Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin các văn bản của chính phủ Trung Quốc cho thấy giới chức thành phố Đan Đông thuộc tỉnh Liêu Ninh gần đây bắt đầu mời thầu một loạt dự án, trong đó bao gồm cây cầu mới bắc qua sông Áp Lục vốn bị trì hoãn từ lâu.
Cây cầu đường bộ 8 làn xe này được thiết kế để thay thế cầu Hữu nghị Trung-Triều do quân Nhật xây năm 1943, chỉ có một đường ray và đường một chiều. Cây cầu có thể giúp mang lại nguồn đầu tư cho một khu kinh tế được quy hoạch ở Đan Đông - thành phố 2,5 triệu dân nằm đối diện với thành phố Sinujiu của Triều Tiên - và thúc đẩy giao thương với nước láng giềng này.
Dự án bắt đầu được triển khai cách đây 10 năm và dự kiến ban đầu mở cửa vào năm 2014. Cho đến nay cây cầu này vẫn chưa đi vào hoạt động mà không rõ lý do.
Tuy nhiên, giới chức Đan Đông vừa tiến hành đấu thầu dự án nghiên cứu tính khả thi cho một bến cảng biên giới mới ở đầu Trung Quốc của cây cầu.
Tháng trước, cơ quan giao thông vận tải tỉnh Liêu Ninh cũng đã bắt đầu quá trình đấu thầu hợp đồng kiểm tra an toàn kéo dài 6 tháng cho cây cầu mới, theo đó họ cho biết công trình sẽ sớm đưa vào hoạt động.
Vào tháng 1, Phòng tài nguyên thiên nhiên Đan Đông thông báo rằng một công ty tư vấn môi trường có trụ sở tại Thẩm Dương đã được ký hợp đồng thực hiện đánh giá tác động môi trường để đảm bảo sự phát triển bền vững của khu hợp tác kinh tế biên giới. Dự án này được phê duyệt lần đầu vào năm 1992.
Ngoài sự chậm trễ trong việc khai trương cây cầu, hoạt động thương mại xuyên biên giới giữa hai nước còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc liên quan đến chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, và nó đã gần dừng lại vào tháng 1 năm ngoái khi Triều Tiên đóng cửa biên giới sau khi COVID-19 bắt đầu bùng phát.
Những nỗ lực mới nhất đã làm hồi sinh sự đồn đoán cho rằng Trung Quốc và Triều Tiên đang tiến tới củng cố mối quan hệ trước sức ép từ Mỹ.
Hôm 12/4, Bắc Kinh thông báo rằng Lưu Hiểu Khánh, cựu đại sứ tại Anh đã được bổ nhiệm làm đại diện đặc biệt mới về các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên - một vị trí bị bỏ trống trong gần hai năm.
Trích dẫn các nguồn tin thương mại, đài truyền hình Hàn Quốc JTBC đưa tin giới chức ở Đan Đông đã bắt đầu chấp nhận đăng ký xuất khẩu cho một cửa khẩu dự kiến mở lại vào ngày 16/4, một ngày sau sinh nhật của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành.
Một thương nhân giấu tên ở Đan Đông nói với JTBC rằng các quan chức hải quan ở Trung Quốc và Triều Tiên đang tiến hành tập huấn kiểm dịch cho các công ty thương mại. Người này cho biết thêm rằng hàng hóa, chủ yếu là than và phân bón hóa học cho vụ gieo hạt xuân, đã sẵn sàng để thông quan.
Một nguồn tin khác tiết lộ với JTBC rằng việc nối lại thương mại sẽ chỉ giới hạn ở hàng hóa, trong khi các quy định nghiêm ngặt về giao lưu giữa người với người, bao gồm cả du lịch, vẫn được duy trì.
Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Triều Tiên gần đây đã bày tỏ mong muốn thắt chặt mối quan hệ hơn. Trong thông điệp do đại sứ mới được bổ nhiệm Ri Ryong-nam đưa ra, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cam kết tăng cường mối quan hệ, trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trả lời rằng tình hữu nghị truyền thống giữa Trung Quốc và Triều Tiên là "kho báu chung" của cả hai dân tộc.
Ông Lu Chao, chuyên gia về vấn đề Triều Tiên tại Học viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh, nhận xét nếu biên giới mở cửa trở lại, khối lượng thương mại sẽ nhỏ và chủ yếu giới hạn ở các nguyên liệu sản xuất nông nghiệp như phân bón hóa học, máy kéo và các bộ phận máy móc nông nghiệp. Triều Tiên rất cần những sản phẩm này do mùa gieo hạt vụ xuân đang đến gần.
Ông Lu nói: “Tuy nhiên, một sự phục hồi đáng kể khó có thể xảy ra trong tương lai gần vì rủi ro đại dịch và các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc vẫn còn. Trong khi phía Trung Quốc đã sẵn sàng và phía Triều Tiên đang làm đẩy mạnh hoàn thành phần cầu sông mới ở đầu nước này, việc nối lại hoàn toàn các kênh thương mại không phải là điều cấp thiết”.