Viễn cảnh thị trường dầu mỏ thế giới sau khi giá lao dốc xuống mức âm

Lần đầu tiên trong lịch sử, dầu trên thị trường thế giới có mức giá âm và về lý thuyết người bán phải trả tiền cho người mua để mong người mua mang bớt dầu đi. Thị trường dầu chưa từng rơi vào tình cảnh bi đát như hiện nay và tương lai cũng ảm đạm không kém.

Nguyên nhân giá dầu giảm chưa từng thấy

Chú thích ảnh
Một trạm bơm dầu ở Luling, bang Texas, Mỹ ngày 12/3/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ New York Times, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI (Tây Texas) của Mỹ giảm hơn 50 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 20/4 (giờ Mỹ), kết thúc phiên ở ngưỡng -37,63 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên giá dầu ở mức âm và một nguyên nhân là thừa cung.

Giá dầu giảm mạnh còn một phần do cách định giá và cách giao dịch mặt hàng đặc biệt này. Khi thương nhân bán dầu, họ đảm bảo giao dầu trong một thời điểm tương lai. Bình thường thì chênh lệch giá giữa dầu giao tháng tới và tháng sau nữa tương đối nhỏ. Tuy nhiên, vào phiên 20/4, một ngày trước khi hợp đồng dầu giao tháng 5 đáo hạn, dầu mỏ trở nên vô giá trị, còn dầu giao tháng 6 cũng giảm mạnh nhưng chưa tới mức như dầu giao tháng 5. Mức giá khác nhau này phản ánh quan điểm của thị trường về giá trị hiện tại của dầu thô.

Theo ông Antoine Halff, thành viên sáng lập công ty nghiên cứu Kayrros, sự chênh lệch giá trên cho thấy thị trường dầu đang cực kỳ căng thẳng và đó là dấu hiệu mất cân bằng cung-cầu thực sự.

Không khó để nhận thấy nhu cầu dầu mỏ đang sụp đổ do dịch COVID-19. Bất chấp thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia, Nga và một số quốc gia, thế giới đang hết chỗ chứa lượng dầu được khai thác hàng ngày – 100 triệu thùng/ngày. Đầu năm 2020, giá dầu ở mức trên 60 USD/thùng, nhưng tới ngày 17/4, một thùng dầu chỉ có giá 20 USD rồi sau đó lao xuống mức âm. Giá dầu WTI có lúc còn rớt tới mức -40,32 USD/thùng trước khi đóng phiên giao dịch ở mức -37,63 USD/thùng.

Sự sụt giảm choáng váng của giá dầu là kết quả của những bất thường trên thị trường dầu, nhưng nó cũng cho thấy tình trạng hỗn loạn của ngành dầu mỏ khi đại dịch COVID-19 khiến kinh tế thế giới tê liệt.

Ông Aaron Brady, Phó Chủ tịch dịch vụ thị trường dầu tại Công ty tư vấn HIS Markit, nói: “Nếu bạn là nhà sản xuất, thị trường đã biến mất và nếu bạn không còn chỗ chứa dầu thì bạn đã hết vận may. Hệ thống đột ngột ngừng lại”.

Các nhà máy lọc dầu không muốn biến dầu thành xăng, diesel và các sản phẩm khác vì hầu như không mấy ai di chuyển hoặc đi máy bay trong tình hình dịch COVID-19 hiện nay. Giao thương quốc thế cũng giảm mạnh. Các công ty đang trữ dầu cả ở trên tàu chuyên dụng và bất kỳ ngóc ngách, xó xỉnh nào có thể tìm được. Những ngày này, lợi thế trong ngành dầu mỏ chính là có nhiều tàu chứa dầu.

Theo các chuyên gia năng lượng, thế giới có thể dự trữ khoảng 6,8 tỷ thùng dầu và gần 60% kho dự trữ đã đầy dầu. Theo công ty năng lượng Rystad Energy, tình trạng thừa mứa dầu đang xảy ra ở Cushing, bang Oklahoma, một trung tâm trữ dầu quan trọng và là nơi mà dầu được giao dịch trên thị trường tương lai Mỹ đổ về. Các kho chứa dầu cũng gần đầy ở vùng Caribe và Nam Phi, còn Angola, Brazil và Nigeria có thể hết chỗ chứa trong vài ngày nữa.

Khó giải quyết vấn đề thừa cung

Chú thích ảnh
Thế giới mất cân bằng cung-cầu dầu nghiêm trọng. Ảnh: THX/TTXVN

Trong bối cảnh nhu cầu đi lại và giao thương trong đại dịch COVID-19 ở mức thấp như hiện nay, sẽ khó mà nhanh chóng giải quyết được vấn đề của ngành dầu mỏ. Cơ sở hạ tầng dầu mỏ rất phức tạp và không dễ dàng ngừng sản xuất. 

Đóng cửa giếng dầu và sau đó khởi động lại khi nhu cầu dầu tăng trở lại không đơn giản và đòi hỏi nhiều nhân lực, thiết bị tốn kém, có khi còn tốn kém hơn là trả tiền cho người mua dầu. Không phải lúc nào mỏ dầu cũng trở lại sản lượng trước khi đóng. Ngoài ra, một số công ty dầu liên tục sản xuất ngay cả khi thua lỗ vì họ phải trả lãi suất và tồn tại.

Ngay cả việc cắt giảm sản lượng cũng không giúp gì cho thị trường dầu. Mới tuần trước đó, người ta còn chút lạc quan với ngành dầu. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ, Nga và một số nhà sản xuất (OPEC+) cho biết sẽ cắt sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày, tương đương 10% sản lượng dầu toàn cầu và là mức cắt giảm lớn chưa từng thấy.

Tuy nhiên, mức cắt giảm kỷ lục này không mang nhiều ý nghĩa. Các nhà phân tích dự kiến lượng tiêu thụ dầu hàng ngày giảm tới 29 triệu thùng trong tháng 4, gấp khoảng ba lần so với mức cắt giảm nói trên. Tháng 5 cũng không có gì khác biệt.

Các nhà sản xuất dầu Mỹ cũng đang giảm sản lượng nhưng không đủ nhanh. Với tốc độ hiện nay, sản lượng dầu Mỹ sẽ giảm xuống dưới 11 triệu thùng/ngày vào thời điểm cuối năm, so với mức 13,3 triệu thùng/ngày cuối năm 2019. Nhiều công ty đã lỗ nặng và sẽ phải xin bảo hộ phá sản trong những tháng tới.

Các động thái cắt giảm nói trên có thể hỗ trợ ổn định thị trường nhưng phải mất hàng tháng mới có tác động. Tình cảnh bi đát của ngành dầu đang buộc các nhà hoạch định chính sách Mỹ phải cân nhắc can thiệp mạnh hơn.

Ngày 21/4, Ủy ban Đường sắt Texas (quản lý ngành khai thác khí đốt và dầu), sẽ xem xét đề xuất giảm sản lượng 20% toàn bang. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhắc lại kế hoạch mở cửa kho dự trữ xăng chiến lược do liên bang kiểm soát để trữ lượng dầu thừa không có chỗ chứa. Bộ Năng lượng Mỹ cũng cân nhắc khả năng cho các nhà sản xuất thuê chỗ chứa dầu. Theo tờ Financial Times, giá dầu sụp đổ là đòn giáng với Tổng thống Mỹ Donald Trump – người luôn ủng hộ ngành dầu mỏ. 

Tương lai ngành dầu

Chú thích ảnh
Một trạm bán xăng ở Plano, Texas, Mỹ ngày 20/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Nhà phân tích Jason Gammel tại công ty Jefferies cho rằng ngành dầu mỏ đang đối mặt với triển vọng vĩ mô ảm đạm nhất mà ông từng chứng kiến.

Các chuyên gia cho rằng Mỹ sẽ hết khả năng trữ dầu trong hai tuần nữa và tình trạng giảm tiêu thụ dầu ở Mỹ sẽ còn gia tăng. Trong khi số người thất nghiệp ở Mỹ tăng vọt dẫn tới nhu cầu lái xe giảm dần, tình hình thị trường dầu sẽ chỉ xấu hơn từ bây giờ. Kể cả trong giai đoạn nhu cầu đi lại đạt đỉnh trong những tháng Hè, mức cầu về xăng cũng sẽ bị tổn hại.

Mức giá âm xảy ra sau một quá trình tích tụ của nhiều yếu tố như cuộc chiến giá dầu, đại dịch và kinh tế suy giảm. Diễn biến kỳ lạ này có thể nhanh chóng bị lãng quên khi các thương nhân tập trung vào hợp đồng giao tháng 6. Dù hợp đồng giao tháng 6 có vẻ không bi đát như tháng 5 nhưng mức giá 20 USD/thùng sẽ là mức mà hầu hết công ty dầu không thể trụ lâu. Ngoài ra, mức giá 20 USD/thùng có thể sẽ không phải là giá sàn và sẽ còn giảm nữa.

Do đó, Tổng giám đốc điều hành công ty Schulumberger, ông Olivier Le Peuch cho rằng quý hai năm nay có thể sẽ bất ổn nhất, gián đoạn nhất mà ngành dầu mỏ từng chứng kiến. Ngày 19/4, công ty dịch vụ dầu mỏ Halliburton cũng đưa ra triển vọng u ám về thị trường dầu: “Chúng tôi cho rằng hoạt động ở Bắc Mỹ sẽ giảm mạnh trong quý hai và vẫn ảm đạm tới tận cuối năm, ảnh hưởng tới mọi khu vực sản xuất dầu”.

Tình hình dịch bệnh khiến các nhà phân tích liên tục rà soát lại dự báo giá dầu và ngày càng nhiều người nhận ra rằng cú sốc với nguồn cung sẽ kéo dài hơn dự kiến. Nhu cầu dầu toàn cầu sẽ hầu như không thể bật lại mức 100 triệu thùng/ngày trong tương lai gần, nếu không muốn nói là không thể.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Tác động từ việc giá dầu thô xuống dưới 0 USD/thùng vì dịch COVID-19
Tác động từ việc giá dầu thô xuống dưới 0 USD/thùng vì dịch COVID-19

Ngày 20/4, giá dầu thô Mỹ giao tháng 5 rơi xuống mức dưới 0 USD/thùng, điều chưa từng có trong lịch sử và cho thấy tác động khủng khiếp của đại dịch COVID-19 với năng lượng toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN