Phiên thảo luận được Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tường thuật trực tiếp, thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước.
Phóng viên TTXVN tại các địa phương đã ghi nhận ý kiến của cử tri.
Tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm
Theo dõi phiên thảo luận, cử tri Nguyễn Quốc Huy, cán bộ Bộ Tư pháp đánh giá: Ngay từ đầu phiên thảo luận, 76 đại biểu đăng ký tham gia phát biểu cho thấy sức "nóng" của vấn đề an toàn thực phẩm. Cử tri cho rằng, báo cáo giám sát của Quốc hội tại phiên thảo luận khá đầy đủ các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm. Ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận đã bổ sung những góc nhìn đa chiều, làm rõ nhiều vấn đề như: Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; nêu cao trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, tăng chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm, phát huy vai trò của người dân trong việc giám sát chất lượng thực phẩm…
Ngày 2/6/2017, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Bình Dương đã tiến hành tiêu huỷ gần 1,4 tấn thịt lợn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Huyền Trang/TTXVN |
Cử tri Nguyễn Quốc Huy rất đồng tình với ý kiến của đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhân, cho rằng những kết quả xử lý vi phạm an toàn thực phẩm trên địa bàn cả nước thời gian qua mới chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm", vẫn còn rất nhiều vụ vi phạm an toàn thực phẩm chưa được phát hiện, xử lý, đe dọa sức khỏe, tính mạng người dân. Để giải quyết vấn đề này phải coi vi phạm an toàn thực phẩm là một tội ác; kêu gọi người sản xuất kinh doanh có trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng và người dân phải lên tiếng tố giác vi phạm.
Cử tri Nguyễn Thúy Liễu, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, cho rằng những vụ vi phạm an toàn thực phẩm gây ngộ độc hàng loạt, điển hình như vụ ngộ độc rượu khiến hàng chục người tử vong là tiếng chuông báo động. Đồng quan điểm với ý kiến của đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội), cử tri Nguyễn Thúy Liễu đề xuất, cần nâng cao mức xử phạt đối với hành vi sản xuất, kinh doanh rượu không an toàn. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần có cơ chế phù hợp trong việc tiếp nhận phản ánh của nhân dân đối với các vi phạm an toàn thực phẩm, cũng như tôn vinh, khen thưởng người cung cấp thông tin.
Giám sát bữa ăn công nhân, thực phẩm bán ở cổng trường
Đối với hành vi bán thực phẩm công khai ở các cổng trường theo phản ánh của đại biểu Quốc hội, theo cử tri Nguyễn Thúy Liễu (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cần sớm chấn chỉnh nếu không sẽ là mối hiểm họa bởi học sinh chưa được trang bị kiến thức, cũng như năng lực để lựa chọn thực phẩm an toàn.
Từ Đà Nẵng, cử tri Nguyễn Hữu Dực ở phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, Đà Nẵng, cho biết rất tâm đắc với việc Quốc hội đã đưa vào Chương trình nghị sự và dành một ngày thảo luận về thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm. Báo cáo giám sát của Quốc hội cho thấy chỉ tính từ năm 2011 đến tháng 10/2016, cả nước đã ghi nhận 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm với 30.395 người mắc, 25.617 người nhập viện và 164 người chết. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm chủ yếu do vi sinh vật, độc tố tự nhiên, hóa chất và có đến 268 vụ không xác định được nguyên nhân. Cử tri Nguyễn Hữu Dực rất đồng tình với ý kiến của các đại biểu tại hội trường cho rằng cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý những trường hợp vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tại Bắc Ninh, cử tri Chu Văn Thảo, cán bộ hưu trí phường Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, bày tỏ đồng tình với ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội khi nói về vấn đề quản lý thực phẩm bày bán trước cổng trường; thực phẩm bẩn đang "bủa vây" khu vực quanh trường học gây ra những tác hại khôn lường đối với học sinh. Đại biểu nhấn mạnh trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý; đồng thời kiến nghị nâng cao ý thức sử dụng thực phẩm an toàn cho học sinh cũng như người bán hàng; tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thực phẩm trường học; cần có cơ quan chủ quản trong quản lý an toàn thực phẩm, đồng thời xử lý nghiêm, triệt để các sai phạm...
Cử tri Chu Văn Thảo tán thành cao với những kiến nghị, đề nghị của đại biểu Quốc hội Tôn Thị Ngọc Hạnh (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước) về việc rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, tránh chồng chéo; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong quản lý an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả quản lý thức ăn đường phố; đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm; quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn.
Tại Đồng Nai, cử tri Nguyễn Thị Thanh Tâm, nhân viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Fashion Garment (100% vốn đầu tư nước ngoài, đóng tại khu công nghiệp Biên Hòa 1, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai), cho rằng chưa khi nào tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm lại đáng báo động như hiện nay. Mỗi bữa ăn, mỗi thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày đều có sự nghi ngờ là thực phẩm đó không sạch, thực phẩm dùng hóa chất, thuốc sâu, thuốc bảo vệ thực vật quá liều…
Cử tri Nguyễn Thị Thanh Tâm mong muốn tại kỳ họp này Quốc hội cần tiếp tục ban hành nghị quyết chuyên đề về vệ sinh an toàn thực phẩm để giám sát. Luật về an toàn vệ sinh thực phẩm cần tiếp tục được sửa đổi theo hướng xử lý nghiêm minh hơn đối với những hành vi làm mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Cử tri Tâm cũng mong muốn Quốc hội tiếp tục giám sát, nhất là giám sát việc đảm bảo an toàn thực phẩm đối với bữa ăn của công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp. Hiện nay, chất lượng bữa ăn công nhân vẫn rất thấp, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm còn rất cao.
Cần có cơ quan chuyên trách
Cử tri Trần Hưng Đại, cử tri phường Hải Châu 2, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị của đại biểu xung quanh vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng tình với ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng cơ quan chức năng cần có biện pháp cương quyết, cơ chế phối hợp và Chính phủ cần xem xét, có sự phân công trách nhiệm cho một cơ quan đủ thẩm quyền chịu trách nhiệm, không như hiện nay nhiều ngành quản lý một đầu việc nên không hiệu quả. Ngoài ra, các cơ quan truyền thông cũng cần phản ánh trung thực về vấn đề an toàn thực phẩm để người dân nắm được...
Sau khi theo dõi phiên thảo luận, cử tri Lê Đăng Việt, cán bộ Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh cho rằng: Báo cáo giám sát của Quốc hội tại phiên thảo luận đã khái quát được tình hình chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm không phải là vấn đề mới. Thời gian qua, tuy đã có những chuyển biến, song tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm còn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều địa phương, gây bức xúc dư luận xã hội. Do đó, cử tri đề nghị cần có cơ quan chuyên trách về quản lý an toàn thực phẩm; đầu tư kinh phí, nhân lực, trang thiết bị cần thiết cho công tác này; đặc biệt cần tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các cấp trong quản lý an toàn thực phẩm...
Cử tri Phan Huy Anh Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho rằng, trong những năm qua, hệ thống pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm của nước ta đã có những bước tiến quan trọng. Quốc hội đã ban hành nhiều luật, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt trong việc quản lý, điều hành và triển khai Luật An toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo cử tri Phan Huy Anh Vũ, hiện nay chúng ta đã có Luật, tuy nhiên phải làm sao để Luật An toàn vệ sinh thực phẩm đi vào cuộc sống. Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay do 3 cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ, đó là ngành y tế, ngành công thương, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; cách quản lý dàn trải như hiện nay sẽ rất khó. Cử tri Vũ cho rằng để quản lý tốt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cần giao cho một đầu mối, không nên để 3 bộ, ngành cùng quản lý.