Yemen - Tấm gương phản chiếu bất ổn Trung Đông

Các chuyên gia Ai Cập cho rằng cuộc xung đột đang làm chao đảo Yemen chính là tấm gương phản chiếu tình trạng bất ổn ở Trung Đông, đặc biệt là sau khi các lực lượng trung thành với Tổng thống Abd-Rabbo Mansour Hadi chiếm lại được thành phố chiến lược Aden ở miền Nam từ tay các phiến quân Houthi theo dòng Shi'ite.

Yemen ngày càng giống một chiến trường của các cường quốc khu vực và quốc tế, những cường quốc đang tìm kiếm ảnh hưởng lớn hơn tại khu vực Trung Đông thông qua cuộc xung đột đang tàn phá đất nước này. Trong số các cường quốc đó có Mỹ, Saudi Arabia và Iran.

Lực lượng ủng hộ phiến quân Houthi tham gia cuộc chiến chống liên quân tại thủ đô Sanaa ngày 24/7.


Gehad Auda, Giáo sư về quan hệ quốc tế của Đại học Helwan, nói: "Yemen lâu nay vẫn là mối quan tâm của Mỹ. Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng công khai nói rằng Yemen là một đất nước có liên quan đến lợi ích an ninh quốc gia Mỹ". Vị Giáo sư này nói rằng sở dĩ Yemen được đánh giá cao như vậy vì nước này kiểm soát Eo biển Bab al-Mandeb nối Biển Đỏ và Vịnh Aden cũng như các lục địa Á Phi. "Chính vì vậy mà Yemen là một đất nước rất quan trọng cả về địa chính trị lẫn địa chiến lược". Giáo sư Gehad Auda cho rằng, do gánh vác trách nhiệm đảm bảo an ninh cho các đồng minh vùng Vịnh, nước Mỹ hẳn phải giúp đỡ các lực lượng trung thành với ông Hadi nắm giữ được Yemen để đảm bảo an ninh quốc gia cho Saudi Arabia và các đối tác vùng Vịnh khác.

Không hài lòng với thỏa thuận hạt nhân mà Iran và Nhóm P5+1 vừa ký kết, Saudi Arabia rõ ràng rất lo ngại về ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Yemen được coi là cửa ngõ phía Nam cho một Saudi Arabia giàu dầu lửa, vì vậy, sự ổn định của Yemen là vấn đề quan trọng đối với an ninh quốc gia của vương quốc này nói riêng và của khu vực vùng Vịnh nói chung.

Chính vì thế, Saudi Arabia đang dẫn đầu một liên minh Arập tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các tay súng Houthi. Giáo sư Auda nói: "Yemen luôn đóng một vai trò quan trọng đối với Saudi Arabia vì nước này được coi là 'sân sau' của Riyadh", đồng thời nhấn mạnh rằng việc Saudi Arabia giúp các lực lượng ủng hộ ông Hadi nắm quyền kiểm soát Yemen đánh dấu một "sự cân bằng mới" ở đất nước bị chiến tranh tàn phá này. Việc các lực lượng của ông Hadi nắm giữ Yemen được coi là "ánh sáng ở cuối đường hầm", giúp chính quyền Yemen khôi phục sau khi các tay súng Houthi rút khỏi thành phố Aden và chính phủ của ông Hadi nắm toàn quyền kiểm soát thành phố chiến lược này.

Nourhan al-Sheikh, Giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Cairo, nói: "Ngay từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng, đã xuất hiện kịch bản Yemen bị chia tách thành hai miền Nam và Bắc. Tuy nhiên, Saudi Arabia đã không chấp nhận kịch bản này bởi nó giống như cái gai đâm vào lưng vương quốc này vì sự hiện diện của lực lượng Houthi chẳng khác nào một viễn cảnh Yemen sẽ đi theo dòng Shi'ite". Bà cho rằng việc Yemen bị chia tách có thể là một diễn biến "trên thực tế", nhưng liên minh do Riyadh dẫn đầu sau đó sẽ tìm cách xóa sổ các phiến quân Houthi ở miền Bắc. Giáo sư Nourhan al-Sheikh nói: "Saudi Arabia là nước Arập lo lắng nhiều nhất về cuộc khủng hoảng Yemen, vì vậy, vương quốc này sẽ không chấp nhận việc Yemen bị chia tách".

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, tình hình rối ren và chủ nghĩa khủng bố giống như hai mặt của một đồng xu. Tình trạng hỗn loạn là môi trường lý tưởng để các nhóm cực đoan phát triển vì chúng sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm được nguồn tài chính cũng như vũ khí tại một đất nước bị chao đảo.

Giáo sư Nourhan al-Sheikh cảnh báo: "Khoảng trống chính trị là môi trường lý tưởng đối với các nhóm cực đoan như tổ chức Nhà nước Hồi giáo và al-Qaeda", đồng thời lưu ý rằng khi chính quyền Yemen được khôi phục và tăng cường sức mạnh, những nhóm cực đoan như vậy thường lui về nơi ẩn náu của chúng. Bà nhấn mạnh: "Quyền lực của một chính quyền càng suy yếu thì các nhóm cực đoan càng lộng hành và trở nên mạnh hơn", và bày tỏ hy vọng rằng những nhóm cực đoan đó sẽ biến mất khi chính quyền Hadi khôi phục hoàn toàn và lấy lại được sức mạnh, tiến hành các cuộc tấn công vào các hang ổ của chúng, ngăn chặn các hoạt động của chúng và cắt đứt các nguồn tài chính cũng như vũ khí của chúng.

TTK
Kế hoạch Đại Trung Đông của Saudi Arabia - Kỳ 1:
Kế hoạch Đại Trung Đông của Saudi Arabia - Kỳ 1:

Quan hệ đồng minh lâu đời giữa Mỹ và Saudi Arabia đang đứng trước những thách thức trước sự biến chuyển nhanh chóng của tình hình khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN