Đây là động thái của Minsk trước việc Ukraine triển khai hơn 120.000 binh lính tới khu vực biên giới hai nước.
Theo hãng thông tấn nhà nước Belarus (Belta), ông Lukashenko không nêu cụ thể số binh sĩ được triển khai, tuy nhiên nhấn mạnh đây là hành động phòng vệ trong trường hợp xảy ra xung đột.
Theo số liệu trong báo cáo năm 2022 của Viện Nghiên cứu chiến lược về cân bằng quân sự, quân đội chính quy của Belarus có khoảng 48.000 binh sĩ trong khi lực lượng biên phòng có khoảng 12.000 binh sĩ.
Phía Ukraine chưa phản hồi gì về thông tin trên, tuy nhiên hôm 17/8, nước này cho biết không có dấu hiệu Belarus gia tăng lực lượng ở khu vực biên giới.
Ukraine đã tiến hành chiến dịch tấn công nhằm vào tỉnh Kursk của Nga kể từ hôm 6/8 và tuyên bố kiểm soát hơn 80 khu định cư tại tỉnh biên giới này.
Liên quan đến tình hình tại Kursk, Giám đốc điều hành Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (Rosatom) đã mời lãnh đạo Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tới thị sát tình hình tại Nhà máy điện hạt nhân Kursk.
Theo hãng thông tấn TASS, trong cuộc điện đàm với Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi, CEO của Rosatom, ông Alexey Likhachev, đã đề cập đến tình hình đang xấu đi tại các nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và Kursk.
Trong tuyên bố ngày 17/8 tại Vienna (Áo), Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế, ông Mikhail Ulyanov đánh giá chuyến thăm của người đứng đầu IAEA sẽ là bước đi quan trọng và kịp thời.
Chính quyền Moskva hiện đang lo ngại các cơ sở hạt nhân của Nga, trong đó có Nhà máy điện hạt nhân Kursk, có thể bị tấn công. Trong một tuyên bố ngày 17/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã kêu gọi các tổ chức quốc tế - đặc biệt là Liên hợp quốc và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) - ngay lập tức ngăn chặn hành vi vi phạm an ninh hạt nhân và an ninh vật lý của Nhà máy điện hạt nhân Kursk, có thể dẫn đến thảm họa do con người gây ra trên quy mô lớn ở châu Âu.