Triển vọng EU độc lập với khí đốt của Nga

Việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine và cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ba Lan, Bulgaria đã củng cố lập luận của những người ủng hộ EU độc lập với năng lượng Moskva.

Chú thích ảnh
Một số nước châu Âu đang đẩy mạnh việc xây dựng các trạm chứa LNG để giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, theo chuyên gia Maciej Zaniewicz tại Viện Các vấn đề Quốc tế Ba Lan (PISM), triển vọng về một lệnh cấm vận toàn diện đã bị bác bỏ do sự phản đối của một số quốc gia (ví dụ Áo, Đức và Hungary). Do đó, EU có thể sẽ tập trung vào việc giảm dần việc mua khí đốt của Nga, nhưng điều này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của các lệnh trừng phạt đối với Moskva. 

Sự phụ thuộc lẫn nhau

Các nước EU nhập khẩu khoảng 40% lượng khí đốt mà họ tiêu thụ từ Nga (155 tỷ m3). Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào nguồn cung này không đồng đều. Tây Âu nhập khẩu lượng khí đốt tối thiểu từ Nga (bao gồm Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bồ Đào Nha), trong khi Trung và Đông Âu phụ thuộc hơn 50% nguồn cung từ Moskva (gồm Bulgaria, Đức, Ba Lan, Hungary, Slovakia).

Lợi nhuận từ hải quan và thuế đối với khí đốt tự nhiên chiếm khoảng 7% nguồn thu ngân sách của Nga, tương đương với khoảng một nửa ngân sách chi tiêu quân sự của Moskva. Khoảng 2/3 lượng khí đốt của Nga xuất khẩu sang EU. Có một thực tế là không thể chuyển hướng lượng khí đốt này cho các nước tiếp nhận khác, vì các dòng khí đốt đi đến châu Âu hiện không có mối liên hệ nào với các nước châu Á. Chỉ có một liên kết như vậy là đường ống dẫn khí đốt "Power of Siberia 2", dự kiến ​​sẽ được đưa vào sử dụng năm 2030.

Tiềm năng đa dạng hóa của EU

Việc thay thế khí đốt của Nga bằng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở hạ tầng. Số lượng lớn nhất các thiết bị đầu cuối LNG nằm ở các quốc gia nhập khẩu một lượng nhỏ khí đốt của Nga (Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha) nhưng ít nhất ở các quốc gia Trung và Đông Âu (chỉ ở Croatia, Litva và Ba Lan). Khả năng vận chuyển khí đốt từ các nhà ga Tây Âu sang phía Đông cũng bị hạn chế do hạn chế về kết nối. Sử dụng các trạm chứa khí đốt vượt quá 90% công suất của chúng để đáp ứng nhu cầu của EU cũng là một thách thức.

EU có thể tăng nguồn cung từ Azerbaijan khoảng 5 tỷ m3 mỗi năm, từ Bắc Phi khoảng 40 tỷ m3 (mặc dù một phần lớn có thể đến Tây Ban Nha, từ đó khí đốt sẽ không thể chuyển xa hơn về phía Đông) và từ Na Uy, khoảng 20 tỷ m3. Tuy nhiên, việc thay thế khí đốt của Nga trên toàn EU thông qua các đường ống dẫn khí đốt từ một hướng khác ngoài Nga cũng gặp thách thức lớn do thiếu cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, các nước Baltic và Ba Lan đang quyết tâm hạn chế nhập khẩu khí đốt từ Nga. Estonia, Litva và Latvia đã ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga vào ngày 1/4, điều này được thực hiện nhờ việc tăng cường sử dụng trạm nổi (FSRU) ở Klaipeda, Litva. Để đáp ứng nhu cầu lâu dài của các quốc gia Baltic và Phần Lan, quốc gia được kết nối với Estonia bằng đường ống dẫn khí đốt ngầm Balticconnector, các nước đã lên kế hoạch xây dựng FSRU ở cảng Paldiski của Estonia và dự kiến đưa vào sử dụng tháng 11 năm nay.

Ba Lan cũng dự định từ bỏ việc nhập khẩu khí đốt của Nga khi hợp đồng hết hạn (vào ngày 31/12 tới), với khoảng một nửa nhu cầu của họ. Tuy nhiên, ngày 26/4, Nga thông báo tạm ngừng xuất khẩu sang Ba Lan và Bulgaria do từ chối thanh toán tiền khí đốt bằng đồng rúp. Nhờ mức độ dự trữ cao - trên 75% - và các điểm kết nối hiện có (với Litva và Slovakia), Ba Lan có thể tạm thời đảm bảo nguồn cung thay thế. 

Trong khi đó, lệnh cấm vận đối với khí đốt của Nga bị Áo, Đức, Hungary phản đối và một số quốc gia, chẳng hạn như Séc, từ chối đưa ra quan điểm rõ ràng. Vào ngày 3/3, Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck thông báo, viện dẫn an ninh năng lượng của Đức, rằng ông sẽ chặn một sáng kiến ​​như vậy trên diễn đàn EU. Tuy nhiên, trong chuyến thăm Ba Lan ngày 26/4, ông tuyên bố rằng việc Đức phụ thuộc quá nhiều vào khí đốt của Nga là một sai lầm.

Đức có kế hoạch loại bỏ sự phụ thuộc trên vào giữa năm 2024 bằng cách phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, giảm tiêu thụ khí đốt và đa dạng hóa nguồn cung. Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Áo Alexander Schallenberg ngày 4/4 tuyên bố sẽ không ủng hộ các lệnh trừng phạt vì chúng sẽ gây thiệt hại nặng nề với nước này. Mặt khác, sự phản đối của Hungary là kết quả hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ của Thủ tướng Orban và Nga trong lĩnh vực năng lượng. Hungary mua dầu, khí đốt giá rẻ (không qua Ukraine) và công nghệ hạt nhân từ Nga.

Việc các nước EU không nhất trí ủng hộ lệnh cấm vận khí đốt của Nga đã khiến Ủy ban châu Âu (EC) phải hoãn các hành động nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga. Ngày 8/3, EC đã trình bày dự thảo kế hoạch REPowerEU nhằm hạn chế nhập khẩu từ Nga sớm nhất là trong năm 2022: đa dạng hóa các biện pháp tiếp nhận khí đốt (50 tỷ m3 ở dạng LNG, 10 tỷ m3 qua đường ống và 3,5 tỷ m3 sản xuất metan sinh học), tăng hiệu quả sử dụng năng lượng (giảm tiêu thụ khoảng 14 tỷ m3 mỗi năm), lắp đặt các tấm quang điện (2,5 tỷ m3) và các nhà máy điện gió, năng lượng mặt trời (20 tỷ m3).

Tổng cộng, giảm tiêu thụ và đa dạng hóa sẽ giúp EU tiết kiệm khoảng 100 tỷ m3 vào cuối năm (đương đương 2/3 năng lượng nhập khẩu từ Nga). Điều đó có thể cho phép EU hoàn toàn độc lập với khí đốt của Nga vào cuối thập kỷ này.

Tóm lại, ông Zaniewicz nhận định, việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria nhằm gây sức ép để các nước EU không áp đặt lệnh cấm vận đối với dầu và khí đốt của Nga. Việc cắt nguồn cho Ba Lan và Bulgaria cũng đã được Moskva tính toán kỹ. Lượng nhập khẩu của Bulgaria không đáng kể nếu nhìn từ góc độ lợi nhuận xuất khẩu của Nga. Mặt khác, Ba Lan có kế hoạch từ bỏ khí đốt của Nga từ ngày 1/1/2023 và do đó, theo quan điểm của Nga, đây không phải là một thị trường đầy hứa hẹn.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo PISM.pl)
Ông Putin xin lỗi về phát ngôn tranh cãi của Ngoại trưởng Lavrov
Ông Putin xin lỗi về phát ngôn tranh cãi của Ngoại trưởng Lavrov

Tổng thống Nga đã xin lỗi Thủ tướng Israel về nhận xét gây tranh cãi của Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN