trú tại xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hoà Bình; đã bán hoặc cho nông dân thuê nuôi giống chồn này. Trong các tháng 2 và 3 năm 2013, ông Đoàn Việt Châu, chủ đường dây bán hàng đa cấp chồn nhung đen đã bán cho ông Lê Viết Tăng, ở thôn Mậu Tài, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang 144 con chồn nhung đen với giá bán 4 triệu đồng/1 cặp chồn giống và hứa khi chồn nhung đen sinh sản sẽ mua lại với giá 1 triệu đồng/1con; riêng con giống nuôi, nếu bị dịch bệnh hoặc chết sẽ được đền bù thoả đáng. Mỗi cặp chồn nhung được quảng bá có thể sinh sản từ 12-15 con/năm, như vậy số tiền thu về sẽ là 15 triệu đồng/năm, làm cho người dân nhầm tưởng. Ông Tăng tin lời và đã ứng trước cho ông Châu 20 triệu đồng trả tiền con giống, số tiền còn lại sẽ được trả sau.
Tương tự, ông Lộc một hộ nuôi ở thôn Tiên Nộn, xã Phú Mậu mua hơn 100 con chồn nhung đen giống với mức 4 triệu đồng/1 cặp, thoả thuận sau khi chồn sinh sản sẽ mua lại với giá 1 triệu đồng/1con; ông Lộc cũng đã tin lời và ứng trước cho ông Đoàn Việt Châu 50 triệu đồng về kinh phí đầu tư con giống và lồng nuôi...
Đến nay, sau gần 4 tháng nuôi, một số cặp giống ban đầu đã sinh sản, các hộ nuôi liên lạc với ông Đoàn Việt Châu để bán con giống, nhưng không thể liên lạc được; lúc này, dấu hiệu lừa đảo của mô hình bán chồn nhung đa cấp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã dần lộ rõ.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú Y tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, chồn nhung đen mà người dân đang nuôi hiện nay chưa có tên trong danh sách các vật chăn nuôi nông nghiệp, là loại vật có ngoại hình giống chuột nhưng không có đuôi, lông màu đen, khối lượng khi trưởng thành đạt 600-800gam. Đối với người đưa giống về và người nuôi khi chưa được phép là sai phạm.
Để xử lý việc nuôi chồn nhung đen, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên -Huế đã kiến nghị với Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề nghị các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu rõ được mặt tiêu cực từ việc tự phát nuôi chồn nhung đen khi chưa có kết quả khảo nghiệm, chưa có tên trong danh mục giống vật nuôi được cấp phép sản xuất, kinh doanh của cơ quan chuyên môn là vi phạm Pháp lệnh giống vật nuôi, và bị xử phạt theo Nghị định số 47 của Chính phủ. Trong khi chờ được hướng dẫn, hiện nay địa phương còn lúng túng trong việc xử lý số chồn nhung đã nuôi ở trên...
Điều đáng nói là, việc phát hiện và vào cuộc chậm của các cơ quan chức năng và chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế đã gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi chồn nhung. Không ít hộ nông dân đã đi vay vốn ngân hàng để chăn nuôi và đứng trước nguy cơ "tiền mất, tật mang". Đây cũng là bài học nhằm nâng cao cảnh giác với những thủ đoạn lừa bịp trong mua bán con giống vật nuôi không qua đăng ký, kiểm dịch trong nông nghiệp, nông thôn hiện nay...
Quốc Việt