‘Tổng thống thời chiến’ Donald Trump trong cuộc chiến với kẻ thù vô hình COVID-19

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tự gọi mình là “tổng thống thời chiến” chống lại “kẻ thù vô hình” là virus SARS-CoV-2. Với vai trò đó, ông có thể kêu gọi nước Mỹ đoàn kết tiến tới toàn thắng nhưng hình ảnh tổng thống thời chiến cũng tiềm ẩn rủi ro không nhỏ trước thềm bầu cử.

Tổng thống thời chiến

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump tại họp báo về COVID-19. Ảnh: Getty Images

Theo tờ Politico (Mỹ), khi Mỹ có chiến tranh, cử tri không thích thay đổi tổng thống giữa cuộc chiến. Ông James Madison đã tái đắc cử tổng thống sau khi phát động chiến tranh với Vương quốc Anh năm 1812. Ông Abraham Lincoln đã phát biểu nhậm chức nhiệm kỳ tổng thống thứ hai một tháng trước khi Nội chiến Mỹ kết thúc. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, ông Franklin D. Roosevelt đã giành được nhiệm kỳ thứ ba. Một năm sau khi đưa quân tới Iraq, ông George W. Bush đã tái đắc cử tổng thống Mỹ.

Còn với kẻ thù vô hình thì sao? Đó không phải là một quốc gia hay tổ chức khủng bố, mà lại là một căn bệnh đang làm đảo lộn thế giới, ảnh hưởng tới sức khỏe, sinh mạng, công việc và thu nhập của người Mỹ. Với vai trò “tổng thống thời chiến”, ông Trump sẽ phải tìm cách để giải quyết điều đó.

Sau khi bác bỏ mức độ nghiêm trọng của dịch COVID-19 trong nhiều tháng qua, Tổng thống Trump đã thực hiện nhiều động thái quyết liệt hơn: tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia ngày 13/3, kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng ngày 18/3. Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Trump nói: “Tôi kêu gọi mọi thế hệ người Mỹ cùng hy sinh vì lợi ích quốc gia. Giờ đã đến lúc. Chúng ta phải hy sinh cùng nhau vì chúng ta đều trải qua điều này và chúng ta sẽ vượt qua cùng nhau”.

Khi kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, ông Trump có thẩm quyền với các ngành tư nhân, có thể huy động họ sản xuất những thứ thiết yếu cho ngành y tế trong phòng chống dịch như máy thở, khẩu trang, trang thiết bị bảo hộ. Kích hoạt đạo luật là giai đoạn hoàn toàn mới trong nỗ lực kêu gọi sự ủng hộ của người dân để đối phó với dịch bệnh. 

Trước đó, Tổng thống Trump đã thông báo kế hoạch điều hai tàu bệnh viện của Hải quân Mỹ tới cảng New York và Bờ Tây để hỗ trợ nhân viên y tế tiếp nhận làn sóng bệnh nhân COVID-19 đang đổ đến.

Ý tưởng triển khai hai tàu USNS Mercy và USNS Comfort đươc đưa ra sau khi ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, bật đèn xanh cho Lầu Năm Góc bắt đầu thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn.

Chú thích ảnh
Tàu bệnh viện USNS Comfort của Hải quân Mỹ thả neo tại bờ biển Castries, quốc đảo Saint Lucia tháng 9/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính quyền Mỹ cũng đang cân nhắc triển khai Vệ binh Quốc gia và binh sĩ dự bị ở cấp liên bang nếu điều kiện xấu đi trong những tuần tới.

Giới chức Lầu Năm Góc đã họp thường xuyên để bàn về đại dịch. Từ 17/3, Lầu Năm Góc đã thực hiện kế hoạch khẩn cấp là sử dụng vệ binh để chuyển thực phẩm, trang thiết bị y tế tới những khu vực dân cư dễ bị tổn thương, xây dựng bệnh viện dã chiến và trang bị thêm cho các địa điểm có thể được sử dụng làm bệnh viện, phối hợp với cảnh sát để thực thi lệnh giới nghiêm.

Gần 20 thống đốc đã huy động Vệ binh Quốc gia để kiềm chế dịch lây lan nhanh tại các bang mình quản lý. Một số còn khuyến khích Tổng thống huy động Công binh Lục quân để giải quyết tình hình. 

Hiện nay, công cụ hữu hiệu nhất mà Tổng thống Trump sử dụng chính là lời nói. Ông đã ví cuộc chiến chống COVID-19 là chiến tranh để kích thích tinh thần cho người dân, thu hút sự ủng hộ của những người vẫn coi thường đại dịch toàn cầu và nhấn mạnh vai trò tổng thống.

Ông David Greenberg, Giáo sư Sử học tại Đại học Rutgers, nhận định rằng Tổng thống Trump đã gạt bỏ phong cách mà ông thể hiện bấy lâu nay để đóng vai trò điển hình mà các tổng thống thường làm trong khủng hoảng. Để làm điều đó, ông Trump đã huy động sự giúp đỡ của gần như tất cả những người trong quỹ đạo quanh ông và cả bên ngoài nữa.

Chú thích ảnh
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (giữa) phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, DC ngày 14/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hai nguồn tin, Tổng thống Trump đã đích thân khuyến khích các phụ tá Nhà Trắng, bạn bè và giám đốc tập đoàn suy nghĩ, tìm cách sáng tạo để giảm ảnh hưởng kinh tế của đại dịch, trang bị đủ thiết bị cho nhân viên y tế và ngăn tình trạng quá tải xảy ra với bác sĩ, bệnh viện.

Các quan chức thuộc Văn phòng Sáng kiến Mỹ của Nhà Trắng đã dành nhiều ngày để thảo luận với công ty công nghệ lớn để xem họ có thể hỗ trợ gì trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Cố vấn cấp cao Nhà Trắng Jared Kushner đang tìm cách huy động khu vực tư ủng hộ Tổng thống trong ngăn chặn dịch bệnh.

Về phần mình, Tổng thống Trump và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đang gây áp lực với các nghị sĩ Cộng hòa để nhanh chóng thông qua gói hỗ trợ lớn trị giá hơn 1.000 tỷ USD nhằm ổn định nền kinh tế và giảm nhẹ suy thoái. 

Ngày 18/3, Tổng thống Trump đã thông báo thỏa thuận chung với Canada về đóng cửa biên gới hai nước. Ông cũng cân nhắc hạn chế hoạt động ở biên giới Mỹ-Mexico.

Thông điệp tái tranh cử

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 13/3. Ảnh: THX/TTXVN

Việc ông Trump tự khắc họa mình là lãnh đạo thời chiến đã thu hút sụ chú ý lớn của dư luận không phải vì ông nỗ lực sử dụng quân đội, khu vực tư nhân để chống dịch mà là vì dường như cả chính quyền và chiến dịch tranh cử của ông đều áp dụng thông điệp tương tự.

Các đồng minh, quan chức hàng đầu chính quyền Mỹ đều có chung thông điệp thời chiến: khuyến khích hy sinh, chấp nhận khó khăn trước mắt, cam kết những ngày tươi sáng phía trước, thúc đẩy lòng yêu nước, ca ngợi hành động táo bạo…

Trên tờ USA Today, Phó Tổng thống Mike Pence đã đề nghị người Mỹ trẻ, khỏe mạnh hy sinh những điều nhỏ để giúp người khác an toàn.

Trong một thư điện tử gửi đi ngày 18/3, Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa đã ca ngợi quan điểm tình trạng chiến tranh và cách tiếp cận “toàn nước Mỹ” của Tổng thống Trump.

Giới chức Lầu Năm Góc cấp cao còn khuyên Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper nói nhiều hơn về nỗ lực bảo vệ toàn bộ người dân Mỹ, chứ không chỉ binh sĩ Mỹ khi bình luận, phát biểu công khai.

Kể cả cựu Phó tổng thống Joe Biden, ứng cử viên tổng thống tiềm năng của đảng Dân chủ, cũng mô tả đại dịch COVID-19 bằng từ ngữ thời chiến: “Đối phó với đại dịch này là tình trạng khẩn cấp quốc gia giống với tham gia một cuộc chiến. Đây là lúc ta cần các lãnh đạo đi đầu, nhưng cũng là lúc từng cá nhân và cả tập thể phải đưa ra lựa chọn, quyết định”.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo cùng các thành viên của nhóm đặc trách về chống  COVID-19 tại Nhà Trắng ở Washington DC. ngày 14/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Một cố vấn cho chiến dịch của Tổng thống Trump nói rằng tất cả đội ngũ tranh cử đều hy vọng tận dụng chiến lược truyền thông điệp mới của tổng thống để thực hiện một loạt quảng cáo số vào tuần tới, nhấn mạnh nỗ lực cuộc chiến chống kẻ thù vô hình. 

Theo ông Tony Fratto, phụ tá Nhà Trắng thời Tổng thống George W. Bush, nếu chiến lược của Tổng thống có hiệu quả, ông có thể tái đắc cử trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo ông Trump sẽ làm được điều giống các tổng thống Madison, Lincoln, Roosevelt và Bush.

Bà Martha Kumar, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Towson, nhận định: “Tổng thống thời chiến có lợi thế số một là thu hút sự chú ý và tinh thần đoàn kết khi người dân cho rằng họ đang ở trong tình hình chiến tranh và sẵn sàng ủng hộ, hoặc ít nhất không chỉ trích tổng thống. Nhưng tổng thống thời chiến cũng có rủi ro vì bản thân họ phải thắng trong cuộc chiến đó”.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Kế hoạch phát 1.000 USD/người Mỹ của Tổng thống Trump triển vọng tới đâu?
Kế hoạch phát 1.000 USD/người Mỹ của Tổng thống Trump triển vọng tới đâu?

Khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang đe dọa đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất một ý tưởng khác lạ: phát không tiền mặt cho người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN