Quyết liệt giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành
Sáng 21/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thị sát tiến độ giải phóng mặt bằng thi công Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, dự án trọng điểm về đầu tư công của cả nước.
Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đồng Nai sau khi thị sát, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tới vị trí quan trọng của địa phương, tỉnh có quy mô kinh tế hơn 17 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 5.300 USD. Do đó, việc xem xét, tháo gỡ các vấn đề đặt ra đối với địa phương trọng điểm như Đồng Nai là rất quan trọng. Thủ tướng cho rằng cú hích cho Đồng Nai phát triển trong năm nay trước hết là dự án Sân bay Long Thành với hạng mục GPMB. Sân bay là động lực, vì vậy, cần tận dụng động lực này để phát triển các vùng khác. Số vốn 23.000 tỷ đồng GPMB dự án không nhỏ, cần có biện pháp quyết liệt GPMB.
Thủ tướng lưu ý, Đồng Nai trong phát triển cần tăng cường quản lý đất đai, xây dựng những khu đô thị xứng tầm, là điểm nhấn trong phát triển theo hướng xanh, hiện đại, hội nhập. Do đó, tỉnh cần làm tốt công tác quy hoạch, tránh tình trạng manh mún. Song song với phát triển nhanh, tỉnh cần đi đôi với quản lý tốt, đúng quy định, không để sơ suất gây tác hại lâu dài.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Đồng Nai phấn đấu quyết liệt hơn nữa trong giải ngân vốn đầu tư công của 266 dự án tại địa phương để đạt trên 95% và đặc biệt là giải ngân 18.000 tỷ đồng để có mặt bằng phục vụ thi công Sân bay Long Thành. Đây là một thử thách rất lớn mà tỉnh phải tập trung sức lực nguồn lực, khả năng để chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành cần hỗ trợ Đồng Nai trong triển khai xây dựng thành công Sân bay Long Thành, công trình trọng điểm quốc gia, phải khởi động trong năm nay. Tỉnh cần phấn đấu đến tháng 10/2020 cơ bản hoàn thành công tác GPMB, hoàn thành 1.800 ha đất sạch phục vụ thi công; làm tốt công tác bồi thường, hỗ trợ.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án để trình Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua; làm cơ sở cho việc triển khai dự án. Đây là dự án được nhân dân cả nước mong đợi và theo dõi. Do đó, công tác thiết kế phải được tiến hành song song với công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng.
Tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại Bình Thuận
Vào khoảng 1 giờ sáng ngày 21/7, một vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra tại Km 1767 trên Quốc lộ 1A đoạn qua xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Xe khách 16 chỗ BKS 86B-010.87 do lái xe Nguyễn Thanh Hiệp (trú tỉnh Lâm Đồng) điều khiển đã đâm trực diện xe tải BKS 79N-0315 do lái xe Phan Thanh Tùng (trú tỉnh Khánh Hoà) điều khiển theo hướng ngược lại. Nguyên nhân ban đầu vụ tai nạn được xác định do ô tô khách 16 chỗ đi không đúng phần đường quy định.
Ghi nhận tại hiện trường, do hai xe đối đầu mạnh, nên phần đầu hai xe đã bị biến dạng nặng, co rúm. Đặc biệt, xe khách 16 chỗ quay ngược đầu và biến dạng toàn bộ phần đầu. Các lực lượng chức năng đã tổ chức phân luồng xe và đến 5 giờ, giao thông trên quốc lộ đã thông suốt, xe cộ di chuyển bình thường. Công tác cứu hộ cứu nạn, đưa người bị nạn đi cấp cứu được triển khai khẩn trương. Vụ tai nạn làm 8 người chết tại chỗ, 7 người khác bị thương nặng.
Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) và Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả, cấp cứu người bị nạn; điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ TNGT.
Trong sáng 21/7, ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cùng các thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh đã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các nạn nhân. Hiện tại, các đội ngũ y, bác sỹ đang tích cực cứu chữa, điều trị tốt nhất cho các nạn nhân đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng đã yêu cầu lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo, huy động tối đa lực lượng chuyên môn, tập trung cứu chữa các nạn nhân; đồng thời, Công an tỉnh khẩn trương điều tra, xác minh nguyên nhân vụ việc, lưu ý kiểm tra về tình trạng nồng độ cồn và chất ma túy trong cơ thể 2 lái xe, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định.
Phó Thủ tướng giao Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng khẩn trương đến kiểm tra hiện trường vụ tai nạn giao thông; chuyển lời thăm hỏi, động viên của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Thường trực, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đến các nạn nhân bị thương và chia buồn với gia đình các nạn nhân không may qua đời do tai nạn; phối hợp với các cơ quan của Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ việc.
Vùng núi Bắc Bộ mưa to, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, sáng 21/7, do mưa to ở thượng nguồn nên mực nước sông Lô đang lên rất nhanh. Trong đợt lũ này biên độ mực nước thượng lưu các sông ở khu vực Bắc Bộ lên từ 2 - 3 m, riêng nước sông Lô lên từ 4 - 6 m (tại thượng lưu sông Lô báo động ở mức 2 - 3, tại hạ lưu báo động ở gần mức 1). Dự báo, trong ngày 21/7, khu vực các tỉnh Bắc Bộ tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến từ 30-50 mm, có nơi trên 80 mm.
Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các tỉnh Hà Giang và Lào Cai có mưa to đến rất to: Cao Bồ (Vị Xuyên, Hà Giang - 300 mm, TP Hà Giang (Hà Giang) - 220 mm, Mường Khương (Lào Cai) - 81 mm. Cảnh báo, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại một số khu vực thuộc các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên, Yên Bái. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 1.
Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá. Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như: mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền, an toàn tính mạng là quan trọng nhất.
Theo Tiến sỹ Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong những năm gần đây, các loại hình thiên tai như trượt, lở đất đá, lũ quét xảy ra đặc biệt nghiêm trọng tại các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Lai Châu, Hòa Bình, Thanh Hóa và một số địa phương khác, gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của nhân dân.
Nguyên nhân gây sạt, trượt ở Việt Nam, chủ yếu là do các hiện tượng thời tiết bất thường, trong đó có mưa lớn kéo dài xảy ra ngày càng nhiều, cùng với các hoạt động nhân sinh như phá rừng, khai khoáng, xây dựng các công trình giao thông, nhà cửa… Đồng thời, việc thúc đẩy các quá trình tai biến địa chất, đặc biệt là hiện tượng trượt, lở đất đá, lũ ống, lũ quét phát triển mạnh mẽ với quy mô ngày càng lớn, mức độ thiệt hại ngày càng tăng, đe dọa đến an sinh cộng đồng.
Bên cạnh đó còn một số nguyên nhân khác như: các khu vực có địa hình phân cắt mạnh, bề mặt địa hình dốc; lớp vỏ phong hóa dày, nhanh ngấm nước, dễ bị nước mưa làm cho bão hòa, giảm độ ổn định sườn dốc; rừng tự nhiên, rừng phòng hộ còn rất ít khiến lớp phủ thực vật mỏng; mưa kéo dài hoặc mưa cục bộ với cường độ lớn trong mùa mưa bão.
Giá vàng tiếp tục vượt kỷ lục trên 51 triệu đồng/lượng
Giá vàng trong nước sáng 21/7 đều bật tăng từ 100.000-390.000 đồng/lượng bán ra so với phiên trước khiến giá vàng lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 51 triệu đồng/lượng. Tính từ đầu năm tới nay, giá vàng đã tăng 20%, nếu so từ đầu năm 2019 đến nay, giá vàng tăng khoảng 41,5%.
Theo khảo sát của phóng viên báo Tin tức sáng 21/7, mặc dù vàng tăng mạnh, nhưng giao dịch tại các cửa hàng vàng lớn tại Hà Nội vẫn khá trầm lắng, không “sốt nóng” như giai đoạn năm 2010-2015. Số lượng người mua vào tăng lên chút ít và có tỷ lệ cao hơn so với bán ra.
Theo các chuyên gia tài chính, thị trường vàng hiện có nhiều yếu tố hỗ trợ, trong đó có triển vọng bất định của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới do đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng địa chính trị ở nhiều khu vực và chính sách bơm tiền của các nước… cũng hỗ trợ mạnh mẽ cho mặt hàng kim loại quý. Nhiều dự báo cho rằng, giá vàng thế giới sẽ sớm lập đỉnh mới, vượt ngưỡng 1.900 USD/ounce hồi năm 2011 và có khả năng sẽ lên 2.000/ounce trong vòng vài tháng tới do chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của các nước.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, đại diện Doji nói: “Giá vàng vượt ngưỡng 51 triệu đồng/lượng, mức cao nhất từ trước đến nay, nhưng thị trường vàng trong nước khá bình lặng. Đơn cử, giao dịch vàng tại Tập đoàn Vàng bạc đá Quý Doji ngày 20/7 so với các ngày trước đó cũng không có quá nhiều biến động. Tỷ lệ mua/bán vàng miếng và vàng ép vỉ ngày 20/7 ở mức khoảng 75%. Nếu tính từ đầu tháng 7/2020 đến nay, tỷ lệ mua/bán vàng miếng và vàng ép vỉ đạt trung bình ở mức 80%”.
“Trong thị trường với những yếu tố rất khó đoán định tạo ra bởi dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị, căng thẳng thương mại…như hiện tại. Đầu tư vàng ở mức giá này sẽ chứa đựng rất nhiều rủi ro ngay cả đối với những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nhà đầu tư cá nhân nên thận trọng quan sát và không nên ‘bỏ trứng vào một giỏ’, cần phân chia rủi ro sang các kênh đầu tư khác nhau, thay vì ‘tất tay’ vào vàng”, đại diện Doji đưa ra lời khuyên.
Theo TS.Bùi Trinh (Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam), hiện các kênh đầu tư khác như: Bất động sản, dầu mỏ, chứng khoán đang rất lao đao, chỉ có thị trường vàng vẫn tương đối vững nên các nhà đầu tư trên thế giới và Việt Nam có xu hướng mua vàng. Vì thế, không phải vấn đề cung cầu bị lệch pha. “Nếu giá vàng tăng cao quá mức sẽ ảnh hưởng đến lạm phát, ảnh hưởng dây chuyền đến các mặt hàng khác. Tuy nhiên về mặt đầu tư không có chuyện bán tháo tài sản để mua vàng nên không ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, không tạo ra thị trường ‘vàng đen’ như trước kia”, TS Bùi Trinh khẳng định.