Xung quanh cuộc chiến giảm giá dầu mỏ

Theo báo "Liên hợp buổi sáng" ngày 28/1, bắt đầu từ tháng 6/2014, giá dầu mỏ thế giới đã giảm từ mức 115 USD/thùng xuống mức thấp nhất thời gian gần đây là 45 USD/thùng. Dù giá dầu mỏ đã giảm hơn 60% giá trị song đến nay vẫn không có dấu hiệu phục hồi.

Xét theo quy luật cung cầu, để giá dầu tăng thì cách tốt nhất là cắt giảm sản lượng ngay lập tức. Tuy nhiên, lý do các quốc gia sản xuất dầu mỏ lại không làm như vậy vì đây là một “cuộc chiến dầu mỏ” với loại hình mới diễn ra trong bối cảnh hết sức phức tạp.

Khi giá dầu giảm xuống hồi năm ngoái, những người theo "trường phái âm mưu" cho rằng do các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga không đạt hiệu quả, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã phối hợp với nhau làm cho giá dầu giảm để đánh thêm một đòn mạnh nữa vào Nga, nước vốn dựa chủ yếu vào xuất khẩu dầu mỏ. Cách lập luận này về sau được chứng minh là không thực sự đúng. Trên thực tế, việc giá dầu giảm là do xuất hiện tình trạng cung vượt quá cầu, toàn bộ các công ty dầu mỏ rơi vào trường hợp điển hình "đâm lao phải theo lao".

Việc các quốc gia sản xuất dầu mỏ không chịu giảm sản lượng là bởi vì các bên đều có những tính toán của riêng mình. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) không giảm sản lượng vì muốn duy trì vị trí chiếm lĩnh thị phần thế giới.

Trước đây, tổ chức này chiếm 40% thị trường dầu mỏ thế giới, song hiện nay đã giảm xuống còn 31,9%, chủ yếu do ảnh hưởng của sự phát triển dầu mỏ đá phiến của Mỹ. OPEC có ý đồ làm giá dầu mỏ giảm nhằm tiến hành một cuộc chiến lâu dài khiến cho các doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến của Mỹ lần lượt phải đóng cửa, rút khỏi cuộc cạnh tranh và khi đó giá dầu sẽ tăng trở lại.

Cơ sở lọc dầu Zawiya cách thủ đô Tripoli, Libya khoảng 40 km về phía tây. Ảnh: AFP/TTXVN.


Theo tính toán, giá thành khai thác thác dầu mỏ của Saudi Arabia vào khoảng 8-10 USD/thùng và đây cũng là mức giá thấp nhất trong số các nước xuất khẩu dầu mỏ. Do vậy, họ còn có khả năng chịu được áp lực giá dầu giảm xuống 30 USD/thùng.

Trong khi đó, các doanh nghiệp khai thác dầu đá phiến của Mỹ không những không thể giảm sản lượng mà thậm chí còn tăng khả năng khai thác lên 9 triệu thùng mỗi ngày nhằm giảm những tổn thất do giá dầu trượt giá gây ra. Giá thành khai thác dầu đá phiến của Mỹ vào khoảng 50-60 USD/thùng.

Việc giá dầu WTI của Mỹ hiện giảm xuống còn 45 USD/thùng không những không mang lại lợi nhuận cho Mỹ mà còn khiến nước này phải chịu thua lỗ. Tuy nhiên, các công ty khai thác dầu mỏ của Mỹ không thể ngừng sản xuất bởi vì họ đã đi vay ngân hàng khoảng 200 tỷ USD để phục vụ cho việc khai thác ở 1.750 giếng dầu.

Đây là tình cảnh khó khăn “ngồi lên lưng hổ” của các công ty năng lượng Mỹ. Từ tháng 12/2014 trở lại đây, Mỹ đã ngừng hoạt động khoan thăm dò ở 209 điểm. Các giếng dầu có hiệu quả thấp trong khai thác sẽ tiếp tục đứng trước nguy cơ phải đóng cửa. Rõ ràng "con hổ" bị thương là các công ty khai thác dầu đá phiến của Mỹ. Chiến lược “cạnh tranh cắt cổ họng” của OPEC xem ra đã có kết quả.

Các nước Nga, Iran, Venezuela càng không thể nói đến việc cắt giảm sản lượng bởi vì dầu mỏ là nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của họ. Do đó, các nước này chỉ có cách tăng đổi sản lượng để bù đắp cho những thiệt hại mà giá dầu sụt giảm gây ra. Điều này sẽ khiến giá dầu suy giảm hơn nữa.

Nga là nước chịu thiệt hại nhiều nhất trong cuộc chiến giảm giá dầu này với việc đồng ruble đã giảm gần 40% giá trị, lãi suất ngân hàng tăng đến 17%, giá cả tăng cao, và bắt đầu lâm vào một đợt suy thoái kinh tế. Giá dầu giảm xem ra còn tác động mạnh hơn so với các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và EU áp đặt đối với Nga.

Trong cuộc chiến giảm giá dầu này không có người chiến thắng mà chỉ có người thua. Giá dầu giảm có thể khiến cho nền kinh tế thế giới tăng trưởng thêm từ 0,5 đến 1%, song nếu như giá dầu ở mức thấp trong thời gian dài, các công ty khai thác dầu mỏ lần lượt phải đóng cửa, khi đó sẽ tác động đến các ngành công nghiệp bổ trợ, thậm chí tác động đến hệ thống tài chính toàn cầu.

Nền kinh tế Mỹ đang phục hồi tất nhiên sẽ bị ảnh hưởng, nền kinh tế toàn cầu còn đang mong manh có nguy cơ rơi vào một cuộc suy thoái mới.


TTK

Giá dầu thế giới lại giảm
Giá dầu thế giới lại giảm

Giá dầu mỏ thế giới lại giảm do có thông tin dự trữ dầu thô của Mỹ tăng cao kỷ lục, gây những quan ngại mới về nguồn cung mặt hàng này trên toàn cầu tăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN