Ngày thứ 3 không có ca COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng
Tính đến 18 giờ ngày 1/9, Việt Nam có thêm 1 ngày không có ca mắc mới COVID-19, cũng là ngày thứ 3 liên tiếp không có ca mắc mới trong cộng đồng; tổng số ca mắc vẫn là 1.044 ca.
Trong đó, có tổng cộng 690 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 550 ca. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 55.370 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 908 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 16.117 người, xách ly tại nhà, nơi lưu trú 38.345 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, ngày 1/9, Việt Nam có thêm 28 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, bao gồm: 5 bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng; 3 bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh; 2 bệnh nhân tại Bệnh viện chuyên khoa Lao và Bệnh Phổi Quảng Trị; 7 bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh Quảng Nam; 3 bệnh nhân tại Bệnh viện nhiệt đới tỉnh Hải Dương và 8 bệnh nhân tại Trung tâm Y tế Huyện Hoà Vang. Trong số các ca đang điều trị, số ca âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 là 27 ca, lần 2 là 53 ca, lần 3 là 37 ca. Việt Nam cũng đã ghi nhận 34 ca tử vong do COVID-19; số ca điều trị khỏi là 735 ca.
Đáng chú ý, chiều 1/9, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương công bố 3 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh, trong đó có bệnh nhân 812 là ca bệnh nặng, từng phải thở máy 1 tuần cũng đã bình phục hoàn toàn. Chia sẻ về quá trình điều trị ca bệnh khó này, BS. Phạm Văn Phúc, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: “Trong đợt dịch COVID-19 lần này, bệnh nhân 812 là một trong những bệnh nhân nặng nhất tại Hà Nội. Bệnh nhân bị tổn thương phổi nặng, rộng, phải đặt ống thở máy mức tối đa nên trong quá trình điều trị cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, may mắn là trong quá trình điều trị, bệnh nhân đáp ứng tốt nên sức khỏe đã ổn định dần. Hiện, bệnh nhân đã được rút ống thở khoảng 1 tuần, xét nghiệm 3 lần âm tính với SARS-CoV-2 và vẫn tiếp tục cách ly, theo dõi tình trạng phổi”.
Quá trình xử lý vụ pate Minh Chay chứa chất độc khiến nhiều người nhập viện
Ngày 1/9, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) thông tin về quá trình vào cuộc điều tra, xử lý sản phẩm pate Minh Chay chứa chất độc.
Cụ thể, vào 15 giờ ngày 19/8, Cục ATTP đã nhận được điện thoại của Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) thông báo có hai vợ chồng bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm (ngày 18/8) từ Bệnh viện Lão khoa Trung ương và được chẩn đoán ban đầu là theo dõi ngộ độc thực phẩm nghi do độc tố Botulinum. Qua tìm hiểu của Trung tâm chống độc, cả hai bệnh nhân trên đều sử dụng sản phẩm pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới, lần sử dụng cuối cùng là cuối tháng 7/2020.
Ngay khi nhận được thông tin, ngày 19/8, Cục ATTP đã có Công văn hỏa tốc số 1907/ATTP-NĐTT đề nghị Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương điều tra, xác minh thông tin.
Ngày 20/8, đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra cơ sở sản xuất của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới (địa chỉ tại thị trấn Đông Anh). Kết quả ghi nhận, đây là cơ sở sản xuất do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội) quản lý và cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh ATTP từ ngày 3/1/2020. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, Công ty không duy trì điều kiện vệ sinh như: Vệ sinh nhà xưởng, vệ sinh dụng cụ, cống rãnh thoát nước… Đoàn kiểm tra đã giao phòng Y tế huyện Đông Anh đình chỉ hoạt động sản xuất của công ty này, yêu cầu khắc phục điều kiện vệ sinh và lấy mẫu sản phẩm tại công ty gửi Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia xét nghiệm tìm vi khuẩn Clostridium Botulinum.
Sau cuộc họp khẩn ngay trong đêm 28/8 với lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cùng với báo cáo và phân tích kết quả xét nghiệm của 2 Viện, đại diện các đơn vị đã thống nhất khẳng định sản phẩm pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới bị nhiễm khuẩn trong quá trình sản xuất, lưu thông và là nguồn lây nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum gây ngộ độc cho người bệnh.
Sáng ngày 29/8, Cục ATTP đã chính thức đưa ra thông tin cảnh báo, yêu cầu thu hồi khẩn cấp các sản phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, Cục ATTP cũng đã ban hành Công văn số 1995/ATTP-NĐTT gửi Sở Y tế, Ban Quản lý ATTP, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị rà soát, giám sát, thu hồi sản phẩm và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân không sử dụng sản phẩm của Công ty TNHH Hai thành viên Lối sống mới và khuyến cáo người tiêu dùng nếu đã sử dụng sản phẩm mà có dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra.
Cục ATTP cũng khẳng định, ngay khi tiếp nhận thông tin vụ việc, với quan điểm đặt ưu tiên sức khỏe của người dân lên hàng đầu, Cục đã khẩn trương hành động với tinh thần trách nhiệm cao, quyết liệt, kịp thời theo đúng quy định của pháp luật để xử lý vụ việc. Cục ATTP đang phối hợp với các cơ quan chức năng để làm rõ động cơ của việc phát tán thông tin trên.
Chiều 1/9, Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP Hồ Chí Minh đã cung cấp một số thông tin xung quanh việc kinh doanh, sử dụng pate Minh Chay trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Hiện, đơn vị này mới chỉ thu hồi được 103 hộp sản phẩm pate Minh Chay.
Tính đến ngày 1/9, các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận và điều trị cho 9 bệnh nhân ngộ độc sau khi ăn pate Minh Chay. Trong đó, có 5 người đã xuất viện chuyển về các địa phương, còn lại 4 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhân dân 115 với các triệu chứng nặng như liệt tứ chi, phải thở máy...
TS.BS Nguyễn Văn Hảo, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, cho biết sở dĩ các ca bệnh xuất hiện từ tháng 7 nhưng đến tháng 8 mới cảnh báo là do vi khuẩn clostridium botulinum rất hiếm gặp, phải cần thời gian để phân cấy, xác nhận chính xác.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Hảo, với loại ngộ độc này, mặc dù có thuốc kháng độc nhưng giá thành khá cao và các bệnh viện cũng không có sẵn. Bên cạnh đó, để sử dụng huyết thanh kháng độc hiệu quả thì phải sử dụng ngay trong 3 ngày đầu tiên mắc bệnh, vì thế việc điều trị hiện nay gặp không ít khó khăn. Đây là dòng vi khuẩn yếm khí với độc tố có độc lực cực mạnh, tỷ lệ tử vong đến 10-20% và để lại hậu quả lâu dài.
Hà Nội: Tuyên án tử hình hung thủ giết vợ, chặt xác phi tang
Sau hai ngày mở phiên tòa xét xử, sáng 1/9, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên án tử hình đối với bị cáo Đỗ Ngọc Anh (sinh năm 1964, trú tại xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội) về tội “giết người” theo quy định tại Điều 123, khoản 1, điểm i, n - Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo cáo buộc, cuối năm 2017, bị cáo Đỗ Ngọc Anh và bà Đặng Thị Hải (sinh năm 1960, trú tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) quen nhau qua Facebook. Hai người nảy sinh tình cảm rồi đi đến kết hôn vào tháng 4/2018. Trước khi kết hôn, Ngọc Anh thỏa thuận với bà Hải về việc Ngọc Anh để bà Hải toàn quyền sử dụng ô tô Parado giá 1,5 tỷ đồng. Đổi lại, bà Hải sẽ làm thủ tục ủy quyền, sang tên cho Ngọc Anh mảnh đất rộng 60 m2 ở huyện Chương Mỹ.
Sau khi chung sống một thời gian, khoảng tháng 7/2018, bà Hải nghi ngờ Đỗ Ngọc Anh có quan hệ với người phụ nữ khác nên tự ý bán chiếc ô tô và không làm thủ tục sang tên thửa đất. Ngọc Anh nhiều lần gọi điện, nhắn tin yêu cầu vợ hoàn tất thủ tục sang tên thửa đất cho mình hoặc phải trả lại tiền bán xe ô tô nhưng bà Hải không đồng ý.
Bực tức, Ngọc Anh nghĩ cách trả thù vợ. Khoảng 3 giờ ngày 31/1/2019, Ngọc Anh đến nhà bà Hải, đột nhập vào trong. Khi bà Hải thức dậy, ra sân vườn đã bị Ngọc Anh túm tay kéo vào phòng nhà kho. Tại đây, bị cáo cầm thanh sắt đánh nhiều nhát, khiến bà Hải tử vong. Sau khi giết vợ, Ngọc Anh đưa thi thể nạn nhân ra cầu Đông Trù, nơi vắng người qua lại, chặt thi thể làm nhiều phần, tách bỏ nội tạng rồi vứt xuống sông phi tang.
Tại phiên tòa, bị cáo Đỗ Ngọc Anh kêu oan, không thừa nhận hành vi giết vợ, phân xác ném xuống sông. Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa cho rằng, lời khai của bị cáo tại tòa mâu thuẫn hoàn toàn với các lời khai ban đầu. Bị cáo không thừa nhận hành vi chặt nhỏ, tiêu hủy xác nạn nhân nhưng căn cứ vào kết quả điều tra và các tài liệu khác có trong hồ sơ, đủ cơ sở để kết luận bị cáo phạm tội giết người. Xác định bị cáo phạm tội với tình tiết tăng nặng do hành vi mang tính chất man rợ, côn đồ, đặc biệt nghiêm trọng nên đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Tòa tuyên phạt Đỗ Ngọc Anh mức án tử hình.
Sau khi xem xét hồ sơ vụ án, lời khai của bị cáo và các chứng cứ, tài liệu liên quan… Hội đồng xét xử nhận định đủ cơ sở kết luận hành vi của bị cáo Đỗ Ngọc Anh phạm tội "giết người". Hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội với tính chất man rợ, cần loại trừ vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội, do vậy Tòa đã tuyên phạt bị cáo Đỗ Ngọc Anh mức án cao nhất là tử hình. Ngoài ra, Tòa còn tuyên buộc bị cáo Ngọc Anh phải chịu trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân hơn 900 triệu đồng.