Nhiều năm qua, công ty sản xuất đồ da Alpine Apparels có thể xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ không phải chịu thuế nhờ Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Tuy nhiên, điều này đã dừng lại vào năm 2019 khi chính quyền cựu Tổng thống Trump rút lại đặc quyền thương mại dành cho Ấn Độ và từ đó đến nay vẫn chưa được khôi phục.
Ông Sanjay Leekha, người sáng lập kiêm chủ tịch Tập đoàn Alpine, lo ngại rằng một nhiệm kỳ tổng thống mới của Trump sẽ mang đến thêm tin xấu cho các nhà xuất khẩu Ấn Độ như công ty của ông. Bày tỏ với hãng tin CNA, ông cho biết "khi GSP bị hủy bỏ, chi phí nhập khẩu vào Mỹ của chúng tôi tăng khoảng 4-6%, đây là một khoản chi phí đáng kể".
Ông Trump, người giữ chức Tổng thống từ 2017 đến 2021, đã gọi Ấn Độ là "kẻ lạm dụng thuế quan lớn của Mỹ". Trong khi đó, đối thủ của ông là Phó Tổng thống Kamala Harris được kỳ vọng sẽ tiếp tục đường lối của Tổng thống Joe Biden, người từng mô tả quan hệ Mỹ - Ấn là "mối quan hệ định hình nhất trong thập kỷ này". Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc bà Harris thẳng thắn về vấn đề nhân quyền có thể gây căng thẳng với chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi.
Quan hệ Ấn-Mỹ dưới thời Biden
Ấn Độ xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn nhập khẩu, tạo nên thâm hụt thương mại song phương hơn 45 tỷ USD có lợi cho New Delhi. Các chuyên gia đồng ý rằng 4 năm qua dưới thời Biden đã mang lại sự ổn định hơn về mặt thương mại và chiến lược. Ông đã nhiệt tình đón nhận New Delhi, mời Thủ tướng Modi thăm cấp nhà nước lần đầu tiên tới Mỹ trong năm nay.
Trong nhiệm kỳ của ông Biden, hai nước cũng đã giải quyết các tranh chấp thương mại tồn đọng, với việc Mỹ bắt đầu chia sẻ công nghệ quan trọng để Ấn Độ sản xuất thiết bị quốc phòng. Bà Meera Shanker, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ năm 2009 nhận định "ông Biden đã làm việc khá có hệ thống để xây dựng các nhóm thể chế, tạo ra sự cân bằng tốt hơn (trong khu vực)". Bà cho rằng nếu ông Trump thắng cử, tốt nhất là ông nên duy trì hiện trạng. "Nhưng nếu ông ấy quyết định phá vỡ hoạt động của (các liên minh và tiến trình), thì đó sẽ là tình huống khá bất ổn", bà nói thêm.
Thách thức phía trước cho Ấn Độ
Bà Shanker cho rằng cả ông Trump và bà Harris đều có thể đặt ra những thách thức khác nhau cho New Delhi. Bà Harris lần đầu gặp Thủ tướng Modi vào năm 2021 và công khai nêu vấn đề nhân quyền, một chủ đề trước đây chỉ được thảo luận kín. Các nhà phân tích cũng cho rằng bà có thể gây áp lực nhiều hơn về việc Ấn Độ tiếp tục quan hệ với Nga. New Delhi nhập khẩu 40% dầu từ Nga và cho đến nay vẫn từ chối công khai chỉ trích Moskva về cuộc xung đột tại Ukraine.
Bà Shanker lưu ý "chúng tôi có Trung Quốc là láng giềng. Chúng tôi có Pakistan là láng giềng, và xa hơn nữa là Trung Á và Nga". Bà cũng đặc biệt bày tỏ quan điểm nếu có khó khăn với một cường quốc trong khu vực, Ấn Độ muốn có sự linh hoạt để “duy trì quan hệ tốt với cường quốc còn lại và không đẩy họ hoàn toàn vào góc của Trung Quốc. Vì vậy tôi nghĩ Mỹ sẽ phải xem xét kỹ điều này".
Vấn đề thuế quan
Ông Trump đã tuyên bố sẽ “mạnh tay” nếu được bầu làm Tổng thống nhiệm kỳ hai. Hồi tháng 10, ông lên tiếng cáo buộc Ấn Độ áp đặt thuế cao nhất lên sản phẩm nước ngoài và cam kết sẽ áp dụng thuế có đi có lại. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chính sách này nhằm tạo cơ hội công bằng cho các công ty trong nước cạnh tranh với đối tác Mỹ có kỹ năng tốt hơn.
Tiến sĩ Ajai Sahai, Tổng giám đốc điều hành của Liên đoàn Tổ chức Xuất khẩu Ấn Độ cho biết: "Thuế quan không phải là thứ tồn tại mãi mãi. Có lẽ chính phủ muốn tạo khung thời gian 3-4 năm cho các công ty này để họ phát triển. Khi họ phát triển và hòa vốn, thuế sẽ giảm xuống".
Cuối cùng, các chuyên gia cho rằng chính quyền Mỹ sắp tới, dù do Trump hay Harris lãnh đạo, có thể phải chịu áp lực đòi hỏi Ấn Độ phải minh bạch hơn. Điều này sẽ tạo thêm một rào cản mới cho quan hệ song phương./.