Giá thực trên thị trường của chồn nhung đen chỉ 200.000 - 300.000 đồng/đôi, song loài động vật gặm nhấm này đã được đẩy giá lên gấp hàng chục lần và được biến tướng thành sản phẩm "kinh doanh đa cấp trá hình" len lỏi đến các vùng nông thôn Nam Định.
Ông Nguyễn Trung Liêm (xóm 12, xã Giao An, Giao Thủy) giới thiệu đàn chồn nhung đen của gia đình. |
Nhiều hộ nông dân có kinh tế không mấy khá giả, thậm chí là nghèo ở Nam Định đã và đang bỏ ra hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để tham gia nuôi chồn nhung đen với ước mơ "làm giàu siêu tốc", mà không cần biết hậu quả sẽ ra sao.
Ở hầu hết các xã của huyện Giao Thủy và nhiều xã thuộc các huyện khác trên địa bàn Nam Định đều có người nuôi chồn nhung đen - loài động vật du nhập từ Nam Mỹ, được nghiên cứu và nuôi thử nghiệm ở nước ta từ mấy năm nay. Là xã nghèo ven biển, xã Giao An (huyện Giao Thủy) hiện có nhiều hộ nhất tham gia mô hình chăn nuôi chồn nhung đen, với hơn 100 hộ thuộc 21 xóm của xã. Hộ nuôi ít có 5 - 7 đôi, hộ nuôi nhiều có tới 50 đôi.
Theo tìm hiểu của phóng viên, người cung cấp con giống chồn nhung đen cho nông dân Nam Định là ông Đoàn Việt Châu, một người con của xã Giao An, huyện Giao Thủy. Ông Châu hiện có trang trại tại Xóm Mỏ, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Theo hợp đồng có thời hạn 28 tháng mà các hộ ký với ông Châu, các hộ mua chồn nhung đen giống của ông Châu với giá 4 triệu đồng/cặp (1 đực, 1 cái), sau đó được ông Châu bao tiêu sản phẩm với giá 2 triệu đồng/cặp (bất kể đực hay cái); người nuôi phải nộp 500.000 đồng cho mỗi lần chồn mẹ đẻ con. Sau khi hợp đồng hết thời hạn, các hộ phải hủy đàn chồn (làm thực phẩm) hoặc bán lại cho ông Châu giá 500.000 đồng/đôi. Và nếu tiếp tục tham gia mô hình, các hộ phải mua con giống mới với giá như trước là 4 triệu đồng/cặp.
Điều đáng nói là, hầu hết các hộ đều không biết chút gì về cái mục tiêu đích thực của cái gọi là mô hình Đoàn Việt Châu khi giá chồn mua bán với ông Châu là giá "giời ơi", khác xa với giá ngoài thị trường, nhưng họ, mà đa số là hộ nghèo vẫn đổ xô tham gia mô hình nuôi thứ động vật ngoại lai vì lợi nhuận trước mắt. Họ thấy con chồn nhung đen cho lợi nhuận cao hơn nhiều so với nuôi lợn nái. Theo bài toán kinh tế, mỗi cặp chồn bố mẹ đẻ 3 - 4 lứa/năm, mỗi lứa từ 1 - 4 con, trung bình cho 8 - 9 chồn con. Như vậy, người nuôi đầu tư 40 triệu nuôi 10 cặp chồn bố mẹ, sau 1 năm có 80 - 90 chồn con, thu 80 - 90 triệu đồng.
Quả thực, nếu mọi điều suôn sẻ như vậy thì nuôi chồn nhung đen dù đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn nhanh và cho lãi cao, trong khi kỹ thuật nuôi đơn giản, thức ăn của chồn chủ yếu là các loại cỏ, cám gạo, cám ngô...
Lãi cao là vậy nhưng vấn đề được dư luận quan tâm là sản phẩm từ mô hình nuôi chồn nhung đen Đoàn Việt Châu cuối cùng sẽ đi đến cái đích nào khi mà thị trường thịt thương phẩm chưa có, hay chỉ là tiền từ túi người này chuyển sang túi người kia, mà người được lợi nhất chính là ông chủ mô hình.
