Công ty sản xuất pate Minh Chay sẽ phải bồi thường và đối diện mức phạt nào?

Vụ việc ngộ độc thực phẩm do sản phẩm pate Minh Chay đang khiến nhiều người dân lo lắng và đặt câu hỏi: Ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân trong trường hợp này?

Chú thích ảnh
Bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm (chứa vi khuẩn Clostridium botulinum) liên quan tới Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới. Ảnh: BV.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức chiều 3/9, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật Chính Pháp - Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới phải bồi thường cho các nạn nhân bị ngộ độc do sử dụng Pate Minh Chay.

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý của vụ việc trên, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Cục An toàn thực phẩm đã cảnh báo, Pate Minh Chay có chứa độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum. Đây là loại độc tố thuộc nhóm cực kỳ nguy hiểm, việc nhiều người sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay đang dẫn đến bị ngộ độc - rõ ràng là đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Căn cứ các Luật An toàn thực phẩm, Luật Dân sự, nhà sản xuất phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại (cả về sức khỏe lẫn tinh thần). Khi có các căn cứ chứng minh sản phẩm có yếu tố lỗi, kém chất lượng gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng thì nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, dưới góc độ pháp lý, Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định: Người tiêu dùng có quyền được đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp. 

Đồng thời, theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm năm 2010, bảo đảm an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm mà gây ngộ độc phải chịu toàn bộ chi phí điều trị cho người bị ngộ độc và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự theo quy định tại khoản 5, Điều 53 Luật An toàn thực phẩm.

Các chi phí bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại.

Nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại… theo quy định tại Điều 590 Bộ Luật dân sự năm 2015. 

"Như vậy thì những cá nhân, tổ chức cung cấp thực phẩm gây ngộ độc sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng. Ngoài việc phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra cho khách hàng, các cá nhân, tổ chức cung cấp thực phẩm dẫn tới tình trạng ngộ độc cho khách hàng còn phải chịu các chế tài xử phạt từ các cơ quan có thẩm quyền", đại diện Văn phòng Luật Chính Pháp nói.

Căn cứ vào tính chất, mức độ gây thiệt hại của hành vi vi phạm và hậu quả của hành vi, luật sư cho rằng: Các tổ chức, cá nhân này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định Bộ Luật hình sự năm 2015. 

Cụ thể: Phạt tiền từ 80 đến 100 triệu đồng đối với hành vi nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 8, Điều 22 Nghị định 115/2018/NĐ-CP đối với hành vi quy định khác về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, cung cấp thực phẩm. 

Ngoài ra buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc thu hồi và tiêu hủy thực phẩm không đảm bảo; buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm theo quy định tại khoản 11 Điều luật này.

Trong trường hợp cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng…; cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 100 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo Điều 317 - Bộ Luật hình sự.

Tùy từng tính chất mức độ có thể bị phạt tù từ 1 năm đến cao nhất là 20 năm tù.

Minh Phương/Báo Tin tức
Vụ ngộ độc do ăn pate Minh Chay: Cần xác định đúng nguyên nhân để khắc phục
Vụ ngộ độc do ăn pate Minh Chay: Cần xác định đúng nguyên nhân để khắc phục

Về sản phẩm Pate Minh Chay không bảo đảm an toàn thực phẩm, thậm chí một số sản phẩm Pate Minh Chay thuộc các lô khác nhau có vi khuẩn Clostridium botulinum type B, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN