Các đại biểu đánh giá, tình trạng vi phạm về quy định an toàn thực phẩm khá phổ biến trong nhiều loại hình kinh doanh thực phẩm; an toàn thực phẩm có lúc, có nơi đã đến mức báo động. Vì thế, cần có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức vi phạm.
Đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng Ngô thị Kim Yến phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) cho rằng, những vụ ngộ độc cấp tính, nhất là gia tăng bệnh ung thư trong thời gian qua đã khiến cả xã hội lo lắng về vấn nạn thực phẩm bẩn. Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, thực phẩm vẫn gặp nhiều khó khăn, người dân phần lớn mua thực phẩm tại các chợ nhỏ lẻ. Đại biểu Ngô Thị Kim Yến phân tích, Luật An toàn thực phẩm quy định phải truy xuất nguồn gốc hàng hóa khi hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm. Khi các cơ quan chức năng phát hiện ra những vấn đề về thực phẩm bẩn thì việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa rất khó, trong khi các văn bản, thông tư liên quan đến các bộ, ngành lại còn nhiều vấn đề chưa thống nhất.
Theo đó, Luật An toàn thực phẩm được ban hành từ năm 2010, có hiệu lực năm 2011 nhưng Thông tư phân công trách nhiệm các bộ, ngành thì phải tới năm 2013 mới được ban hành. Ngoài ra, khi ban hành Thông tư vẫn còn nhiều vấn đề giao thoa giữa các Bộ còn vướng mắc.
Về việc xử phạt hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, đại biểu Ngô Thị Kim Yến nêu rõ: Kiểm tra nhiều, phát hiện nhiều nhưng lại khó xử lý vì hành lang pháp lý, tiêu chuẩn kĩ thuật về quản lý thực phẩm chưa ban hành kịp thời. Bên cạnh đó, năng lực kiểm nghiệm còn hạn chế. Ví dụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép lưu hành nhiều loại thuốc trừ sâu nhưng năng lực kiểm nghiệm chưa đáp ứng hết. Hệ thống kiểm nghiệm còn dàn trải. Ngành y tế có hai đơn vị có thể kiểm nghiệm, nông nghiệp cũng có đơn vị kiểm nghiệm, chưa kể các phòng xét nghiệm khu vực.
Để kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) cho rằng, phải quy định rõ trách nhiệm cho từng cơ quan chức năng và từng địa phương cụ thể, nếu không quy trách nhiệm thì không thể kiểm soát được vấn đề an toàn thực phẩm đang nhức nhối hiện nay. Ngoài ra, cần có những chế tài cụ thể hoặc hướng dẫn dưới Luật, gắn trách nhiệm của cơ quan, đơn vị để xử phạt.
Nhấn mạnh an toàn vệ sinh thực phẩm ảnh hưởng lớn và lâu dài đến thế hệ tương lai, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) cho rằng, phải có chế tài mạnh mẽ để xử lý cá nhân, tổ chức vi phạm, nhất là những trường hợp gây tổn hại sức khỏe người khác hoặc gây chết người. Đại biểu Lê Công Nhường đề nghị cần sớm hoàn thành, sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 2015 để tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý đối với hành vi tội phạm về an toàn thực phẩm.