Trong vai người đi tìm hiểu để tham gia mô hình, chúng tôi đến xã Giao An và được người dân nơi đây giới thiệu tên các hộ nuôi chồn nhung đen như hộ ông Tú (xóm 9), ông Trưởng (xóm 15), ông Sơn (xóm 12), ông Liêm (xóm 8), ông Thông (xóm 9)... Đang loay hoay chọn một hộ để tìm đến thì chúng tôi được một anh thanh niên tình nguyện đưa đến nhà ông Vũ Văn Thông (xóm 9).
Qua câu chuyện có thể thấy, "mộng làm giàu" của ông Thông lớn lắm. Ông cho biết: "Tôi cũng chỉ mới tham gia nuôi được 3 tháng. Tôi thấy mô hình này cho lợi nhuận hơn hẳn lợn nái. Vì không có vốn, tôi phải tham gia chơi họ (hụi) và vay mượn thêm mới có được 40 triệu đồng đầu tư mua 10 đôi giống". Đang vui vẻ tiếp chuyện, bất giác thấy khách cứ "ghi ghi, chép chép", ông Thông ngập ngừng: "Tôi không biết nhiều đâu, các anh cứ đến nhà ông Liêm mà hỏi"...
Để tiếp tục hành trình điều tra, chúng tôi tìm đến hộ ông Nguyễn Trung Liêm (64 tuổi, trú tại xóm 12, xã Giao An). Khác hẳn với ông Thông, ông Liêm rất niềm nở, sẵn sàng chia sẻ mọi điều, lại còn cho chúng tôi tham quan chuồng trại và cho "tận mục sở thị" bản hợp đồng làm ăn với ông Đoàn Việt Châu. Ở xã Giao An, ông Liêm là người nuôi chồn nhung nhiều nhất với 50 cặp.
Ông cho biết: "Ông Đoàn Việt Châu là người con rất tốt của quê hương. Cách đây khoảng 2 năm, khi thấy tôi khó khăn, bệnh tật, ông đã cấp cho tôi 5 đôi giống chồn nhung đen với giá 4 triệu đồng/cặp. Từ đó, kinh tế gia đình tôi ngày càng khấm khá. Hiện tôi đầu tư hơn 200 triệu đồng nuôi 50 cặp". Cũng theo ông Liêm, ông Châu sẵn sàng cho nợ tới 30 - 50% giá trị hợp đồng đối với những hộ khó khăn. Tất cả những lời giới thiệu của ông Liêm hầu hết là ca ngợi ông Châu và con chồn nhung đen. Thế nhưng khi phóng viên đặt một loạt câu hỏi liên quan đến giá trị đích thực của con chồn nhung đen cũng như mô hình Đoàn Việt Châu, ông Liêm thẳng thắn: "Chúng tôi chỉ cần biết hiện giờ nuôi có lãi là nuôi".
Tính pháp lý của bản hợp đồng ký với ông Châu cũng là vấn đề đáng bàn vì văn bản này ghi quyền của bên B quá ít trong khi nghĩa vụ lại rất nhiều để bó buộc người tham gia, chẳng hạn như phải khai báo và thông tin đầy đủ, chính xác về số lượng đàn chồn, đặc biệt là số chồn con sau khi sinh; chịu sự kiểm tra toàn diện định kỳ và đột xuất của bên A (tức ông Châu hoặc đại diện của ông Châu); không tự mua chồn ngoài đưa vào mô hình và ngược lại; khi chồn sinh đẻ phải điện báo ngay cho bên A về số con đẻ và lượng chồn con để bên A cử cán bộ đến làm thủ tục xác nhận, quản lý chồn con, nếu không sẽ bị bên A từ chối thu mua và đưa người chăn nuôi ra khỏi mô hình...
Thiết nghĩ, chính quyền các cấp ở tỉnh Nam Định cần sớm vào cuộc, có biện pháp ngăn chặn mạng lưới "kinh doanh đa cấp trá hình" đội lốt mô hình nuôi chồn nhung đen trên địa bàn tỉnh, nhằm đảm bảo an ninh nông thôn và bảo vệ người nông dân.
Bài và ảnh: Nguyễn Sinh