Mặc dù có cùng điểm đến là thành phố biển Sochi của nước Nga, trong đêm khai mạc Olympic Mùa Đông 2014, song Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thật khó có thể tìm cách thông cảm lẫn nhau. Ngược lại, những tranh cãi giữa Bắc Kinh và Tokyo lại càng trở nên gay gắt hơn, khi Tổng thống Philippines Benigno Aquino mới đây lên tiếng buộc tội Trung Quốc, so sánh hành động tăng cường sức mạnh Hải quân nhằm mở rộng hải phận của Trung Quốc giống như chính sách "thôn tính thế giới" của Đức Quốc xã. Đáp lại, Trung Quốc thậm chí gọi tuyên bố của ông Benigno Aquino là "ngu dốt và nên học lại lịch sử". Trong khi đó, Mỹ cũng đã thể hiện lập trường ủng hộ các đồng minh châu Á của mình một cách rõ ràng hơn.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino lớn tiếng cáo buộc TQ có hành động giống Đức Quốc xã. Ảnh: Reuters |
Báo Độc lập (Nga) ngày 7/2 bình luận với việc "lửa đỏ bỏ thêm dầu" của Tổng thống Philippines Aquino, cho dù nếu có bất kỳ cơ hội nào để hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản ngồi lại với nhau tại Sochi, thì vấn đề cũng không hề đơn giản. Có thể thấy rõ tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trên biển Hoa Đông đang ngày càng trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.
Trung Quốc thường xuyên điều các tàu tuần tiễu bảo vệ biển đảo tới khu vực tranh chấp. Sau khi thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trong khu vực tranh chấp tại Biển Hoa Đông, Trung Quốc tiếp tục nuôi ý định lấn tới thiết lập ADIZ tại Biển Đông, bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế.
Đáp lại, Nhật Bản cũng tăng cường hoạt động của các chiến đấu cơ. Tuy nhiên, Báo Độc lập (Nga) nhận định đẩy căng thẳng leo thang trên Biển Hoa Đông, thực ra các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đang bị "trúng kế" giới chức Nhật Bản và một số chính trị gia khác, vốn đang muốn "viết lại" lịch sử Thế chiến II có lợi cho tình hình chính trị hiện tại.
Một quan chức Hãng phát thanh truyền hình nhà nước Nhật Bản NHK, ông Naoki Hyakuta đầu tháng 2 vừa qua cũng lên tiếng phủ nhận cuộc thảm sát Nam Kinh năm 1937 do nước này gây ra đối với người dân Trung Quốc. Theo các nhà sử học Trung Quốc, có tới 300.000 người dân Nam Kinh thiệt mạng trong khi Tòa án quốc tế sau chiến tranh đính chính con số này là 142.000 người. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng tuyên bố của ông Naoki Hyakuta là một "thách thức lương tâm nhân loại khi tìm cách bóp méo lịch sử".
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Báo Độc lập, Trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Viễn Đông Yakov Berger bày tỏ quan ngại "các cuộc xung đột Nhật Bản - Trung Quốc sẽ ngày một gia tăng" và "hiện không có dấu hiệu nào cho thấy những tranh cãi này có chiều hướng thuyên giảm". Tuy nhiên, vẫn còn may mắn là tình trạng căng thẳng giữa đôi bên mới chỉ dừng lại trên lời nói.
Các nhà quan sát Nga nhận định, nếu Trung Quốc và Nhật Bản cứ khư khư đề cao quan điểm và lợi ích quốc gia, thì chẳng hy vọng gì hai nước này có thể ngồi lại với nhau tại Sochi, nhất là khi Trung Quốc đang cố tìm cách chia rẽ Nhật Bản và Mỹ, còn Nhật Bản thì muốn "xé rào" nới lỏng dần các quy định cấm hành động quân sự được quy định trong Hiến pháp nước này.
Lúc này đây, dư luận quốc tế lại thêm một quan ngại nữa khi Tổng thống Philippines Benigno Aquino, trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times, đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Philippines trong tranh chấp với Trung Quốc quyền kiểm soát các hòn đảo trên Biển Đông. Ông Aquino cảnh báo chớ nên để lịch sử Thế chiến II lặp lại, khi mà vào năm 1938, Anh và Pháp đã đồng ý nhượng vùng Sudetenland lúc đó thuộc Czechoslovakia cho Đức quốc xã nhưng rồi chiến tranh thế giới vẫn nổ ra.
Quế Anh(P/v TTXVN tại LB Nga)