Theo bình luận của tờ New York Times (Mỹ) ngày 23/10, trong 20 tháng, chính quyền của Tổng thống Jo Biden đã tìm cách tập hợp lực lượng nhằm chống lại Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Lập luận này gây được tiếng vang ở phần lớn phương Tây, nhưng ít hơn ở những nơi khác trên thế giới, những nơi coi cuộc xung đột giống như một cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc và từ chối tham gia các biện pháp trừng phạt hoặc cô lập Nga.
Giờ đây, khi Israel bắn phá Dải Gaza, khiến hơn 4.300 người thiệt mang kể từ cuộc tấn công của Hamas hôm 7/10, sự ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền Biden có nguy cơ tạo ra những "cơn gió ngược" mới trong nỗ lực giành sự ủng hộ từ dư luận toàn cầu.
Phát biểu từ Phòng Bầu dục hôm 19/10, Tổng thống Biden đã gắn kết sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine và Israel với nhau. Nga đã tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, trong khi Hamas, nhóm kiểm soát Gaza đã tổ chức một cuộc tấn công khiến ít nhất 1.400 người thiệt mạng ở miền Nam Israel.
Nhưng cuộc đáp trả của Israel vào Gaza, những lời đe dọa tiến hành một chiến dịch trên bộ và việc Mỹ kiên quyết ủng hộ đồng minh quan trọng nhất ở Trung Đông của mình, bất kể thế nào, đã gây ra những phàn nàn về "tiêu chuẩn kép".
Những cáo buộc như vậy không hẳn là mới trong cuộc xung đột ở Trung Đông. Nhưng động lực của các cuộc khủng hoảng kép đã vượt xa mong muốn của Washington nhằm huy động sự ủng hộ toàn cầu để cô lập và trừng phạt Nga.
Càng ngày, khu vực Trung Đông càng nổi lên như một mặt trận mới trong cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng ở "Nam toàn cầu - tên gọi chung của các quốc gia đang phát triển ở Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh - trong cuộc đối đầu giữa phương Tây với Nga và Trung Quốc.
Clifford Kupchan, Chủ tịch của Eurasia Group, một tổ chức đánh giá rủi ro có trụ sở tại New York, cho biết: “Cuộc chiến ở Trung Đông sẽ tạo ra sự chia rẽ ngày càng lớn giữa phương Tây và các quốc gia như Brazil hay Indonesia, những quốc gia chủ chốt ở Nam toàn cầu. Điều đó sẽ khiến hợp tác quốc tế về Ukraine, cũng như việc thực thi lệnh trừng phạt đối với Nga, thậm chí còn khó khăn hơn”.
Tổng thống Joko Widodo của Indonesia, quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, không công nhận Israel, đã lên án “những bất công đang diễn ra đối với người dân Palestine”. Ông nói, cuộc chiến ở Gaza sẽ chỉ làm tình hình toàn cầu trở nên tồi tệ hơn, đe dọa giá dầu tăng cao sau khi chiến tranh Ukraine đã làm chậm lại hoạt động xuất khẩu lúa mì.
Về phần mình, Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva của Brazil đã chỉ trích việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine là "khuyến khích" xung đột nhưng lại đổ lỗi cho cả hai bên về cuộc giao tranh và đề nghị hòa giải. Brazil, với tư cách là Chủ tịch luân phiên tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng này, đã soạn thảo một nghị quyết ngừng bắn nhân đạo ở Gaza, trong đó cũng lên án rõ ràng “các cuộc tấn công tàn khốc của Hamas”.
Sau khi Mỹ phủ quyết nghị quyết này vì không đề cập tới quyền tự vệ của Israel, Đại sứ Brazil tại Liên hợp quốc Sérgio França Danese bày tỏ sự thất vọng. Ông nói: “Hàng trăm nghìn thường dân ở Gaza không thể chờ đợi thêm nữa. Thực ra, họ đã đợi quá lâu rồi”.
Các nhà lãnh đạo Arab - như Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi của Ai Cập, Quốc vương Abdullah II của Jordan và Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan al-Saud - tất cả đều đả kích trong các bài phát biểu hôm 21/10 tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Cairo về cái mà họ gọi là "tiêu chuẩn kép".
Quốc vương Abdullah nói: “Ở bất kỳ nơi nào khác, việc tấn công cơ sở hạ tầng dân sự và cố tình bỏ đói toàn bộ người dân về lương thực, nước uống, các nhu yếu phẩm cơ bản sẽ bị lên án và trách nhiệm giải trình sẽ được thực thi. Luật pháp quốc tế sẽ mất hết giá trị nếu được thực thi có chọn lọc”.
Người Palestine đã chỉ trích các nước phương Tây vì đã không bày tỏ phản ứng trước những vụ đánh bom Gaza tương tự như việc họ nói về các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga nhằm vào các thành phố và cơ sở hạ tầng của Ukraine.
Tính chính nghĩa của người Palestine từ lâu đã phát triển mạnh ở Nam toàn cầu nên cuộc chiến ở Gaza chỉ làm tăng thêm sự phẫn nộ ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh rằng phương Tây đang coi Ukraine là trường hợp đặc biệt vì đây là cuộc xung đột của châu Âu. Họ tố cáo số tiền chi để trang bị vũ khí cho Ukraine trong khi các mục tiêu phát triển quốc tế bị phớt lờ.
Hanna Notte, nhà phân tích về Nga, châu Âu trong Chương trình Á-Âu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết có quan điểm cho rằng phương Tây “quan tâm nhiều hơn đến người tị nạn Ukraine, nỗi đau khổ của dân thường Ukraine hơn so với sự đau khổ ở Yemen, Gaza, Sudan, Syria”.
Điều đó giúp minh họa tại sao phương Tây đã thất bại trong việc thuyết phục các nước như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ các biện pháp trừng phạt Nga. Với tình hình ở Gaza, nỗ lực đó khó có thể sớm thành công.
Richard Gowan, Giám đốc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế của Liên hợp quốc, cho biết: “Đây là một vấn đề rất đau đầu đối với các nhà ngoại giao phương Tây vì họ đã dành rất nhiều thời gian trong năm nay để cố gắng lôi kéo Nam toàn cầu. Chúng tôi nhận thấy sự ủng hộ và quan tâm đến Ukraine của các thành viên Liên hợp quốc đã giảm dần trong năm nay”.
Ở châu Âu, một số nhà bình luận cũng chỉ trích EU là "tiêu chuẩn kép" vì những cách tiếp cận khác nhau đối với các cuộc chiến ở Ukraine và Gaza, trong khi rất ít chính trị gia bình luận trực tiếp.
Carl Bildt, cựu Thủ tướng Thụy Điển, đã bình luận rằng hầu hết thế giới đều nhận thức được tiêu chuẩn kép trong chính sách của phương Tây về hai cuộc chiến. Ông viết: “Dù đúng hay sai, đây là điều chúng ta phải giải quyết".