Trung Quốc ở vị trí nào trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga ở Geneva?

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga ngày 16/6 kết thúc sau gần 4 giờ nhóm họp ở Geneva. Trung Quốc là một trong nhiều nhân tố đẩy lãnh đạo Nga, Mỹ tiến hành cuộc gặp mặt đối mặt lần đầu tiên kể từ thời điểm ông Joe Biden lên nhậm chức.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và đồng cấp người Nga Vladimir Putin tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Geneva hôm 16/6. Ảnh: AP

Đối thoại lần này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ xuống mức thấp nhất trong 30 năm trở lại đây. Đỉnh điểm là việc ông Biden hồi cuối tháng 2 vừa qua đã gọi tổng thống Nga Vladimir Putin là “kẻ giết người” - động thái khiến Moskva nổi giận và triệu đại sứ ở Washington về nước. Nhưng tình thế đã có sự thay đổi, với việc hai bên đồng ý lên kế hoạch xúc tiến gặp thượng đỉnh tại địa điểm trung lập ở Geneva, Thụy Sĩ. 

Theo Raimund Kramer, chuyên gia về chính trị quốc tế tại Đại học Potsdam, Mỹ tìm kiếm bình thường hóa với Nga chủ yếu là do yếu tố Trung Quốc. Mục đích chính trong chuyến công du châu Âu của ông Joe Biden, dự hàng loạt các kỳ thượng đỉnh liên tiếp của nhóm G-7, NATO, EU và Mỹ-Nga là tạo lập một liên minh đối trọng với Trung Quốc.

Chương trình nghị sự giữa ông Biden và Putin ở Geneva rất dài: Giải giáp vũ trang, xung đột Ukraine, Syria, chương trình hạt nhân Iran, vấn đề “nhân quyền”, tấn công mạng… Có một chủ đề không được đề cập trực tiếp, nhưng lại là điểm chính trong chính sách của Mỹ: Kiềm chế Trung Quốc. 

Yếu tố Trung Quốc trong thượng đỉnh Mỹ-Nga

Iran Bremmer, Chủ tịch kiêm người đồng sáng lập hãng tư vấn Eurasia có trụ sở tại New York (Mỹ), nhận định tại Geneva lãnh đạo Nga, Mỹ không đề cập trực tiếp tới Trung Quốc, nhưng rõ ràng Mỹ coi Trung Quốc là nhân tố gây bất ổn chính, ảnh hưởng tới lợi ích của Mỹ trên phạm vi toàn cầu. Chính điều này đã có những ảnh hưởng nhất định tới chiến lược của Washington trong quan hệ với Moskva. 

Đối đầu Mỹ-Trung có dấu hiệu tăng nhiệt ngay trước thềm chuyến công du châu Âu của ông Joe Biden. Ba ngày trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh G7, Mỹ thông báo sẽ sớm phê chuẩn hiệp định thương mại với Đài Loan, một động thái được xem là đòn khiêu khích Bắc Kinh. Trước đó, Thượng viện Mỹ cũng thông qua một dự luật trị giá 244 tỉ USD nhằm mục tiêu đánh bại thế thống trị công nghệ của Trung Quốc. Về an ninh, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin lên tiếng khẳng định Lầu Năm góc cần hướng trọng tâm vào chiến lược kiềm chế Trung Quốc. 

Giới phân tích nhìn nhận yếu tố Trung Quốc đã hiện diện đằng sau kỳ thượng đỉnh Mỹ-Nga. “Tôi cho rằng thực trạng quan hệ Mỹ-Trung, ảnh hưởng và sức mạnh của Bắc Kinh cùng với những khó khăn, thách thức của Mỹ trong liên kết với phần còn lại của thế giới để đối phó với Trung Quốc đồng nghĩa với việc Mỹ không mong đợi có bất đồng lớn trên mặt trận với Nga”, ông Bremmer nhìn nhận. 

Học giả Dmitry Suslov, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề Châu Âu và Quốc tế, Học viện Kinh kế Nga cũng có quan điểm tương tự. Ông cho rằng đối đầu Mỹ-Trung mang tính hệ thống, hiển hiện và không thể đảo ngược; nó hiện diện tầng nấc sâu hơn và mang tính dài hạn hơn so với xung đột Nga-Mỹ. Không như kỳ vọng của giới quan sát trước đó, đã không có bất kỳ bước tiến nào trong hợp tác Mỹ-Trung kể từ khi ông Biden lên nắm quyền, với việc Nhà Trắng công khai tuyên bố Trung Quốc, chứ không phải Nga, mới là đối thủ chiến lược chính của Mỹ. 

Theo Suslov, Washington đã nhận thấy rằng nguồn lực của Mỹ không phải là vô hạn và vì thế cần tập trung cho mặt trận ở Thái Bình Dương. Giảm nhiệt căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Nga là bước đi đúng hướng để điều phối hiệu quả nguồn lực đối phó với Trung Quốc. 

Nga cũng có động lực nhất định trong giảm xung đột đối đầu với Mỹ. Victoria Zhuravleva, trưởng bộ phận nghiên cứu Bắc Mỹ tại Đại học Khoa học Nhân văn Nga ở Moskva nhìn nhận hợp tác quá chặt chẽ với Trung Quốc cũng tạo ra mối nguy hại nhất định cho Nga. Cải thiện quan hệ với Washington giúp Moskva có được đối trọng nhất định trong hợp tác với Bắc Kinh, không bị lệ thuộc quá nhiều, không để rơi vào tình cảnh đối tác không ngang hàng. Đó cũng chính là cách thức để Nga cân bằng quan hệ giữa hai cường quốc. 

Giới phân tích nhìn nhận, Trung Quốc theo dõi thượng đỉnh Nga-Trung với thái độ thận trọng. Theo Yawei Liu, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Trung tâm Carter (Mỹ), việc ông Biden xúc tiến tiếp xúc cấp cao với Nga là bước đi khôn ngoan, bởi rất khó để Mỹ cùng lúc đối đầu với hai đối thủ. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức (DW, Valdai Club)
Quan chức Nhà Trắng đánh giá tích cực cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga
Quan chức Nhà Trắng đánh giá tích cực cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nga

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho rằng hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin diễn ra ngày 16/6 tại Geneva (Thụy Sĩ) không thể ngay lập tức cải thiện được mối quan hệ giữa hai nước, nhưng tinh thần chung của cuộc gặp là thẳng thắn, xây dựng, không khiêu khích và rất thực tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN