Cần cơ quan quản lý thống nhất về an toàn thực phẩm

Sáng 5/6, bên kề kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, đã có nhiều ý kiến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.

Trao đổi bên lề Kỳ họp, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, việc triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên còn không ít hạn chế, bất cập; đặc biệt công tác quản lý nhà nước còn chồng chéo giữa các bộ, ngành, đơn vị. Các đại biểu đề nghị cần có một cơ quan chủ quản để quản lý thống nhất vấn đề an toàn thực phẩm.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan trả lời phỏng vấn của các phóng viên trong giờ giải lao . Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh) - Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá Báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đi thẳng vào vấn đề, thẳng thắn, khách quan và không ngại đụng chạm. Những vấn đề mà Báo cáo chỉ ra là chính xác, nếu khắc phục được thì tình hình an toàn thực phẩm chắc chắn được cải thiện.

Tuy nhiên, là người trực tiếp công tác trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, Báo cáo cần làm rõ khi nào tình trạng chồng chéo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề này được cải thiện và khắc phục; khi nào tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý thực phẩm được bổ sung để đáp ứng yêu cầu đặt ra. Bên cạnh đó, theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Báo cáo đã chỉ ra điểm yếu là công tác phân công, phân cấp nhiệm vụ quản lý Nhà nước giữa các Bộ còn có mặt chồng chéo nhưng chưa đề ra biện pháp cụ thể để giải quyết vấn đề này, vì thế cần có phân tích, đánh giá rõ hơn. 

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan phân tích, trước đây theo Pháp lệnh số 12/2003/PL-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác quản lý an toàn thực phẩm theo kiểu “cắt ngang”, nói nôm na là sản phẩm ở ruộng, ở chuồng là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quá trình phân phối, kinh doanh thì thuộc quyền Bộ Công Thương, khi “lên mâm” thì của Bộ Y tế và việc quản lý như vậy gây ra sự cắt khúc. Từ khi có Luật An toàn thực phẩm, tất cả những sản phẩm thực phẩm đều có địa chỉ cụ thể là ngành nào quản lý, từ khâu sản xuất, lưu thông, kinh doanh, chế biến, kể cả bao bì đóng gói. Tuy nhiên, việc quản lý này lại chia theo nhóm ngành hàng, cụ thể: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách 9 nhóm, Bộ Công Thương 5 nhóm và Bộ Y tế 5 nhóm. “Lấy gì đảm bảo Bộ được giao sẽ quản lý được toàn bộ quy trình từ sản xuất, lưu thông, kinh doanh, chế biến của nhóm ngành hàng hay vẫn quản lý theo sở trường của Bộ đó? Như vậy, khoảng trống bây giờ còn nhiều hơn”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đánh giá và đề nghị cần có một cơ quan quản lý thống nhất ở góc độ quốc gia đối với vấn đề này.

Ngoài ra, theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, công tác quản lý an toàn thực phẩm tại nhiều địa phương còn một số vấn đề bất cập mà Báo cáo chưa làm rõ. Đó là số lượng thủ tục hành chính quá lớn, đầu mối quá nhiều gây khó khăn cho doanh nghiệp khi xin giấy tờ cấp phép. Vì thế, các bộ cần ngồi lại với nhau để giảm bớt lượng thủ tục, chỉ giữ lại những thủ tục thực sự cần thiết. Đối với hệ thống kiểm nghiệm, trong điều kiện nguồn lực không nhiều, số mẫu kiểm nghiệm ít thì Nhà nước cần có cơ chế để xã hội hóa, tức là sử dụng phòng thí nghiệm của tư nhân, đồng thời phải có cơ chế kiểm soát rõ ràng, tránh tình trạng tùy tiện, cấp sai giấy chứng nhận chất lượng. Ngoài ra, các bếp ăn tập thể có nguy cơ ngộ độc rất lớn khi nguồn thực phẩm và quy trình chế biến không bảo đảm. Vì thế, phải có cơ chế để quy được trách nhiệm đối với chủ doanh nghiệp về sức khỏe công nhân. Đặc biệt, cần có cơ chế ưu đãi, khuyến khích cho các doanh nghiệp để doanh nghiệp đem thực phẩm an toàn đến với công nhân và người thu nhập thấp. “Công tác thông tin tuyên truyền cũng phải đẩy mạnh, làm sao để người dân không chỉ biết chống thực phẩm bẩn, mà còn phải ủng hộ thực phẩm sạch”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương trả lời phỏng vấn báo chí trong giờ giải lao. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, cần tăng cường thông tin tới người dân bởi nhiều người chưa nhận thức được sự nguy hiểm về mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Đối với một số đối tượng vì lợi nhuận mà kinh doanh thực phẩm bẩn, phải có chế tài xử lý phù hợp. Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, cần xử phạt nghiêm đối tượng sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm... Điều này đảm bảo tính răn đe đối với các đối tượng sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm bẩn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và giống nòi.

Về công tác quản lý Nhà nước đối với vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, cần có một cơ quan chủ quản để quản lý thống nhất về an toàn thực phẩm bởi hệ thống cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề này hiện nay, lực lượng còn phân tán ở nhiều bộ, ngành, đơn vị, từ đó việc kiểm tra, giám sát, xử lý chưa đạt yêu cầu đề ra.

Phan Phương (TTXVN)
Đại biểu Quốc hội: Mất an toàn thực phẩm đang là vấn đề 'nhức nhối'
Đại biểu Quốc hội: Mất an toàn thực phẩm đang là vấn đề 'nhức nhối'

Bệnh ung thư mỗi năm khiến 70.000 người chết và hơn 200.000 ca phát hiện mới ở Việt Nam. Trong đó, có một phần nguyên nhân từ sử dụng thực phẩm không an toàn. Theo các đại biểu Quốc hội: Mất an toàn thực phẩm đang là vấn đề “nhức nhối”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN