Theo đài RT (Nga), Lầu Năm Góc bác bỏ các thông tin trên phương tiện truyền thông cho thấy họ đã chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine để nhắm mục tiêu cụ thể vào các quan chức quân sự cấp cao của Nga.
“Mỹ cung cấp thông tin tình báo chiến trường để giúp Ukraine bảo vệ đất nước của họ”, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby cho biết trong một cuộc họp báo hôm 5/5.
“Chúng tôi không cung cấp thông tin tình báo về vị trí của các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao trên chiến trường hoặc tham gia vào các quyết định nhắm mục tiêu của quân đội Ukraine”, ông Kirby khẳng định.
Đại diện Lầu Năm Góc thừa nhận rằng Kiev "kết hợp" thông tin tình báo mà họ có được từ nhiều nguồn không xác định để đưa ra "quyết định của riêng mình", ngầm chuyển trách nhiệm về các vụ sát hại các tướng Nga như được báo cáo cho chính Ukraine.
"Ukraine kết hợp thông tin mà chúng tôi và các đối tác khác cung cấp với thông tin tình báo mà chính họ đang thu thập, sau đó họ đưa ra quyết định của riêng mình và họ tự thực hiện hành động", ông Kirby nói.
Nhận xét của người phát ngôn Kirby lặp lại tuyên bố của phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson, người cũng khẳng định rằng tình báo Mỹ không được cung cấp cho lực lượng Ukraine “với ý định giết các tướng lĩnh Nga”.
New York Times là tờ báo đầu tiên đưa tin về sự hỗ trợ của Mỹ trong việc nhắm mục tiêu vào các quan chức cấp cao của Nga. Tờ báo dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên cho biết Washington đã cung cấp cho Kiev thông tin về trụ sở quân sự cơ động của Nga. Ukraine sau đó kết hợp dữ liệu với thông tin tình báo của mình, thực hiện các cuộc không kích giết chết một số lượng không xác định các sĩ quan chỉ huy của Nga.
Ngày 5/5, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Adrienne Watson cũng phát biểu với tờ The Hill rằng Mỹ cung cấp thông tin tình báo về chiến trường cho Ukraine, nhưng ông chỉ trích cách mà tờ New York Times đưa tin.
Ông Watson nói: “Tiêu đề của câu chuyện này gây hiểu lầm và cách đóng khung nó là vô trách nhiệm. Mỹ cung cấp thông tin tình báo chiến trường để giúp người Ukraine bảo vệ đất nước của họ. Chúng tôi không cung cấp thông tin tình báo với ý định giết các tướng lĩnh Nga”.
Ngoài thông tin tình báo, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine khoảng 3,7 tỷ USD hỗ trợ an ninh kể từ khi chiến dịch quân sự của Nga bắt đầu. Lầu Năm Góc cũng đã tăng cường huấn luyện quân đội Ukraine về hệ thống pháo binh.
Liên quan đến việc chia sẻ thông tin tình báo của Mỹ cho Ukraine, đài CNN ngày 5/5 cho biết, khi Ukraine nhắm mục tiêu vào soái hạm Moskva của Nga hồi tháng trước bằng tên lửa hành trình chống hạm, họ đã có một số trợ giúp từ tình báo Mỹ.
Các lực lượng Ukraine, khi phát hiện một tàu chiến Nga ở Biển Đen, đã gọi điện cho phía Mỹ để xác nhận rằng đó là tàu Moskva – CNN dẫn các nguồn thạo tin cho biết. Phía Mỹ trả lời rằng đúng như vậy và cung cấp thông tin tình báo về vị trí con tàu. Các nguồn tin cho biết vẫn chưa rõ liệu khi đó Mỹ có biết Ukraine sẽ tấn công tàu Moskva hay không và Mỹ không tham gia vào quyết định đó.
Soái hạm Moskva đã bị chìm, nhưng nguyên nhân của vụ việc thì được hai phía Nga và Ukraine đưa ra khác nhau. Kiev khẳng định con tàu bị tên lửa hành trình của Ukraine bắn trúng vào ngày 14/4, trong khi Moskva dẫn lý do một sự cố hoả hoạn trên kho đạn của tàu.
Cũng trong cuộc họp báo ngày 5/5, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cũng làm rõ thêm thông tin về tình hình tại Ukraine. Ông nói rằng, các quan chức tình báo Mỹ công khai lưu ý rằng "người Nga đã không đạt được tiến bộ mà chúng tôi tin rằng họ sẽ đạt được vào thời điểm này" trong cuộc chiến kéo dài 70 ngày tuổi. “Điều đó không có nghĩa là họ không đạt được bất kỳ tiến bộ nào”, ông Kirby nói thêm, “Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá tiến bộ đó có gia tăng và không đồng đều."
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Anh phát biểu với Quốc hội rằng khoảng 15.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong chiến dịch tại Ukraine. Nhưng Nga bác bỏ các ước tính của phương Tây về thương vong của nước này. Vào cuối tháng 3, Bộ Quốc phòng Nga cho biết có khoảng 1.300 binh sĩ của họ thiệt mạng tại Ukraine.