Vì sao phe Dân chủ xúc tiến luận tội Tổng thống Trump dù chỉ còn chục ngày là hết nhiệm kỳ?

Có những lý do rõ để sau cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol, đảng Dân chủ đang muốn buộc ông Trump rời ngay nhiệm sở dù chỉ còn ít ngày nữa là nhiệm kỳ tổng thống kết thúc.

Chú thích ảnh
Đám đông bạo loạn xông vào Toà nhà Quốc hội Mỹ ngày 6/1/2021. Ảnh: Getty Images

Sau cuộc bạo loạn của những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump, ngày càng nhiều thành viên Đảng Dân chủ tại Hạ viện đang thúc đẩy việc luận tội tổng thống lần thứ hai. Lần này, họ không chỉ ngồi đó chờ đợi.

Theo tờ Vox, Hạ viện đã sẵn sàng công bố các điều khoản luận tội vào ngày thứ hai, 11/1, có thể dẫn đến một cuộc bỏ phiếu ngay sau đó. 

Các điều khoản luận tội đang được soạn thảo bởi các Hạ nghị sĩ Dân chủ David Cicilline, Ted Lieu và Jamie Raskin, và cho đến nay bao gồm việc luận tội ông Trump vì “lạm dụng quyền lực” và “kích động bạo loạn” – theo bản dự thảo được Nghị sĩ Cicilline công bố ngày 7/1. 

Tối 8/1, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng cho biết các nhà lập pháp Hạ viện hy vọng Tổng thống Trump sẽ “từ chức ngay lập tức”. “Nhưng nếu ông ta không làm vậy, tôi đã chỉ thị cho Ủy ban Quy tắc chuẩn bị áp dụng Tu chính án thứ 25 và đề nghị luận tội của Nghị sĩ Jamie Raskin”, bà Pelosi bổ sung.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tại Điện Capitol sau vụ bạo loạn. Ảnh: AFP/Getty Images

Có một lý do quan trọng cho nỗ lực luận tội Tổng thống Trump lần thứ hai. Ông Trump chỉ còn 10 ngày tại vị, nhưng nếu bị Hạ viện luận tội và Thượng viện kết tội, ông có thể bị cấm tranh cử trong tương lai.

Ngoài ra, việc luận tội Tổng thống Trump – một lần nữa – sẽ cho phép các nhà lập pháp gửi một thông điệp về sự cần thiết phải có trách nhiệm giải trình từ tổng thống về những hành động có khả năng gây ra những hậu quả lâu dài.

Do vai trò rõ ràng của ông Trump trong việc lôi kéo người ủng hộ tấn công Điện Capitol – gây ra bạo lực chết người sau đó, nhiều nhà lập pháp Hạ viện thấy đây là một trường hợp rõ ràng để luận tội.

“Sự khác biệt [so với lần luận tội trước] là đây là điều mà ai cũng thấy,” một phụ tá cấp cao của đảng Dân chủ nói với Vox. "Đây không phải là một cuộc gọi của Zelensky [tổng thống Ukraine], nơi còn xảy ra tranh luận về pháp lý".

Các đảng viên Dân chủ cho rằng, lý do xúc tiến luận tội tổng thống của họ là hiển nhiên: Họ chứng kiến đám đông bạo loạn ủng hộ Tổng thống Trump xâm phạm và phá hoại Điện Capitol. Họ chứng kiến 5 người bỏ mạng sau cuộc tấn công, trong đó có cả cảnh sát viên Điện Capitol Brian Sicknick.

“Vào năm 2019, chúng tôi đối mặt với một tổng thống đang dần xói mòn các chuẩn mực Dân chủ”, Hạ nghị sĩ Mikie Sherrill nói với Vox. “Còn lần này, chúng tôi thấy điều này xảy ra ngay thực tại... Tổng thống đã khuyến khích bạo lực chống lại Hạ viện khi cơ quan này đang cố gắng chứng nhận một cuộc bầu cử”.

Vụ luận tội của phe Dân chủ chủ yếu xoay quanh vai trò của ông Trump trong việc kích động đám đông, sau đó xông vào náo loạn Điện Capitol. Tổng thống đã hô hào trước đám đông ủng hộ, liên tục nói rằng cuộc bầu cử đã “bị đánh cắp”, yêu cầu họ tuần hành đến Đồi Capitol. Ông nhiều lần sử dụng từ “chiến đấu” trong bài phát biểu của mình.

Các đảng viên Dân chủ cũng có thể đề cập đến cuộc điện thoại gần đây của ông Trump với Thư ký tiểu bang Georgia, ông Brad Raffensperger, khuyến khích ông này “tìm” hơn 11.000 phiếu bầu để lật ngược cuộc bầu cử.

Nhưng điều lớn nhất mà đảng Dân chủ tập trung vào có thể là cách Tổng thống Trump tiếp tục nói dối [về gian lân bầu cử], gây hậu quả là bạo lực và tử vong tại Toà nhà Quốc hội, đánh dấu lần đầu tiên Đồi Capitol bị xâm phạm kể từ cuộc xâm lược của quân Anh vào năm 1812 và là lần đầu tiên bởi chính công dân Mỹ.

Chú thích ảnh
Phe Dân chủ cáo buộc Tổng thống Trump kích động bạo loạn nhằm vào Toà nhà Quốc hội. Ảnh: AP

“Đó là việc buộc tổng thống phải chịu trách nhiệm về việc kích động bạo lực chống lại thủ đô của quốc gia” - Hạ nghị sĩ Dân chủ Ro Khanna nói với Vox - “Một cuộc luận tội sẽ ngăn ông ta tái tranh cử, sẽ tước bỏ quyền tiếp cập thông tin mật của ông ta, vì vậy có lý do để chúng tôi chuyển sang luận tội.”

Hiện tại, nhiều thành viên Dân chủ ôn hòa cũng đã ký vào các điều khoản luận tội của các nghị sĩ Cicilline, Raskin và Lieu hoặc bày tỏ sự cởi mở trong việc xem xét quy trình.

"Tôi muốn các quan chức Nội các hành động, nhưng tôi sẽ sẵn sàng xem xét các bước khác, chẳng hạn như luận tội", Hạ nghị sĩ Elissa Slotkin tuyên bố hôm 7/1.

Bối cảnh của quá trình luận tội lần này cũng khác đáng kể so với quá trình luận tội trước đó: Các thành viên Hạ viện vừa được bầu lại và sẽ không phải tái tranh cử trong 2 năm nữa. Giành chiến thắng sau cuộc bầu cử vòng hai Thượng viện ở Georgia, đảng Dân chủ cũng vừa giành lại quyền kiểm soát Thượng viện với đa số mong manh, mặc dù hai thượng nghị sĩ mới của Georgia có thể sẽ không được tham gia Thượng viện cho đến sau lễ nhậm chức của ông Biden.

Chú thích ảnh
Tổng thống đắc cử Joe Biden công bố đề cử nội các tại Wilmington, Delaware, ngày 8/1. Ảnh: Getty Images

Về phần mình, Tổng thống đắc cử Joe Biden không đưa ra quyết định luận tội ông Trump. "Những gì Quốc hội quyết định làm là để họ quyết định”, ông Biden nói với các phóng viên tại sự kiện công bố Nội các của ông vào ngày 8/1.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Tổng thống Trump đối mặt hậu quả gì sau vụ tấn công Quốc hội Mỹ
Tổng thống Trump đối mặt hậu quả gì sau vụ tấn công Quốc hội Mỹ

Giới phân tích cho rằng di sản của Tổng thống Trump sẽ bị hoen ố mãi mãi, trong khi bản thân ông đối mặt với nguy cơ bị phế truất dù chỉ còn ít ngày là hết nhiệm kỳ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN