Từ một thành haiTừ nhiều năm qua, hình ảnh một gia đình điển hình xuất hiện trên truyền hình Trung Quốc luôn là một cặp vợ chồng và một đứa con. Một trong những khẩu hiệu mà Trung Quốc tuyên truyền cho chính sách một con là: “Một hi vọng. Một niềm vui. Một trách nhiệm”. Nhưng gần đây, Trung Quốc bắt đầu cho phép hình ảnh gia đình có hai con xuất hiện trên truyền hình và thông điệp mới là: “Hai tốt hơn một”.
Không phải phụ nữ Trung Quốc nào cũng sẵn sàng sinh thêm con thứ hai. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Việc Trung Quốc nới lỏng chính sách một con trong thời gian qua có lẽ là “bước đà” cho quyết định chấm dứt chính sách một con mà đảng Cộng sản nước này vừa thông báo. Theo đó, mọi cặp vợ chồng đều có thể sinh hai con. Hiện chưa rõ khi nào chính sách hai con sẽ chính thức được thực hiện nhưng lý do được đưa ra là để đối phó với tình trạng dân số già hóa, tiến tới cân bằng sự phát triển dân số.
Như vậy, chính sách một con sẽ sớm chính thức chấm dứt sứ mệnh sau 35 năm thực thi với nhiệm vụ kiềm chế tăng trưởng dân số và thúc đẩy nền kinh tế. Theo chính quyền Trung Quốc, chính sách một con đã giúp nước này không tăng thêm 400 triệu dân, giúp kinh tế cất cánh từ những năm 1980. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng đây là một trong những chính sách sai lầm của Trung Quốc vì đã gây ra hệ lụy khó giải quyết: tình trạng thừa nam thiếu nữ trầm trọng do tư tưởng trọng nam khinh nữ. Hậu quả là 20 đến 30 triệu nam thanh niên sẽ không thể tìm được vợ kéo theo rất nhiều hậu quả sau này. Muốn giải quyết hệ lụy này phải mất vài chục năm.
Về mặt xã hội, đã có nhiều bi kịch xảy ra khi người dân bất chấp quy định một con và bị chính quyền các địa phương dùng tới biện pháp tiêu cực như bắt phá thai, phạt nặng và triệt sản cưỡng ép. Trường hợp gây chấn động là vụ cơ quan kế hoạch hóa gia đình tỉnh Sơn Tây năm 2012 đã bắt một thai phụ mang thai 7 tháng đi phá thai. Ngoài ra, chính sách này cũng tạo điều kiện cho tình trạng tham nhũng phát triển khi người dân hối lộ quan chức chính quyền để họ lờ đi đứa con thứ hai.
Các chuyên gia về Trung Quốc, trong đó có giáo sư Wang Feng thuộc Đại học California ở thành phố Irvine (Mỹ), từ lâu đã cảnh báo rằng Trung Quốc đang tiến tới “vách nhân khẩu học”, có thể đặt ra thách thức với đảng cầm quyền. Sau khi dư luận kêu gọi bãi bỏ chính sách, Trung Quốc mới chỉ nới lỏng chính sách này năm 2013.
Hiện nay, tỷ lệ sinh của Trung Quốc ước tính từ 1,4 trẻ đến 1,7 trẻ/phụ nữ - mức thấp hơn nhiều so với Mỹ và nhiều nước trong thế giới phát triển, dẫn tới tình trạng dân số già hóa nhanh, kéo theo nhu cầu ngày càng cao đối với các chương trình y tế, xã hội dành cho người già. Liên hợp quốc ước tính đến năm 2050, Trung Quốc sẽ có khoảng 440 triệu người trên 60 tuổi. Dân số ở độ tuổi lao động từ 15 đến 59 giảm 3,71 triệu người năm 2014. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục.
Quá muộn?Khi chính quyền Trung Quốc nới lỏng chính sách một con năm 2013, theo đó cho phép các cặp vợ chồng sinh con thứ hai nếu họ cũng là con một, tính đến tháng 5/2015, khoảng 1,45 triệu cặp vợ chồng đã nộp đơn xin sinh con thứ hai nhưng chỉ có khoảng 12% trong số đó đủ tiêu chuẩn. Con số này khiến các nhà hoạch định chính sách và nhà nhân khẩu học Trung Quốc lo ngại vì chính sách nới lỏng không phát huy tác dụng như họ kỳ vọng.
Ngay cả đối với những cặp vợ chồng đủ tiêu chuẩn, không phải ai cũng muốn sinh con thứ hai. Vợ chồng Yang Xue và Chang Zian là một ví dụ. Cả hai đều có nghề nghiệp ở Bắc Kinh, đủ tiêu chuẩn sinh con thứ hai nhưng họ cho biết không có kế hoạch sinh thêm con vì đơn giản là không có đủ tiền để lo mọi chi phí đắt đỏ cho một đứa trẻ nữa. Theo khảo sát của Capital Economics, gần 50% người dân thành thị Trung Quốc không muốn có hai con.
Trong thực tế, các nhà nhân khẩu học nhận định Trung Quốc thay đổi chính sách quá muộn. Họ cho rằng chính sách hai con không thể gây ra tác động về mặt nhân khẩu học lâu dài cho Trung Quốc, đặc biệt là ở các thành thị - nơi chi phí sinh hoạt cao ngất. Một nhà nhân khẩu học thuộc Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, ông Liang Zhongtang, nhận định: “Chính phủ nói bạn có thể sinh thêm con, điều đó không có nghĩa là mọi người ngay lập tức sẽ đẻ con”. Trung Quốc hiện đã thực sự trở thành xã hội một con.
Về ngắn hạn, có thể sẽ gia tăng số lượng trẻ em ở một số tỉnh nghèo - nơi trước đây bị áp đặt chính sách một con ngặt nghèo như Tứ Xuyên hay khu vực miền nam. Nhưng về lâu dài, Trung Quốc sẽ gần như không có khác biệt lớn nào về mặt dân số. Dân số Trung Quốc dự kiến sẽ giảm bắt đầu từ những năm 2030.
Ngoài ra, một số chuyên gia còn cho rằng sẽ nảy sinh một số vấn đề khi thực thi chính sách hai con. Ví dụ như trường hợp cặp vợ chồng muốn có đứa con thứ ba, thứ tư hay như một phụ nữ độc thân muốn có con riêng. Một số người còn dự báo có thể trong 5 hay 10 năm tới, Trung Quốc sẽ phải tính đến các chính sách như ở Hàn Quốc, Singapore là thưởng cho các cặp vợ chồng sinh thêm con thứ hai.
Về mặt kinh tế, việc bỏ chính sách một con cũng không thể gây tác động lớn về ngắn hạn. Sẽ phải mất hàng chục năm những đứa trẻ sinh ra trong thời chính sách hai con mới đủ tuổi để gia nhập lực lượng lao động. Trong khoảng thời gian đó, người Trung Quốc tiếp tục già đi, nền kinh tế tiếp tục thiếu nhân lực lao động.
Hơn nữa, nếu có bùng nổ tỷ lệ sinh thì hệ thống bệnh viện và y tế của Trung Quốc hiện cũng không đủ sức để cáng đáng. Các khoa sản ở Bắc Kinh nay đã được đặt kín chỗ tới nửa đầu năm 2016.
Tựu trung, muốn giải quyết hậu quả của chính sách một con, Trung Quốc cần phải giải quyết nhiều vấn đề chứ không chỉ đơn giản là ban hành chính sách hai con.