An toàn thực phẩm- Cứ kiểm tra là ra sai phạm

Mặc dù trong thời gian qua, Hà Nội đã quyết liệt kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường nhưng vẫn còn nhiều vi phạm.

Mua bán thịt lợn tại chợ Hôm - Đức Viên. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Chỉ trong 7 tháng qua, Hà Nội đã phát hiện và xử lý hơn 700 vụ vi phạm an toàn thực phẩm. Do vậy, người dân vẫn băn khoăn lo lắng không biết nên mua gì, chọn lựa thế nào mỗi khi đi chợ.

Sai phạm tràn lan

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, để đáp ứng nhu cầu thực phẩm, nông, lâm, thủy sản cho khoảng 10 triệu người, mỗi ngày thị trường Hà Nội cần khoảng 800-1.000 tấn thịt các loại, 2.500-3.000 tấn rau, 350-400 tấn thủy, hải sản tươi sống và chế biến… Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất của TP Hà Nội mới đáp ứng được 40-60% nhu cầu, số còn lại được cung ứng từ các tỉnh.

Ông Trần Việt Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, trên thực tế khi đi kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại bất kỳ cơ sở dù lớn hay nhỏ nào trên địa bàn đều có sai phạm. Vi phạm bị phát hiện chủ yếu là kinh doanh không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện; không bảo đảm quy định an toàn thực phẩm trong quá trình chế biến, tiêu thụ; quá hạn sử dụng; kinh doanh rượu hoặc thực phẩm không rõ nguồn gốc...

Tại Hà Nội, mặt hàng thịt lợn cũng vậy được các tiểu thương bày bán trong các chợ như Nguyễn Công Trứ, Phan Chu Trinh, Hàn Thuyên, chợ Hôm Đức Viên… đều có dấu xanh kiểm dịch nhưng khá nhòe. Chị Thu Hương, phố Hàng Chuối, quận Hoàn Kiếm cho biết, dù có dấu xanh kiểm dịch được đóng trên thịt lợn nhưng chưa tin lắm bởi căng mắt cũng không đọc được chính xác dòng chữ đó. Con dấu kiểm dịch nhòe nhoẹt, mất nét chẳng khác gì dấu “triện củ khoai”.

Từ đầu năm đến nay, riêng Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý hơn 700 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hàng tỷ đồng. Mới nhất, Đội Quản lý thị trường số 11 phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP Hà Nội) kiểm tra cơ sở chế biến thực phẩm của ông Kim Văn Tuấn ở Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì), phát hiện khối lượng lớn chân, đuôi, tai, sách bò không có hóa đơn, không rõ nguồn gốc. Chủ cơ sở cũng không xuất trình được giấy đăng ký kinh doanh nên tổ công tác đã lập biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt hành chính, đồng thời buộc tiêu hủy hơn 2 tấn sản phẩm theo quy định.

Hiện tượng thực phẩm “bẩn” nhan nhản trên thị trường khiến người tiêu dùng không khỏi bất an. Bà Kim Thoa (phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm) băn khoăn, trước hàng loạt thông tin về thực phẩm "bẩn" nguy hại cho sức khỏe, người tiêu dùng không biết nên mua gì, chọn lựa thế nào mỗi khi đi chợ. Những gia đình có điều kiện kinh tế đã mua hàng tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. Còn phần lớn người dân vẫn mua thực phẩm tại các chợ dân sinh, nhưng vừa ăn, vừa lo...

Khó xử lý triệt để

Chính bởi thị trường thực phẩm sạch bẩn bất phân, thật giả khó đoán như vậy nên người dân vẫn dùng niềm tin để mua là chính. Vì cũng chẳng ai khác ngoài các cơ quan có thẩm quyền được tận mắt nhìn thấy, tận tay kiểm tra các cơ sở sản xuất, nuôi trồng thực phẩm xem đã đạt đủ điền kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm hay chưa. Cũng chẳng ai khác ngoài người bán biết được thực phẩm họ bán ra bẩn cỡ nào hay sạch bao nhiêu. Do đó, người dân hoang mang không biết nhập thực phẩm sạch ở đâu là lẽ tất yếu.

Mặc dù, thời gian qua, các lực lượng chức năng của Hà Nội đã quyết liệt trong quản lý an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, theo ông Trần Việt Hùng, vẫn xảy ra hiện tượng các đơn vị sản xuất, kinh doanh tự công bố chất lượng sản phẩm, nhưng lực lượng quản lý thị trường cũng chỉ kiểm tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm. Ngoài ra, lực lượng các đội còn “mỏng”, không có cán bộ chuyên trách an toàn thực phẩm. Hơn nữa, riêng ngành công thương chưa có mạng lưới quản lý an toàn thực phẩm ở xã, phường. Vì vậy, công tác kiểm soát chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường còn gặp nhiều khó khăn, khó xử lý triệt để.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã thí điểm thanh tra an toàn thực phẩm tuyến quận, huyện và xã, phường, cho thấy hiệu quả rõ rệt khi có sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền sở tại. Vì vậy, để siết chặt việc này, Sở Công Thương kiến nghị, chính quyền địa phương phải đóng vai trò chủ đạo trong quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn. Cùng với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm, UBND phường, xã nắm rõ "lý lịch" của các cơ sở trên địa bàn nên khi xảy ra sai phạm có thể dễ dàng truy nguồn gốc và trách nhiệm.

Bên cạnh đó, các sở, ngành kiểm tra, hướng dẫn cấp phép với những cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Những cơ sở không đủ điều kiện phải dừng hoạt động, đồng thời cần được công bố công khai để người dân biết và giám sát. Ngoài ra, việc phổ biến kiến thức cơ bản để người dân nhận diện thực phẩm không bảo đảm an toàn cũng là việc làm nhiều ý nghĩa.

Hiện, Sở Công Thương Hà Nội đang tập trung kiểm soát các hộ kinh doanh tại chợ truyền thống, phấn đấu từ nay đến cuối năm, có khoảng 80% - 90% hộ sản xuất, kinh doanh được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh an toàn thực phẩm và Sở sẽ kiểm tra thường xuyên, đột xuất đối với tất các cơ sở này.

Để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng sản xuất, kinh doanh thực phẩm “bẩn”, Sở Công Thương Hà Nội đã công bố đường dây nóng 1900 585826, tiếp nhận phản ánh về những cơ sở sản xuất, kinh doanh không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

TTXVN/Tin Tức
Phát hiện hơn 81.000 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm trong 6 tháng đầu năm
Phát hiện hơn 81.000 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm trong 6 tháng đầu năm

Sáng 11/7, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo để triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN