Theo trang Al Jazeera, lời kêu gọi mới nhất của Ukraine được đưa ra sau 2 tuần khẩu chiến gay gắt, với những cáo buộc, phản bác lẫn nhau giữa Kiev và Minsk. Bất ổn này diễn ra vào thời điểm Nga - đồng minh lớn nhất của Belarus - đe dọa sẽ có phản ứng cứng rắn nhằm đáp trả cuộc tấn công của Ukraine vào tỉnh Kursk.
Vậy căng thẳng biên giới Ukraine - Belarus đã diễn ra thế nào và liệu biên giới của họ có trở thành mặt trận mới hay không?
Phản ứng của Ukraine
Hôm 26/8, Bộ Ngoại giao Ukraine đã hối thúc Belarus rút quân khỏi khu vực biên giới và “chấm dứt các hành động thù địch”.
Trích dẫn một số thông tin tình báo, bộ này cáo buộc Belarus tập trung số lượng lớn binh sĩ - bao gồm lực lượng tác chiến đặc biệt, vũ khí và thiết bị quân sự ở khu vực Gomel gần biên giới phía bắc Ukraine dưới vỏ bọc các cuộc tập trận.
“Chúng tôi cảnh báo giới chức Belarus không mắc sai lầm bi thảm cho đất nước dưới áp lực của Moskva, và chúng tôi kêu gọi lực lượng vũ trang của họ chấm dứt các hành động không thân thiện và rút quân khỏi biên giới Ukraine đến khoảng cách xa hơn tầm bắn của các hệ thống mà Belarus sở hữu”, Bộ Ngoại giao Ukraine tuyên bố.
Kiev cũng cho biết họ đã ghi nhận sự hiện diện của các thành viên Wagner, tập đoàn quân sự tư nhân Nga, ở gần biên giới. Ukraine và Belarus có chung đường biên giới kéo dài 1.084 km. Belarus từng tiếp nhận một số tay súng Wagner sau cuộc nổi loạn bất thành ở Nga năm ngoái.
Bộ Ngoại giao Ukraine cho hay: “Chúng tôi cảnh báo rằng trong trường hợp biên giới quốc gia của Ukraine bị Belarus xâm phạm, đất nước chúng tôi sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để thực hiện quyền tự vệ được Hiến chương Liên hợp quốc bảo đảm. Do đó, tất cả các vị trí tập trung quân đội, cơ sở quân sự và tuyến đường tiếp tế ở Belarus sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của Lực lượng vũ trang Ukraine”.
Cảnh báo cũng cho rằng khu vực quân đội Belarus tập trung nằm gần nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, và bất kỳ cuộc tập trận quân sự nào được tiến hành ở đó đều gây ra “mối đe dọa đến an ninh quốc gia của Ukraine”.
Động thái của Belarus
Tuần trước, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố nước này đã điều động khoảng 1/3 lực lượng vũ trang đến biên giới với Ukraine. Ông Lukashenko cho rằng Ukraine đã gây ra tình trạng leo thang căng thẳng đột ngột.
Ngày 18/8, ông Lukashenko cáo buộc Ukraine có chính sách hung hăng và đã điều trên 120.000 binh lính đến biên giới với Belarus. Ngày hôm sau, Belarus tuyên bố rằng họ đã điều máy bay, lực lượng phòng không và vũ khí đến biên giới Ukraine.
Belarus cũng cáo buộc thiết bị bay không người lái của Ukraine liên tục xâm phạm không phận của nước này trong cuộc tấn công vào khu vực Kursk của Nga vào ngày 6/8. Ngày 10/8, Minsk lần đầu tuyên bố việc điều động binh lính đến khu vực biên giới với Ukraine là một hành động tự vệ.
Bộ trưởng Quốc phòng Viktor Khrenin khẳng định Belarus “sẵn sàng hành động trả đũa” nếu binh sĩ Ukraine xâm nhập lãnh thổ quốc gia.
Nhưng Ukraine đã bác bỏ mọi cáo buộc của Belarus. Họ phủ nhận cáo buộc của Tổng thống Lukashenko rằng Kiev đã điều 120.000 binh sĩ đến biên giới. Hôm 25/8, Bộ Ngoại giao Ukraine nêu rõ nước này “chưa và sẽ không bao giờ thực hiện hành động thù địch nào chống lại người dân Belarus”.
Lập trường của Belarus đối với xung đột Nga – Ukraine
Belarus đã duy trì mối quan hệ chính trị và kinh tế chặt chẽ với Nga kể từ khi độc lập, tách khỏi Liên Xô vào năm 1991.
Ông Lukashenko là đồng minh vững chắc của Tổng thống Nga Vladimir Putin và đất nước của ông đã sát cánh cùng Nga trong suốt cuộc xung đột với Ukraine. Tháng 3/2022, ngay sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Belarus đã sơ tán đại sứ quán tại Kiev để thể hiện sự ủng hộ đối với Moskva.
Belarus cũng từng cho phép quân đội Nga sử dụng lãnh thổ để phát động cuộc chiến ở Ukraine hồi tháng 2/2022.
Giới chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng việc Belarus cho phép binh sĩ Nga đồn trú trên lãnh thổ của nước này sẽ là bàn đạp giúp Moskva tấn công Ukraine từ phía bắc.
Các đồng minh phương Tây của Ukraine, đặc biệt là Mỹ, đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt đối với Belarus vì nước này ủng hộ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga - bao gồm các lệnh trừng phạt tài chính, kiểm soát xuất khẩu, hạn chế không phận và hạn chế thị thực đối với các quan chức.
Song cho đến nay, Belarus vẫn tránh trực tiếp tham gia vào xung đột quân sự với Ukraine. Song giới chuyên gia cho rằng việc Belarus tăng cường binh lực dọc biên giới hiện nay làm dấy lên lo ngại về sự thay đổi đó.
Nguy cơ bùng phát xung đột Ukraine – Belarus
Ông Mathieu Boulegue, thành viên tư vấn tại tổ chức nghiên cứu Chatham House có trụ sở tại London, hoài nghi về việc Belarus điều quân ra chiến trường. Ông cho rằng đối với Nga, việc đảm bảo Belarus làm bệ phóng cho các hoạt động quân sự có giá trị hơn là kéo nước này tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột.
Theo ông, nếu xung đột Ukraine - Belarus xảy ra, điều này sẽ gây ra nhiều bất ổn hơn mức cần thiết, với nguy cơ gây mất ổn định ở Minsk và thúc đẩy phản ứng quốc tế gay gắt.